Việt Nam đe dọa sẽ đóng cửa Facebook trong nước nếu dịch vụ này không tuân thủ những áp lực của chính phủ trong việc kiểm duyệt nhiều nội dung liên quan chính trị. Reuters ngày 19 tháng 11 dẫn lời một viên chức cao cấp giấu tên của Facebook tại Mỹ cho biết như vậy.
Hồi tháng 4, Facebook đã tuân thủ yêu cầu của chính phủ Việt Nam, tăng cường kiểm duyệt đáng kể các bài đăng mà chính phủ Việt Nam cho là “chống nhà nước“.
Đến tháng 8, một lần nữa Facebook lại bị yêu cầu có những kiểm duyệt như vậy.
Reuters trích lời viên chức cao cấp giấu tên rằng: “Hồi tháng 4 Facebook và Chính phủ Việt Nam có một thỏa thuận. Phía Facebook về phía mình tuân thủ những cam kết và mong muốn chính phủ Việt Nam cũng làm như vậy.
Phía Việt Nam sau đó lại yêu cầu chúng tôi tăng số lượng bài đăng mà Facebook phải kiểm duyệt, kèm theo đó là những đe dọa về những gì có thể xảy ra nếu chúng tôi không làm theo lời họ. Chúng tôi không đồng ý như vậy.”
Vị viên chức cao cấp của Facebook cho biết một trong những đe dọa từ phía Hà Nội là đóng hoàn toàn Facebook tại Việt Nam. Đây là thị trường trị giá mang lại doanh thu gần 1 tỷ đô la Mỹ cho Facebook theo đánh giá của hai nguồn thân cận với doanh số của Facebook.
Facebook đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn từ các chính phủ về các chính sách kiểm duyệt nội dung, bao gồm cả những lời đe dọa về các quy định mới và tiền phạt.
Facebook đã vượt qua tất cả những đe dọa này, trừ một số nơi họ chưa được phép hoạt động, chẳng hạn như Trung Quốc.
Tại Việt Nam, mặc dù có những cải cách kinh tế sâu rộng và những thay đổi xã hội ngày càng cởi mở hơn, đảng cầm quyền vẫn kiểm soát chặt các phương tiện truyền thông và ít chấp nhận sự phản biện.
Việt Nam đứng thứ 5 từ dưới lên trong bảng xếp hạng toàn cầu về tự do báo chí do Tổ chức Phóng viên Không Biên giới thực hiện.
Hồi tháng 4, Reuters đưa tin rằng các công ty viễn thông trong nước đã để các máy chủ của Facebook hoạt động ở dạng offline khiến việc truy cập Facebook của người dùng bị gián đoạn, cho đến khi họ tuân thủ theo yêu cầu của chính phủ. Bên cạnh đó, Facebook phải đối mặt với những lời chỉ trích từ các nhóm nhân quyền vì đã quá tuân thủ các yêu cầu kiểm duyệt của chính phủ.
Reuters dẫn lời nữ phát ngôn viên của Facebook cho hay, Facebook sẽ làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng mọi dịch vụ vẫn hoạt động để mọi người có thể tiếp tục bày tỏ chính kiến của mình.
Hiện có khoảng 70 triệu người Việt Nam dùng Facebook. Đây là nền tảng chính cho cả kinh doanh trên mạng lẫn những phản biện về chính trị đang bị chính phủ giám sát liên tục. Việt Nam đã cố gắng tung ra các mạng xã hội trong nước để cạnh tranh với Facebook, nhưng chưa có mạng nào đạt được mức độ phổ biến cần thiết.
Khi được hỏi về lời đe dọa đóng cửa Facebook của Việt Nam, tổ chức nhân quyền Amnesty International cho biết thực tế nó vẫn chưa bị cấm. Bất chấp những lời đe dọa của chính phủ Việt Nam, Facebook vẫn đang làm mọi cách để chống lại yêu cầu của Hà Nội. Phó giám đốc khu vực phụ trách các chiến dịch của Tổ chức Ân xá cho biết, Facebook có trách nhiệm rõ ràng là tôn trọng nhân quyền ở bất cứ nơi nào họ hoạt động trên thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Còn theo một bài viết của James Pearson, trưởng đại diện hãng Reuters ở Việt Nam thì “Facebook đang ưu tiên lợi nhuận ở Việt Nam, và không tôn trọng nhân quyền”.
Facebook cao rao tự do ngôn luận; nhưng tại Việt Nam lại hỗ trợ kiểm duyệt!
Tờ Los Angeles Times ngày 22/10 đăng tải bài viết của 2 tác giả David S. Cloud và Shashank Bengali với tiêu đề tạm dịch là
‘Facebook cao rao tự do ngôn luận. Tại Việt Nam nhưng lại đang hỗ trợ biện pháp kiểm duyệt.’
