Tiếp viên hàng buôn lậu chất cấm bị bắt ở Hàn Quốc có được “may mắn” thoát tội như ở Việt Nam?

Đài MBC New của Hàn Quốc ngày 6/9 đưa tin, Sở Cảnh sát thành phố Incheon, phía tây thủ đô Seoul, đã bắt giữ hai trong số bốn nữ tiếp viên, là thành viên phi hành đoàn một hãng hàng không của Việt Nam, vì bị nghi vấn buôn lậu tinh dầu cần sa. Danh tính hai nghi can cũng như tên của hãng hàng không Việt Nam đến nay vẫn chưa được tiết lộ.

Theo đài MBC New, lượng chất cấm – tinh dầu cần sa mà hai tiếp viên nói trên vận chuyển, có trị giá tới 300 triệu won (tương đương hơn 200 ngàn đôla Mỹ, khoảng 5,4 tỷ VND). Số cần sa này được đặt trong các hộp đựng mỹ phẩm, dấu trong hành lý xách tay, mang vào Hàn Quốc từ tháng 4/2023. Hai người này đã khai với cảnh sát, họ chỉ nhận vận chuyển hàng, tiền công cho mỗi kiện hành lý khoảng từ 68.000 won – 150.000 won (khoảng 45 đến 112 USD) cho một chuyến. Còn bên trong kiện hàng chứa những thứ gì, thì họ hoàn toàn không biết.

Theo điều tra của kênh MBC News, lợi dụng thủ tục kiểm tra hành lý của các thành viên phi hành đoàn tương đối đơn giản, nên một số nhân viên của phi hành đoàn người Việt đã vận chuyển chất cấm. Dẫn tuyên bố của cơ quan Hải quan sân bay quốc tế Incheon nói với Đài MBC, sau vụ việc này, hành lý của các phi hành đoàn của các hãng hàng không đến từ Việt Nam, kể cả xuất cảnh hay nhập cảnh, sẽ bị kiểm tra gắt gao hơn.

Phía Sở Cảnh sát Incheon cũng cho biết, việc các tiếp viên hàng không Việt Nam nhận vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang Hàn Quốc dưới dạng dịch vụ là phổ biến, và đã tồn tại từ lâu. Ngoài các hãng hàng không quốc gia của Hàn Quốc khai thác các đường bay thẳng từ Hàn Quốc tới Việt nam và ngược lại, hiện nay, có ba hãng hàng không của Việt nam cũng tham gia khai thác. Đó là, Vietnam Airlines, VietJet Air và Bamboo Airways, đều có tuyến bay đến phi trường Incheon.

Qua vụ việc vận chuyển chất cấm lần này, dựa theo theo lời khai của các nghi can khai với Cảnh sát Nam Hàn, thì “Chuyện nhận vận chuyển hàng xách tay qua đường hàng không đã là thói quen”. Và họ “chỉ nhận vận chuyển hàng mà không biết bên trong đó là ma túy.”

Lời khai của các tiếp viên này với Cảnh sát Hàn Quốc, tương tự như lời khai của các tiếp viên với Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất, trong vụ việc xảy ra vào tháng 3/2023. Vụ ở Tân Sơn Nhất, Hải quan Việt Nam đã phát hiện và bắt giữ 5 tiếp viên hàng không của hãng Vietnam Airlines, vận chuyển 11,4 kg ma túy từ Pháp về sân bay Tân Sơn Nhất.

Điều đáng nói, bốn tiếp viên trong vụ việc ở Tân Sơn Nhất đã được trả tự do chỉ sau vài ngày. Họ không bị truy tố với lý do “không biết bên trong kem đánh răng nhận vận chuyển có 157 tuýp đã được giấu ma túy”. Các cơ quan chức năng kết luận, “không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự”. Vậy có hay không chuyện “ngựa quen đường cũ?”

Theo Công an Việt Nam, sau vụ việc vận chuyển chất cấm từ Pháp về Việt Nam, họ đã phát hiện, đây là một đường dây hoạt động có tổ chức với quy mô lớn. Chất cấm được sản xuất từ các quốc gia Đông Âu cũ, được chuyển vào Pháp, sau đó được đưa về Việt Nam bởi các tiếp viên hàng không Việt Nam Airlines.

Công an TP.HCM cho biết trong kết luận điều tra, từ manh mối của vụ bốn nữ tiếp viên hãng hàng không Vietnam Airlines, nhà chức trách đã lần ra đường dây, lợi dụng những người Việt Nam học tập, định cư tại Pháp, để vận chuyển ma túy về Việt Nam, qua hai phi trường Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Tính đến tháng 5/2023, có tổng cộng 78 người bị khởi tố liên quan đường dây này.

Trong khi đó, phản ứng dư luận Việt Nam không hề ngạc nhiên, dù có những thắc mắc, vì sao sự việc xảy ra từ hồi 4/2023, mà tới nay truyền thông Nam Hàn mới công bố. Có phải, vì ở Việt Nam vài tuần gần đây đã rộ tin về vụ việc này, thấy không thể che đậy được nữa, nên truyền thông Việt Nam mới cho công bố. Không biết, Cục hàng không Việt Nam đã tìm được các hình nhân để thế mạng hay chưa?

Thành tích kinh doanh của Tập đoàn Vietnam Airlines lỗ lã triền miên trong suốt nhiều năm, VietnamAirlines đã phải bán cổ phần cho các doanh nghiệp của Trung Quốc. Song đổi lại, kể từ đầu năm 2023 đến nay, nhân viên của Vietnam Airlines đã lập những “thành tích” khó có thể tưởng tượng. Cụ thể:

– Ngày 16/3 : Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện 4 tiếp viên của Vietnam Airlines vận chuyển 11,4kg chất cấm, bao gồm: Võ Tú Quỳnh, Trần Thị Thu Ngân, Nguyễn Thanh Thủy và Đặng Phương Vân. Sau vài ngày, 4 tiếp viên này được thả tự do.

– Ngày 27/4: Phi công Phạm Hà Duy của Vietnam Airlines bị phát hiện dương tính với chất gây nghiện. Sau vụ việc, phi công Phạm Hà Duy bị thu hồi giấy phép lái máy bay vĩnh viễn.

– Ngày 18/8 : Phòng Cảnh sát Hình sự (PC02) Công an TPHCM triệt phá đường dây môi giới bán dâm của các tiếp viên hàng không, người mẫu ảnh, do cựu tiếp viên của Vietnam Airlines Võ Thị Mỹ Hạnh (26 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) cầm đầu.

– Ngày 6/9: Cảnh sát Hàn Quốc thông báo đã bắt 2 tiếp viên hàng không Việt Nam (nhiều tin đồn là của Vietnam Airlines) buôn lậu tinh dầu cần sa, đựng trong 50 hộp mỹ phẩm, trong một chuyên án được theo dõi nhiều tháng trước.

Người Việt Nam có câu “đói ăn vụng, túng làm càn”. Các thành viên của phi hành đoàn và tiếp viên của Vietnam Airlines chắc chắn có thu nhập đủ sống. Nhưng họ vẫn buộc phải tham gia công việc “cửu vạn” trên trời, cũng một phần, họ phải trang trải cho phần tiền chạy việc vào ngành hàng không, với số tiền không nhỏ. Song, quan trọng là, tư duy làm giàu bằng mọi giá của người Việt Nam nói chung và các nhân viên Vietnam Airlines nói riêng, họ sẵn sàng bất chấp tất cả, kể cả tiếp tay cho việc buôn bán cái chết trắng. Đó là điều chắc chắn không thể biện minh được.

Ai phải chịu trách nhiệm về vấn nạn này?

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023