Chủ tịch nước có những quyền hạn gì?

Link Video: https://youtu.be/ABO_BZxIZJU

Theo Hiến pháp Việt Nam, Chủ tịch nước có khá nhiều quyền lực, trong đó có quyền “Thống lĩnh quân đội” và một số quyền liên quan đến ngoại giao và sắp xếp nhân sự.

Tác giả Thuyên Hoa trong một bài bình luận trên RFA ngày 7/3, đã chia các quyền của Chủ tịch nước theo các nhóm như sau:

Nhóm 1: Liên quan đến việc ngoại giao và pháp luật, như: Quyền công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh…; tiếp đại sứ; đàm phán ký kết các công ước, điều ước quốc tế, trình Quốc hội phê chuẩn, gia nhập hoặc chấm dứt điều ước quốc tế đã tham gia; tặng thưởng huân huy chương, giải thưởng Nhà nước, quyết định cho nhập hoặc cho thôi quốc tịch; quyết định ân xá, đặc xá; công bố hoặc bãi bỏ tình trạng chiến tranh, ra lệnh tổng động viên, tình trạng khẩn cấp.v.v.

Nhóm II: Liên quan đến sắp xếp nhân sự như: Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cử, triệu hồi, phong hàm, cấp đại sứ của Việt Nam; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ…

Nhóm III: Liên quan đến quyền lực tối cao đối với lực lượng vũ trang nhân dân:

Chủ tịch nước thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân; giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh; quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam…

Tác giả nhận xét, trong ba nhóm quyền lực này, có lẽ nhóm III là ít phô bày nhất, nhưng là nắm giữ quyền lực mạnh mẽ nhất.

Hình: Bài trên RFA

Tuy nhiên, thực tế thì sao?

Tác giả dẫn phát biểu của cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào năm 2016, trong Báo cáo nhiệm kỳ công tác trước Quốc hội. Ông Sang cho rằng, việc thực hiện nhiệm vụ quyền hạn thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, tuy đã được quy định trong Hiến pháp, nhưng thiếu cơ chế thực thi, chưa được cụ thể hóa trong các luật chuyên ngành. Chưa có quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc phòng an ninh và bộ phận giúp việc cho Hội đồng.

Như vậy, một vấn đề tối quan trọng, liên quan đến an ninh quốc gia, nhưng vẫn chỉ là luật trên giấy, là do nguyên nhân gì?

Tác giả nhắc lại việc Quốc hội khóa XIII, vào năm 2011 đã từng đưa Dự Luật Chủ tịch nước vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, trong đó có đề cập đến quyền thống lĩnh các lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, cho đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Dự Luật Chủ tịch nước vẫn chưa được trình Quốc hội. Lý do là Quốc hội khóa này xem xét, quyết định đưa dự án này vào chương trình, đồng thời với việc xem xét quyết định sửa đổi bổ sung Hiến pháp và nhằm thế chế hóa quy định của Hiến pháp mới. Do đó, khi Hiến pháp chưa được thông qua thì chưa có cơ sở để xây dựng Luật Chủ tịch nước.

Đến nay, Hiến pháp mới 2013 đã được thông qua nhưng Dự Luật Chủ tịch nước vẫn bị bỏ lơ, nằm im thin thít và lặn mất tăm.

Tuy nhiên, tác giả phân tích, có lẽ có một lý do thực sự khác ẩn dưới việc dùng dằng nhiều năm không luật hóa các quyền của Chủ tịch nước đã được quy định trong Hiến pháp. Đó là: “Giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với lực lượng vũ trang”.

Hình: Tân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng

Như vậy, nếu trao nhiều quyền cho Chủ tịch nước thì vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng sẽ như thế nào?

Tác giả dẫn bài viết của cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vào năm 2019 đăng trên báo Nhân Dân và Cổng thông tin điện tử của Bộ Quốc phòng. Bài viết có nhan đề “Giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với lực lượng vũ trang”.

Cuối 2019, Trung tướng Lê Văn Hân, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam đăng tiếp một bài trên báo Quân khu 7, viết rằng:

Quyền lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội là tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt không chia sẻ quyền lãnh đạo đó cho bất kỳ một tổ chức, một đảng phái hay một cá nhân nào.”

Gần đây nhất, tháng 12/2022, tại Hội nghị lần thứ 5 của Quân ủy Trung ương, trong phát biểu tổng kết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng “yêu cầu giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội”.

Vậy là đã rõ, Đảng sẽ không chia sẻ quyền lãnh đạo Quân đội cho cá nhân Chủ tịch nước, cho dù đó cũng là người của Đảng.

Và không chỉ quyền thống lĩnh quân đội, những quyền lực khác như bổ nhiệm nhân sự cấp cao, chính sách đối ngoại… Chủ tịch nước cũng chỉ là người thực hiện thủ tục theo quyết định của Đảng.

Hoàng Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Xã hội Việt Nam có thực sự bình yên hay không?

>>> Chuyên gia: Cần thay đổi thể chế để thoát bẫy thu nhập trung bình

>>> Vai trò của tân Chủ tịch nước và xu hướng nhân sự cấp cao

Gian nan người Việt mưu sinh


Kasse animation 7.8.2023