Bài viết có nhắc đến việc Facebook và người sáng lập Mark Zuckerberg cho biết quan điểm bảo vệ quyền tự do ngôn luận trừ những trường hợp cụ thể, chẳng hạn như khi kích động bạo lực. Tuy nhiên, ở các quốc gia bao gồm Cuba, Ấn Độ, Israel, Morocco, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ, Facebook thường hạn chế các bài đăng mà chính phủ những nước đó cho là nhạy cảm hoặc vượt quá giới hạn. Tình trạng này được thể hiện rõ nét và chân thật nhất ở Việt Nam.
Facebook được chuyển sang ngôn ngữ địa phương cho người dùng Việt Nam vào năm 2008 và có hơn một nửa người dân cả nước có tài khoản mạng xã hội này. Facebook giúp những tiếng nói phê bình Chính phủ và các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ ở cả Việt Nam và Hoa Kỳ vượt qua sự kiểm soát chặt chẽ của hệ thống cộng sản đối với phương tiện truyền thông.
Tuy nhiên, theo The LA Times, trong vài năm gần đây, Facebook đã liên tục kiểm duyệt tài khoản của những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam. Mục đích được nói nhằm cố gắng xoa dịu Chính phủ Hà Nội khi lãnh đạo Việt Nam đe dọa đóng cửa Facebook nếu không tuân thủ.
Theo các nhà phê bình, thay vì sử dụng lực bẩy của mình như một nền tảng truyền thông lớn nhất của Việt Nam để chống lại kiểm duyệt, Facebook đã trở thành đồng phạm trong việc Chính phủ tăng cường đàn áp những tiếng nói ủng hộ dân chủ.
Nói rõ hơn về tình trạng vừa nêu, từ Hà Nội, nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình, từng làm tại Tạp chí Cộng sản cho hay:
“Đây là một vấn nạn rất nghiêm trọng bởi vì rất nhiều người đã bị chặn Facebook, ngăn không cho bình luận, rất nhiều vấn đề Facebook gây ra cho người dùng Facebook khi có những bài viết, ý kiến, hình ảnh mà nhà cầm quyền cho là có ảnh hưởng đến an ninh trật tự của chế độ.
Rất nhiều người bức xúc nhưng không làm sao được bởi vì họ (Facebook) có một lý do là vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng mà không rõ tiêu chuẩn cộng đồng đó là gì. Rất nhiều người bị cấm, khóa tài khoản, không cho (nội dung) xuất hiện ở Facebook ở Việt Nam mà chỉ cho hiện ở nước ngoài. Có rất nhiều hình thức để ngăn cản tự do thông tin trên Facebook và nhiều người rất bức xúc.”
Cụ thể, Facebook cho biết họ thường hạn chế các bài đăng và người dùng vì một trong hai lý do gồm vi phạm “tiêu chuẩn cộng đồng” là những quy tắc mà công ty cho biết áp dụng cho người dùng trên toàn thế giới hoặc “luật địa phương”. Các bài đăng trong danh mục thứ hai bị chặn ở quốc gia mà chúng bị cho là bất hợp pháp nhưng vẫn có thể truy cập được ở những nơi khác.
Xác nhận thực tế nêu trên, ông Nguyễn Văn Hải, hay còn gọi là blogger Điếu Cày nói với RFA qua điện thoại như sau:
“Tình hình Facebook ở Việt Nam là đa số anh em đấu tranh dân chủ đưa thông tin về những vụ việc lớn đều bị chặn. Thậm chí trước khi một vụ việc lớn xảy ra họ có chuẩn bị từ dư luận viên đến tất cả lực lượng chống phá trên mạng để định hướng dư luận, đồng thời họ tìm mọi cách báo cáo chặn thông tin, như vụ Đồng Tâm là vụ nổi bật nhất. Ngay sau khi vụ Đồng Tâm xảy ra thì tất cả anh em lên tiếng trên mạng thì họ có cả chiến dịch truyền thông để tấn công vào anh em. Đồng Tâm là một trong những vụ nổi bật nhất mà họ có chiến dịch tấn công lớn nhất trên mạng từ trước đến nay. Riêng tôi là khoảng 6 bài liên quan đến Đồng Tâm bị xóa hết, Facebook cũng cảnh báo là họ có thể đóng vĩnh viễn trang của mình.”
Bài viết được đăng tải trên Los Angeles Times dẫn lời Facebook cho biết trong một số trường hợp, Chính phủ Việt Nam buộc người dùng phải vô hiệu hóa tài khoản của chính họ mà không liên quan đến công ty.
Ngoài ra, Facebook cũng cho biết trong một tuyên bố: “Không phải lúc nào chúng tôi cũng để mắt tới các chính phủ ở các quốc gia nơi chúng tôi hoạt động, bao gồm cả Việt Nam”.
Theo Los Angeles Times, với dân số trẻ và là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á trước đại dịch COVID-19, Việt Nam là thị trường tăng trưởng chính của Facebook. Tập đoàn này kiểm soát hơn 40% thị trường quảng cáo kỹ thuật số trị giá 760 triệu đô la của Việt Nam mặc dù không có văn phòng hoặc nhân viên toàn thời gian trong nước.
