Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam hôm 1-9 xuất hiện trở lại sau khoảng thời gian vắng mặt nhằm kỷ niệm 75 năm quốc khánh, tuy nhiên các đoạn clip do báo chí nhà nước đăng tải cho thấy tay chân ông run rẩy, đi lại khó khăn.
Video clip lộ ra những đoạn di chuyển ngắn, đủ cho thấy ông Nguyễn Phú Trọng không nhìn thẳng mà liên tục nhìn xuống chân vì sợ ngã, bước đi chập chững, dáng hơi lết lết, chân phải khá yếu, thân người luôn lắc lư khi di chuyển như chiếc thuyền tròng trành.
Bao quanh ông Trọng luôn có một đoàn người bám sát, cuối đoàn có chuyên viên y tế tay cầm cặp sẵn sàng. Giọng nói vị Tổng bí thư phát biểu đã hơi run run yếu hơi và nội dung lặp lại những công ơn của cố chủ tịch Hồ Chí Minh, lặp lại những giá trị trọng đại của bản tuyên ngôn độc lập…
Nhìn chung có thể đánh giá là sức khỏe của Tổng bí thư không thật sự tốt và cần có sự chăm sóc rất sát sao, điều này cũng lý giải sự vắng mặt của ông trước ống kính truyền thông trong giai đoạn gần đây.
Sáng 1-9-2020, Tổng bí thư đảng cộng sản kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tới Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh để dâng hương tưởng niệm nhân kỷ niệm 75 năm quốc khánh.
Các bức ảnh mà TTXVN chụp sáng nay cho thấy, ông Nguyễn Phú Trọng bước đi có người đi kế bên nắm tay dìu đi, trước đó ông vắng mặt trong buổi lễ kỷ niệm quốc khánh hôm 28-8 do ông Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.
Trong khi đó cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vắng mặt trong lễ viếng của các lãnh đạo và cựu lãnh đạo ở lăng cựu Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau khi con trai ông là Bí thư tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị bị kỷ luật kiểm điểm rút kinh nghiệm do những sai phạm đất đai giai đoạn ông Dũng còn tại vị.
Một bộ ảnh do Thông Tấn xã Việt Nam công bố được nhiều báo của nhà nước đăng tải về sự kiện này hôm 01/9 cho hay nhà lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam thăm ao cá Bác Hồ và cho cá ăn, cũng như thăm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, ông Nguyễn Phú Trọng cũng được thấy qua các bức ảnh tặng quà cho cán bộ, nhân viên Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và chụp ảnh lưu niệm với họ.
Hồi cuối tháng sáu, nhiều báo chí trong nước đưa tin có tính chất dọn đường, rằng nhiều cử tri mong muốn Tổng bí thư chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp tục ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa “để chèo lái con thuyền đất nước”, trong khi vấn đề quan tâm nhất trong những hoạt động của ông Trọng là chuẩn bị nhân sự cho Đại hội 13 của Đảng sắp tới.
Mới đây hôm 24/8 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành một quyết định, theo đó, hồ sơ bệnh án, thông tin, kết quả khám bệnh, chữa bệnh, kiểm tra sức khỏe của các ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư trung ương Đảng thuộc danh mục “tối mật”…
Mặc dù quyết định này mới ban hành nhưng bấy lâu nay những thông tin về sức khỏe của các vị lãnh đạo luôn được giữ kín, đặc biệt như những sự kiện bệnh tật của ông Nguyễn Bá Thanh, ông Trần Đại Quang hay như đối với Đại tướng Phùng Quang Thanh hồi năm 2015 đã có những tin đồn rất xấu về sức khỏe của ông và đến nay cũng không có thêm tin tức nào rõ ràng hơn được xem là chính thống.
Sau một thời gian dài vắng bóng trên các phương tiện truyền thông, thì mới đây ông Nguyễn Phú Trọng lại tiếp tục vắng mặt trong buổi lễ kỷ niệm 75 năm quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam hôm 28-8-2020.
Báo Nhân dân cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và vợ chủ trì buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng… cũng có mặt tham dự.
Mới đây, ông Trọng là cũng vắng mặt trong quốc tang của cựu Tổng bí thư đảng Cộng sản Lê Khả Phiêu mặc dù ông là “Trưởng ban lễ tang.”
