Phát biểu trong một sự kiện trực tuyến do Viện Aspen tổ chức vào ngày 16/10 mới đây, Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Robert O’Brien nói Trung Quốc đang thực hiện “điều gì đó gần” như diệt chủng khi đề cập đến cách đối xử của nước này với người Hồi giáo trong vùng Tân Cương.
Ông Robert O’Brien phát biểu: “Nếu không phải là diệt chủng thì là điều gì đó gần như vậy ở Tân Cương.”
Từ vài năm nay, Mỹ đã lên án cách thức Trung Quốc đối đãi người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo thiểu số khác ở Tân Cương. Không chỉ dừng lại ở lời nói, Mỹ còn tiến tới những hành động để gây áp lực với Trung Quốc trên hồ sơ Tân Cương vốn rất nhạy cảm này. Tuy nhiên, cho đến nay, Mỹ vẫn chưa gọi các hành động của Bắc Kinh là diệt chủng, một sự định danh mang ý nghĩa pháp lý quan trọng và buộc Mỹ có hành động mạnh mẽ hơn chống lại Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ cho biết vào tháng trước rằng Washington đang cân nhắc ngôn từ mà họ sẽ sử dụng để mô tả những gì đang xảy ra trong khu vực nhưng nói thêm: “Khi Hoa Kỳ nói về tội ác chống nhân loại hoặc diệt chủng … chúng tôi phải rất cẩn trọng và rất chính xác bởi vì nó hàm ý rất nghiêm trọng.”
Ông O’Brien còn đề cập đến việc hải quan Mỹ thu giữ “số lượng rất lớn” các sản phẩm tóc làm bằng tóc người từ Tân Cương.
Ông nói: “Người Trung Quốc thực sự là đang cạo đầu phụ nữ Uighur và làm các sản phẩm tóc và gửi chúng đến Mỹ.”
Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ vào tháng 06 cho biết họ đã thu giữ một lô hàng có nguồn gốc từ Tân Cương gồm các sản phẩm làm tóc và phụ kiện bị nghi là sản phẩm lao động cưỡng bức làm từ tóc người.
Thời gian gần đây, Hoa Kỳ thể hiện mối quan tâm ngày càng lớn về cách Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Hoa Kỳ đang ở tuyến đầu của mặt trận quốc tế lên án chính sách đàn áp của Trung Quốc tại khu tự trị Tân Cương.
Hôm 30/09/2020 vừa qua, Hoa Kỳ xác định Trung Quốc là điểm nóng toàn cầu về hàng hóa do những người bị cưỡng bức lao động sản xuất. Bộ Lao động Hoa Kỳ công bố danh sách được cập nhật hai năm một lần, về các loại hàng hóa được cho là do trẻ em bị cưỡng bức lao động làm ra. Trong danh mục này có 17 mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc, từ găng tay cho đến các đồ vật trang trí mùa Giáng Sinh.
Bộ trưởng Lao động Eugene Scalia nói với báo chí : « Tất cả những lạm dụng được nêu ra trong báo cáo này đều đáng ngại, nhưng đặc biệt có một quốc gia nổi bật nhất. Trung Quốc vượt xa tất cả các nước khác về các sản phẩm do người bị cưỡng bức lao động làm ra. »
Tài khoản Twitter của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 01/10/2020 nhấn mạnh câu nói của ngoại trưởng Mike Pompeo : « Đảng Cộng sản Trung Quốc thực sự là một mối đe dọa. »
Trước đó, ngày 22/09/2020, với mục địch chống lại sự « cưỡng bức lao động » đối với người Duy Ngô Nhĩ, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cấm nhập khẩu hàng hóa từ Tân Cương với đa số áp đảo.
Dự luật đã được thông qua với tuyệt đại đa số dân biểu (406 phiếu thuận, 3 phiếu chống) trong một tinh thần đồng thuận hiếm hoi giữa hai phe Cộng hoà và Dân chủ tại Hạ viện Mỹ.
Dự luật đề ra các biện pháp cấm toàn bộ sản phẩm sản xuất ở Tân Cương. Điều kiện duy nhất để một sản phẩm được đặc cách là phải « chứng minh » không do nhân công bị cưỡng bách làm ra.