Tác giả bài viết được Los Angeles Times đăng ngày 22/10 dẫn nhận định của ông Dipayan Ghosh, một cựu cố vấn chính sách tại Facebook, người đồng chỉ đạo Dự án Nền tảng Kỹ thuật số & Dân chủ tại Trường Kennedy của Harvard như sau:
Mark Zuckerberg xin lỗi các dân biểu Hoa Kỳ vì để rò rỉ các dữ liệu cá nhân của hàng triệu người dùng Facebook. Hình chụp tại cuộc điều trần ở Quốc hội Hoa Kỳ tại Washington DC hôm 10/4/2018
Mark Zuckerberg xin lỗi các dân biểu Hoa Kỳ vì để rò rỉ các dữ liệu cá nhân của hàng triệu người dùng Facebook. Hình chụp tại cuộc điều trần ở Quốc hội Hoa Kỳ tại Washington DC hôm 10/4/2018 AFP
“Tôi nghĩ đối với Zuckerberg, phép tính với Việt Nam rất rõ ràng: Đó là duy trì dịch vụ ở một quốc gia có dân số khổng lồ và trong đó Facebook thống trị thị trường Internet tiêu dùng, nếu không đối thủ cạnh tranh có thể chen chân vào. Tư duy không phải là duy trì dịch vụ cho quyền tự do ngôn luận. Đó là duy trì dịch vụ để có doanh thu.”
Đồng quan điểm nêu trên, blogger Điếu Cày cho hay:
“Họ thấy thị trường như vậy nên có vẻ xuống nước với chính phủ Hà Nội. Người dân ở Việt Nam không còn phương cách nào khác ngoài sử dụng công cụ mạng xã hội để cất lên tiếng nói của mình vì toàn bộ báo chí nằm trong tay chính quyền.”
Mạng báo Công an thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 8/10 dẫn lời Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông (4T) Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Facebook đã chịu chặn quảng cáo chính trị từ các fanpage, tài khoản của các “tổ chức phản động, khủng bố”.
Vẫn theo lời người đứng đầu Bộ 4T, Facebook đã gỡ 286 tài khoản bị cho là giả mạo trong năm 2020. Trong số này có 50 tài khoản bị nói giả mạo các vị lãnh đạo đảng, Nhà nước Việt Nam.
Ngoài ra, số liệu từ Bộ 4T cho thấy riêng năm 2020, Facebook gỡ bỏ trên 2.000 bài viết bị cho có phát ngôn gây thù hận, bôi nhọ lãnh đạo đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức, tăng 500% so với cả năm 2019, tỷ lệ gỡ chặn đạt 95%.
Trong email trả lời câu hỏi của RFA trước đây, bà Amy Leferve, Quản lý chính sách truyền thông của Facebook cho biết dù Facebook không đồng ý với các luật mà Chính phủ Hà Nội đưa ra, nhưng nếu phía tập đoàn tiếp tục bác các yêu cầu pháp lý của Chính phủ Hà Nội chặn quyền truy cập vào nội dung ở Việt Nam, rất có thể các nền tảng của Facebook sẽ bị chặn hoàn toàn. Kết quả này thậm chí còn gây hạn chế thông tin hơn nữa vì lúc đó tất cả các tiếng nói ở Việt Nam sẽ bị im lặng.
Việc vẫn phải sử dụng Facebook như một giải pháp duy nhất hiện nay dù bị hạn chế về nhiều mặt mang lại không ít khó khăn cho những nhà hoạt động xã hội, nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền tại đất nước hình chữ S, theo lời blogger Điếu Cày:
“Tại Việt Nam thì anh em ở trong nước vẫn phải tìm mọi cách chiến đấu, như Võ Hồng Ly bây giờ lập 3 trang, hết trang này bị thì đến trang khác. Có đề nghị lên các cơ quan của Chính phủ hay Quốc hội, Facebook cũng phải điều trần nhưng cuối cùng quyền kinh doanh trong tay họ.”
Theo thông tin bà Amy Sawitta Lefevre cung cấp trong email gửi RFA, Facebook luôn tìm cách tôn trọng luật pháp ở tất cả các nước mà mạng xã hội này hoạt động, nhưng vẫn luôn làm mọi thứ trong khả năng để bảo vệ nghiêm ngặt các quyền cơ bản của tất cả người dùng internet, kể cả quyền tự do ngôn luận.
Tuy nhiên, nhiều người dùng Việt Nam cho biết nội dung nêu trên chỉ là lý thuyết, vì trong thực tế, mọi chuyện đang diễn biến theo chiều hướng ngược lại!
Lan Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Facebook bị chất vấn vì ‘cúi mình’ trước chính phủ Việt Nam
>>> Liệu có phải là Đảng luôn lắng nghe dân không?
>>> Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh ra tòa, Hoàng Trung Hải có vượt qua Đại hội 13?
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT