Huệ Vương bị Đức từ chối tiếp, ý đồ dẫn độ Nguyễn Thị Thanh Nhàn bế tắc?

Theo trang thông tin của Đại Sứ quán Đức tại Hà Nội vào ngày 4/8, thì vào cuối Tháng 9, Đức sẽ đón tiếp ông Vương Đình Huệ – Chủ tịch Quốc hội của chính quyền Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, theo một nguồn tin riêng cung cấp cho chúng tôi biết, chuyến thăm này đã bị hủy. Nguyên nhân được thông báo là, phía Đức không sắp xếp tiếp được. Đây được xem là lý do từ chối khéo. Được biết, phía Việt Nam cũng đối xử lạnh nhạt với chuyến thăm của Thủ tướng Đức tới Hà nội hồi tháng 8 năm ngoái.

Chuyện Tô Lâm mang quân sang tận Berlin bắt cóc người một cách tùy tiện, đã tạo ra sự căng thẳng ngoại giao giữa Việt Nam và Đức, từ đó đến nay. Tuy hai bên cũng có nỗ lực xích lại gần nhau, nhưng vẫn không thể trở lại được mối quan hệ như trước khi xảy ra vụ bắt cóc. Lẽ ra, khi tiếp ông Thủ tướng Đức Olaf Scholz vào tháng 8/2022, chính quyền Cộng sản Việt Nam nên dẹp cái tôi để tiếp Thủ tướng một cường quốc hàng đầu trong khối EU cho tử tế. Nó có lợi cho Việt Nam hơn.

Không biết chuyến thăm dự kiến của ông Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sang Đức để làm gì? Quốc hội Việt Nam chẳng khác nào “Đảng hội”, bởi nó là cơ quan tập hợp toàn là người đại diện cho Đảng và chính quyền, nó chỉ là cơ quan lập pháp trá hình. Trong khi đó, Quốc hội Đức với 2 viện, là cơ quan lập pháp đúng nghĩa, đại diện cho dân. Cho nên, chuyến thăm ông Vương Đình Huệ nếu có, thì cũng chẳng thể trao đổi được kinh nghiệm gì về vấn đề lập pháp giữa 2 nước. Ông Huệ muốn sang Đức là có mục đích khác, mục đích truyền thông điệp của Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Nếu là vấn đề kinh tế đất nước, thì bang giao ở cấp chính phủ, chứ chẳng ai lại kết nối ở hệ thống lập pháp. Chuyến đi dự kiến của ông Huệ, được lên kế hoạch ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam kêu gọi bà Nguyễn Thị Thanh Nhà – cựu Chủ tịch AIC – ra đầu thú. Cho nên, giới quan sát đánh giá, chuyến đi dự kiến của ông Huệ chỉ là thuyết pháp để phía Đức cho dẫn độ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Bởi nếu tổ chức bắt cóc người một lần nữa trên lãnh thổ nước Đức, là một rủi ro lớn cho chính quyền Cộng sản Việt Nam.

Ông Vương Đình Huệ và ông Phạm Minh Chính được xem là hai “ngựa chiến” trong cuộc đua song mã để giành lấy chiếc ghế Tổng Bí thư vào 2 năm tới. Hai ông này cũng đã ganh đua nhau chiếc ghế Thủ tướng ở Đại hội 13, và ông Huệ đã thất thế.

Nếu thông tin về chuyến thăm của ông Vương Đình Huệ sang Đức bị hủy là đúng sự thật, thì xem như, cơ hội để ông Huệ làm “thuyết pháp” với chính quyền Đức đã không còn. Hơn nữa, nhật báo Taz cũng đã thông tin là, phía Đức từ chối yêu cầu dẫn độ của Việt Nam. Cho nên, có thể nói, cơ hội để chính quyền Cộng sản bắt được bà Nhàn là không cao, nếu không muốn nói là không thể.

Thực ra, chức Chủ tịch Quốc hội của Việt Nam đối với các nước dân chủ là kém giá trị nhất, trong tứ trụ của triều đình Cộng sản. Nếu ông Vương Đình Huệ sang Đức, cũng chỉ làm cho người đứng đầu cơ quan lập pháp Đức tốn thời gian vô ích mà thôi. Lập pháp Việt Nam chẳng có giá trị gì để cho lập pháp Đức học hỏi, còn lập pháp Đức cũng không thể giúp ích gì cho lập pháp Việt Nam, bởi vì độc  tài và dân chủ không thể nào có điểm chung. Cho nên, phía Đức từ chối cũng là hợp lý.

Bài toán dẫn độ bà Nhàn đang bế tắc. Có đánh giá cho rằng, nếu bà Nhàn rơi vào tay Tô Lâm, thì xem như, ván cờ chính trị thượng tầng ngã ngũ. Nhưng nếu bà Nhàn vẫn trốn, ít nhất là cho đến Đại hội 14 sau hơn 2 năm nữa, thì cơ hội cho ông Thủ tướng Phạm Minh Chính vẫn còn. Có như thế cuộc song mã mới hấp dẫn.

Ý Nhi – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023