Hồi tháng 4-2019, sức khỏe ông Nguyễn Phú Trọng trở thành đề tài bàn tán ở Việt Nam sau chuyến thăm tỉnh Kiên Giang.
Ông Trọng xuất hiện trở lại một tháng sau đó với các hình ảnh ngồi họp với một chiếc đai vòng xung quanh bụng, nhưng báo Thanh Niên khi đưa ảnh lên báo giấy trang bìa đã dùng Photoshop để xóa bỏ chiếc đai này.
Truyền thông trong nước khi đưa tin về những cuộc họp, sự kiện, cũng không thấy hình ảnh ông Nguyễn Phú Trọng.
Mãi đến ngày 25/4, trả lời phóng viên trong buổi họp báo thường kỳ, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã nói nguyên văn như sau: “Do cường độ làm việc cao, thời tiết thay đổi đã ảnh hưởng tới sức khỏe của đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ sớm trở lại làm việc bình thường”.
Tuy nhiên, số lần ông Trọng xuất hiện công khai được ghi nhận vẫn rất hạn chế.
Tháng 10 năm ngoái, báo Nhân dân vô tình đưa đoạn video cho thấy ông Trọng bước đi khó khăn trong cuộc đón tiếp lãnh đạo Lào.
Kể từ đó đến nay, báo đài nhà nước gần như không đưa video nào cho thấy ông Trọng bước đi.
Cựu tù nhân lương tâm Phạm Minh Vũ bình luận về vấn đề này trên Facebook cá nhân có 27 ngàn người theo dõi, bài viết mang tựa đề: “Ông Trọng Nên Học Làm Người Tử Tế”, nội dung như sau:
Trong những ngày gần đây, sự vắng bóng trên chính trường VN của ông Trọng đã làm cho nhiều sự đồn đoán sức khỏe vị lãnh đạo quốc gia này đang chuyển biến nghiêm trọng.
Hai sự kiện gần đây nhất để chứng minh ông Trọng gần như không thể tỉnh táo để đến cho dù ngồi trên xe lăn đó là đám tang cựu tổng Lê Khả Phiêu và kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh.
Nếu ta thấy ở các quốc gia Dân chủ và phát triển, nguyên thủ quốc gia của họ gần như phải trình diện trước dân hàng ngày qua những hoạt động liên tục không ngừng nghỉ, qua những kế hoạch, chính sách đã cam kết với dân trước đó, nếu không đủ sức khỏe thì ít ra cúi đầu trước dân và nói lời xin lỗi vì không đủ sức khỏe để phục vụ nhân dân tiếp tục nữa, giống như ông Thủ tướng Shinzo Abe vừa rồi.
Khi một quốc gia có hệ thống Dân chủ pháp trị thì mọi vấn đề về lãnh đạo gần như minh bạch mọi thứ, từ tài sản đang sở hữu đến sức khỏe như thế nào, Dân yêu cầu phải giải trình cho dân biết.
Vậy mà, vì sự vắng bóng lâu quá trên chính trường, Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành quyết định 1295/QĐ-TTg về danh mục bí mật nhà nước lĩnh vực y tế. Quyết định này, hồ sơ bệnh án, thông tin, kết quả khám bệnh, chữa bệnh, kiểm tra sức khỏe của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng là Tối mật. Hành xử của ông trọng thể hiện cách hành xử của một tổ chức Mafia thì đúng hơn là một nhà nước.
Tại sao sức khỏe các vị lại là tối mật? Trong khi đó Nhân dân đóng thuế thuê các vị chứ đâu phải để ngồi trên đầu nhân dân, một hành xử quá mất dạy, khinh thường nhân dân. Sức khỏe các ông như thế nào để nhân dân biết mà lựa chọn người khác lên thay chứ?
Quốc gia đại sự không thể trao phó cho người ngồi xe lăn không vững, không thể chọn người đột quỵ, càng không thể chọn kẻ ngồi xe lăn mà lại tham quyền cố vị, tham nhũng quyền lực bỏ rơi vận mệnh Dân tộc đang quá nhiều chuyện cần người tỉnh táo, đủ sức khỏe để đảm trách.
Tôi nghĩ người tử tế không có ai hành xử mất dạy như ông Trọng cả, ông Trọng nên học cách làm người tử tế, ít ra khi thấy sức khỏe không đủ thì nên từ chức đi. Làm sao có chuyện bóp cổ dân bắt dân đóng thuế nuôi một kẻ chỉ ăn và nằm còn không thể tự chủ như thế được, trong khi đó dân hàng ngày phải ăn ve sầu, bới thùng rác kiếm ăn?” ông Phạm Minh Vũ đưa ra nhận định.
Từ Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ truởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương, Chủ tịch Trung tâm Minh Triết dẫn chứng quyết định từ chức của ông Shinzo Abe là hành động cư xử của một xã hội văn minh. Ông Mai nhận xét:
“Ông Shinzo Abe rất có trách nhiệm với dân tộc và chính phủ, người dân của mình. Người ta không còn đủ sức khỏe nữa thì xin tìm người thay thế là người khỏe mạnh, đủ sức chèo chống con tàu đưa đất nước, dân tộc phát triển. Đấy là một hạnh phúc của dân tộc Nhật, đất nước Nhật. Không giống như những anh chàng lú lẩn ở Việt Nam, già nua, nói trước quên sau nhưng vẫn bám vào ngôi vị mà làm không đến nơi đến chốn công việc của mình.
Sẽ là một bất hạnh cho quốc gia nào như Việt Nam không có nổi một con người như vậy (như ông Abe), biết tự trọng, biết khiêm nhường, biết lúc nào ngừng, lúc nào nghỉ, cái đấy gọi là người vừa có trí trí, vừa có đức.”
Theo nhà báo Ngô Nhật Đăng, từ chuyện không công khai sức khỏe lãnh đạo có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho tình hình đất nước. Ông lập luận:
“Hiện tại chính quyền quyền lực hóa của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước. Ta thấy đất nước cho đến lúc này rất nhiều chuyện từ dịch bệnh, tình hình thiên tai, phát triển kinh tế mà mấy tháng nay ta chưa hề thấy nguyên thủ quốc gia xuất hiện thì làm sao đất nước qua được. Nguyên thủ quốc gia vắng mặt bỏ rơi trách nhiệm lãnh đạo đất nước của mình, người lãnh đạo đã từ bỏ quyền lãnh đạo đất nước muốn thoái hóa kinh tế. Tôi cho rằng tình trạng này sẽ gây ra sự không ổn định cho quốc gia.”
Đồng quan điểm nêu trên, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai đưa ra nhận định:
“Việt Nam cứ coi sức khỏe lãnh đạo như một bí mật. Vì sao họ muốn giữ bí mật ấy? Vì cái gốc là họ muốn tham quyền cố vị, không muốn nhường chức cho ai. Đấy là thói xấu, đạo đức kém bày trò ra là tự nhiên sức khỏe lãnh đạo trở thành bí mật quốc gia.”
Vì vậy, theo quan điểm cá nhân, nhà báo Ngô Nhật Đăng cho rằng, từ chuyện bé như công khai tình hình sức khỏe lãnh đạo mà chính phủ Hà Nội đã bỏ qua, thì chuyện lãnh đạo xin từ nhiệm vì lý do sức khỏe như các nước khác lại càng khó xảy ra:
“Chúng ta nên coi tư duy một cách rất bình thường là người điều hành quốc gia như một người điều hành công ty chẳng hạn, người Tổng giám đốc khi sức khỏe không còn, không thể điều hành lãnh đạo công ty nữa thì nên từ chức. Nhưng chúng ta cũng thấy rằng chế độ đang cai trị cho thấy tình trạng như thế, tức mọi người coi sinh hoạt chính trị thực ra không cần thiết. Đảng coi quyền lực chính trị là độc quyền của mình thì sẽ rất khó có chuyện tự nguyện từ chức. Khi còn độc đảng, còn ý thức hệ thì chắc chắn sẽ không có chuyện họ tự nguyện từ chức.”
Hải Yến – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Vụ Nguyễn Đức Chung: Đảng trưởng “bắt” anh hùng – Đồng chí “thịt” lẫn nhau
>>> Đảng với Âm mưu “rước voi giày mả tổ”
>>> “Tranh ghế” Đại hội 13 – Hồ sơ bệnh án lãnh đạo cấp cao là ‘tối mật’
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT