Đặng Thị Hoàng Yến thành người Mỹ, vườn sau nhà Tư Sang đã an toàn?

Không một đại gia nào trên đất nước này không dựa hơi một thế lực chính trị nào đó. VinGroup, Sun Group, Vạn Thịnh Phát, Mường Thanh vv… đều có đỡ đầu hết. Lợi ích nhóm là một nhóm cộng sinh để kiếm ăn trên sự khốn cùng của đất nước. Trong đó, nhóm có quyền lực là cốt lõi, còn vỏ là những doanh nghiệp sân sau, hay còn gọi là những doanh nghiệp thân hữu. Khi nhóm lợi ích này muốn triệt nhóm lợi ích khác, thì họ bắt đầu triệt phần vỏ trước, tức là họ sẽ đánh vào các doanh nghiệp thân hữu.

Nếu nói Vạn Thịnh Phát là sân sau của gia tộc Lê – Trương, thì ông cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng có sân sau. Ở chế độ này, không ai vì nước cả, họ chỉ vì Đảng và vì bản thân họ. Với đồng lương chết đói, Chủ tịch nước lương chỉ có 18 triệu đồng/tháng, thì lấy gì nuôi con? Lấy gì làm giàu? Lấy gì mua nhà? Lấy gì mua xe? Cho nên, lợi ích nhóm hình thành là điều tất yếu.

Bà Đặng Thị Hoàng Yến đã hạ cánh an toàn trên đất Mỹ

Tập đoàn Tân Tạo là doanh nghiệp của bà Đặng Thị Hoàng Yến. Tập đoàn này lớn dần lên tương ứng với cấp bậc quyền lực tăng dần của ông cựu Chủ tịch nước. Thời kỳ ông Trương Tấn Sang liên minh với ông Nguyễn Phú Trọng để đấu với ông Nguyễn Tấn Dũng, cũng khiến bà Đặng Thị Hoàng Yến bị vạ lây. Bị liên minh Sang – Trọng tấn công rát quá, ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả đũa bằng cách cho chặn Dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1, có tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD của bà Đặng Thị Hoàng Yến. Chưa hết, ông Dũng còn tìm cách loại bà Đặng Thị Hoàng Yến ra khỏi vai trò Đại biểu Quốc hội khóa 13.

Có lẽ, đánh hơi việc làm kinh tế dựa hơi chính trị là không bền, nên bà Đặng Thị Hoàng Yến đã âm thầm mua quốc tịch Mỹ từ khi ông Trương Tấn Sang còn đang làm Chủ tịch nước. Chính vì thế mà những năm gần đây, bà Yến đã kiện ông Nguyễn Tấn Dũng và đòi bồi thường đến 2 tỷ đô la Mỹ. Vụ kiện này, cho đến nay cũng chẳng đi về đâu, tuy nhiên, nó cho thấy mức độ thâm thù giữa bà chủ Tập đoàn Tân Tạo với ông cựu Thủ tướng sâu sắc như thế nào.

Ông Trương Tấn Sang tuy đã về vườn, nhưng vẫn đang hoạt động rất mạnh. Đặc biệt là việc ông vận động quỹ để xây cầu cho các địa phương nghèo. Đây là công việc hữu ích, tuy nhiên, có người cho rằng, ông Trương Tấn Sang chỉ đang vận động chính trị cho phe cánh của ông. Dù sao, ông Trương Tấn Sang cũng từng là người sát cánh cùng ông Nguyễn Phú Trọng, nên cũng có tác động đáng kể với Trung ương Đảng.

Ngày 30/6, tờ báo Dân Trí đã xác định, bà Đặng Thị Hoàng Yến hiện đã có quốc tịch Mỹ. Thực chất, bà Yến đã có quốc tịch Mỹ từ lâu, bởi khi bà đứng tên kiện ông Nguyễn Tấn Dũng, thì bà đã là công dân Mỹ rồi. Tên Mỹ của bà Đặng Thị Hoàng Yến là Maya Dangelas. Bà Maya Dangelas được Tập đoàn Tân Tạo ủy quyền để thực hiện và công bố thông tin liên quan đến vụ kiện ra Trọng tài Quốc tế, về việc phá vỡ hợp đồng xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương tại huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.

Đáng chú ý, trong văn bản công bố của Tập đoàn Tân Tạo, thể hiện rằng, bà Đặng Thị Hoàng Yến hiện đang mang quốc tịch Mỹ và có địa chỉ thường trú tại thành phố Houston, bang Texas.

Hiện nay, ông Nguyễn Tấn Dũng cũng không còn quyền lực như thời đương chức nữa. Chính vì thế, bà Yến cũng không còn sợ bị ông cựu Thủ tướng “trả thù” như trước đây. Vả lại, bà Yến đã là công dân Mỹ, xem như, bà này đã hạ cánh an toàn. Sân sau của ông cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chắc không còn bị đối thủ chính trị của ông quậy phá được nữa.

Làm kinh tế dựa hơi nhóm lợi ích thì chỉ thế thôi. Sẽ sớm nở tối tàn, sẽ không có doanh nghiệp nào tồn tại được nửa thế kỷ. Những doanh nghiệp VinGroup, Sun Group hay Mường Thanh vv… thì cũng tương tự. Cũng chỉ một thời rồi tắt, chả có gì là bền vững. Nền chính trị này không bao giờ để yên cho những doanh nghiệp chân chính. Nó buộc phải ký sinh vào chính trị.

Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)

Link tham khảo:

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/ba-dang-thi-hoang-yen-da-lay-quoc-tich-my-20230630145400257.htm

 

 

Kasse animation 7.8.2023