Theo bản báo cáo đính kèm dự thảo luật hồi tháng 03, rất nhiều hàng hóa bán trên thị trường Hoa Kỳ, có xuất xứ từ tệ nạn lao động cưỡng bức. Trong danh sách khá dài này, có vải sợi, giày dép, điện thoại di động, linh kiện điện toán, trà… cũng như tên các công ty khai thác như Adidas, Nike, Clavin Klein, H&M, Coca-Cola…
Hôm 09/07, Hoa Kỳ đã ban hành trừng phạt với các quan chức cấp cao trong đó có một ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc theo luật Magnitsky, vì đã đàn áp người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Lệnh trừng phạt được đưa ra theo luật Magnitsky, cho phép chính phủ Mỹ phong tỏa tài sản, cấm nhập cảnh những đối tượng vi phạm nhân quyền, cấm công dân Mỹ làm ăn với những người này. Tiếp đó, đến hôm 31/07, Hoa Kỳ tiếp tục đưa ra lệnh trừng phạt mới nhắm vào công ty Trung Quốc XPCC (Xinjiang Production and Construction Corp) – một tổ chức bán quân sự, công cụ của Đảng Cộng sản để tăng cường kiểm soát vùng Tân Cương và hai quan chức vì liên quan đến « vị phạm nghiêm trọng nhân quyền đối với sắc tộc thiểu số ở Tân Cương ».
Vào tháng 06, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gọi việc Trung Quốc đang sử dụng biện pháp cưỡng bức triệt sản, cưỡng bức phá thai và kế hoạch hóa gia đình cưỡng ép nhắm vào người Hồi giáo ở Tân Cương là “gây sốc” và “ghê rợn.”
Liên Hiệp Quốc ước tính hơn một triệu người Hồi giáo đã bị giam giữ ở Tân Cương và các nhà hoạt động nói rằng những tội ác chống nhân loại và diệt chủng đang diễn ra ở đó.
Trung Quốc phủ nhận mọi hành vi xâm phạm nhân quyền và nói rằng các trại của họ trong khu vực là những trung tâm huấn nghiệp và giúp chống lại chủ nghĩa cực đoan.
Thế nhưng các bằng chứng về tội ác của Trung Quốc ngày càng được giới nghiên cứu phương Tây hoàn thiện.
Hôm 24/09, Viện nghiên cứu Úc Australian Strategic Policy Institute (ASPI) đã cung cấp thêm thêm bằng chứng về hệ thống trại giam khổng lồ tại vùng Tân Cương, Trung Quốc dựa trên hình ảnh vệ tinh và nhiều nguồn thông tin khác.
ASPI cho biết có tổng cộng 380 địa điểm được sử dụng làm nơi giam giữ, được xây dựng từ năm 2017. Tại ít nhất 61 trung tâm giam giữ, nhiều dấu hiệu cho thấy có các xây dựng mới trong khoảng thời gian từ tháng 07/2019 đến tháng 07/2020. Theo ASPI, số lượng các cơ sở giam giữ được thống kê trong điều tra này là nhiều hơn 40% so với tổng số cơ sở giam giữ đã biết.
Hãng tin Mỹ Bloomberg dẫn lời nhà nghiên cứu phụ trách cuộc điều tra Nathan Ruser, nhấn mạnh là các bằng chứng này buộc chính quyền Trung Quốc phải đối mặt với sự thực. Theo nhà nghiên cứu Úc, thoạt tiên Bắc Kinh bác bỏ sự tồn tại của hệ thống trại giam, sau họ đã phải chấp nhận có các trung tâm như vậy, nhưng chỉ là để « đào tạo nghề » và toàn bộ những người Duy Ngô Nhĩ có mặt tại các trung tâm « đã tốt nghiệp » và rời khỏi « các địa điểm dạy nghề » này. Ngược lại, kết quả điều tra cho thấy hệ thống trại giam người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương vẫn đang được phát triển.
Không chỉ giam giữ người Duy Ngô Nhĩ, Trung Quốc còn phân công người theo dõi nhất cử nhất động của những người Duy Ngô Nhĩ còn lại, kể cả trẻ em, tại chính ngôi nhà của họ.
Trung Quốc đang nỗ lực xóa sổ sắc tộc này và bằng mọi cách Hán hóa Tân Cương.
RFI trích dẫn các nghiên cứu của truyền thông Pháp cho biết Tân Cương là thí điểm của chính sách « năm cùng » (cùng ăn, cùng nấu ăn, cùng sống chung, cùng học và ngủ chung một phòng) nhằm nô lệ hóa cả một dân tộc, bắt đầu từ năm 2016 và tăng cường từ năm 2017, là năm mà đảng Cộng Sản Trung Quốc họp Đại hội 19, và chính sách này được thực hiện đại trà kể từ 2019.
Hơn một triệu đảng viên người Hán được huy động để thực hiện chính sách được mệnh danh là « thống nhất các sắc tộc vào một gia đình ». Trên hiện trường, hơn 100.000 cán bộ Đảng được phân chia vào từng gia đình người Duy Ngô Nhĩ ở thủ phủ Urumqi, nhưng nhất là ở miền nam Tân Cương nơi được xem là có nhiều thành phần chống đối. Nhiều phụ nữ Duy Ngô Nhĩ sống trong nỗi sợ bị sách nhiễu và cưỡng dâm, nhất là khi chồng bị đi cải tạo.
Lúc đầu, cán bộ làm như khách mời, mang đến ít quà như hộp sữa. Nhưng sau đó, vai trò đảo lộn, gia đình chủ nhân biến thành nô lệ phục vụ cho cán bộ ăn dầm nằm dề, đến cái bàn chải đánh răng cũng phải cung cấp. Theo lệnh, mỗi gia đình Duy Ngô Nhĩ phải « sống chung » với một cán bộ trong vòng một tuần mỗi tháng theo tiêu chuẩn « 5 cùng ».
Nhiều công nhân viên Nhà nước cũng bị theo dõi. Họ bị nghi ngờ sống hai mặt, giả vờ trung thành với Đảng, nhưng sau lưng thì có tư tưởng hay phát biểu khác. Họ cũng bị buộc phải sống chung với một cán bộ do cơ quan chỉ định.
Phải có đủ 90 điểm thì mới gọi là « tốt ». Gia đình ở gần trại cải tạo thì phải đủ 100 điểm hạnh kiểm tốt, nếu không muốn bị đi cải tạo.
Theo nhà chính trị học Timothy Rose, một chuyên gia về các sắc dân thiểu số tại Trung Quốc, đây là một hình thức « nới rộng trại cải tạo, vươn ra ngoài hàng rào kẽm gai ».
Tuần báo Anh The Economist mới đây cũng khẳng định “Cuộc truy bức người Duy Ngô Nhĩ là một tội ác chống nhân loại”.
The Economist đã nêu bật tính chất vô nhân đạo của chính sách giam giữ, tẩy não, cưỡng bức lao động… hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ mà Bắc Kinh áp dụng ở Tân Cương.
Đối với The Economist, điều mà Trung Quốc đã làm đối với người Duy Ngô Nhĩ đúng là một tội ác chống nhân loại, thể hiện qua việc dùng vũ lực lưu đày, giam giữ cả một nhóm dân được xác định cụ thể, thủ tiêu một số cá nhân. Do một chính phủ áp đặt một cách có hệ thống, đó là hành động vi phạm trên quy mô lớn nhất trên thế giới hiện nay nguyên tắc theo đó các cá nhân có quyền tự do và nhân phẩm đơn giản vì họ là con người.
The Economist đề xuất giới hoạt động nhân quyền nên vạch trần và lập hồ sơ về những vụ vi phạm, giới văn nghệ sĩ có thể nói tại sao phẩm giá con người là đáng quý, giới doanh nghiệp có thể từ chối tiếp tay. Hiện nay đang có những lời kêu gọi tẩy chay – trong đó có cả việc tẩy chay Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022.
Cuối cùng, đến lượt các chính phủ phải hành động. Họ nên cấp quyền tị nạn cho người Duy Ngô Nhĩ, và cũng giống như Mỹ, áp dụng các biện pháp trừng phạt có mục tiêu đối với các quan chức chịu trách nhiệm về những vụ vi phạm và cấm hàng hóa được làm bằng lao động cưỡng bức.
Các chính phủ cũng nên lên tiếng. Chế độ của Trung Quốc không phải là không biết xấu hổ. Vì nếu tự hào về những hành động khắc nghiệt ở Tân Cương, Bắc Kinh đã không cố gắng che giấu như đã thấy, và cũng không dựa vào các nước nhỏ hơn để ký các tuyên bố tán thành các chính sách của Trung Quốc ở Tân Cương.
Quy mô khủng khiếp của chiến dịch đàn áp càng nổi cộm, hiệu quả của chiến dịch tuyên truyền của Bắc Kinh ngày càng giảm sụt: Mới đây, 15 quốc gia, đa số trong khối Hồi Giáo, từng ký tuyên bố ủng hộ chính sách của Trung Quốc tại Tân Cương, đã thay đổi ý kiến.
Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Bị bao vây – Tập “cuống cuồng” kêu gọi sẵn sàng chiến đấu
>>> Trung Quốc “tứ bề thọ địch” – Nội bộ Đảng nguy cơ khủng hoảng lên cao
>>> Chính trị Mỹ và Việt Nam, Trump vs Trấn Thành
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT