Vì sao kinh tế khó khăn, Việt Nam vẫn là điểm sáng của kinh tế toàn cầu?

Nền kinh tế Việt Nam đang đối diện nhiều thách thức, nhiều khó khăn đang bủa vây doanh nghiệp, đó là nhận định của Thủ tướng Phạm Minh Chính, khi chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023, vào sáng ngày 5/8. Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp; khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn thời cơ, thuận lợi.

Theo đó, có những thách thức lớn từ bên ngoài tác động đến Việt Nam. Đáng chú ý, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra nguy cơ xuất hiện một số rủi ro, thách thức mới về an ninh lương thực toàn cầu, khi Nga, Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo, để bảo đảm an ninh lương thực trong nước. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung gạo trên thế giới. Đồng thời, nguồn cung dầu thô tiếp tục bị thu hẹp, đẩy giá dầu tăng cao nhất kể từ tháng 4/2023, đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế Việt nam.

Theo Thủ tướng, trong Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Chính phủ, cũng đã chỉ ra, việc xuất khẩu giảm chủ yếu do tiếp cận tín dụng khó, kinh tế – xã hội đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn.

Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra những đánh giá và nhận định trên vào thời điểm đầu tháng 8/2023, khác với đánh giá của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, được nhiều báo trong nước dẫn lời, khi nói rằng: “Việt Nam là điểm sáng trong bức tranh xám màu của thế giới”.

Báo VnExpress ngày 17/9 cho biết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đưa ra phát ngôn nêu trên, căn cứ vào các yếu tố, “Trong tám tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định, lạm phát cơ bản được kiểm soát khi chỉ tăng 3.1%, trong khi nhiều nền kinh tế lớn đang đối diện lạm phát cao”. Phát biểu của ông Vũ Hồng Thanh có thể dựa vào những diễn biến mới.

Tuy nhiên, vào tháng 7/2023, theo báo VNEconomy dẫn ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, “Với hơn 30 năm trải nghiệm qua các cải cách, diễn biến thăng trầm kinh tế Việt Nam, tôi thấy đây là thời điểm khó khăn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam. Những đánh giá chưa sát với thực tiễn sẽ khiến chúng ta vui mừng trước ánh sáng như “con đom đóm” rồi sẽ mất đi.”

Vẫn theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Việt Nam không nên hy vọng tư nhân sẽ đầu tư kinh doanh, bởi lý do, “họ không có động lực, không có cơ chế khuyến khích, tinh thần kinh doanh rất ảm đạm”.

Theo giới quan sát, thực trạng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, rõ ràng nhất, biểu hiện rõ nét qua việc hàng loạt các nhà máy ở khu vực phía Nam đang tiến hành sa thải hàng loạt công nhân, do thiếu đơn hàng gia công từ nước ngoài.

Báo VnExpress vào trung tuần tháng 8/2023 đưa tin, nhà máy PouYuen của Đài Loan đã loan báo sa thải hơn 1,200 công nhân, “do gặp khó khăn về đơn hàng” và “ít đối tác”. Đây là lần thứ ba trong năm 2023, Công ty PouYuen – một doanh nghiệp có đông lao động nhất ở thành phố Hồ Chí Minh – tiến hành sa thải công nhân, sau khi đã cho nghỉ tổng cộng khoảng 8,000 người.

Trong lúc, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân, thuộc Hội đồng Tư vấn của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đưa ra các dự báo cho rằng, làn sóng sa thải vẫn còn tiếp diễn ở những tháng cuối năm nay, do những “khó khăn cấp vĩ mô”.

Nhưng những điều kể trên trái ngược với thông tin từ Nikkei Asia, trong bài viết, “Nhà máy mọc lên như nấm, thanh niên miền Bắc [Việt Nam] không sợ thiếu việc”.

Theo đó, nếu Trung Quốc bị trừng phạt như Nga hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ lũ lượt rời khỏi thị trường Hoa lục, và ngược lại, Việt Nam đã nhận được vô số yêu cầu từ giới đầu tư trong lĩnh vực điện tử cao cấp.

Theo Nikkei Asia mô tả, ở phía bắc phi trường Nội Bài, một rừng cần cẩu hoạt động gần địa điểm tương lai của Amkor – nhà sản xuất chất bán dẫn quan trọng của Mỹ. Mặt tiền một nhà xưởng dọc theo xa lộ chạy lên phía Bắc treo tấm pano khổng lồ, “Tuyển 10.000 công nhân, môi trường lao động tốt, nhiều cơ hội thăng tiến”. Và một trong những thanh niên tìm việc tại một trung tâm tuyển dụng cho biết, “Tất cả thanh niên các tỉnh nông nghiệp miền Bắc Việt Nam đều đổ xô vào đây, chúng tôi tìm được công việc vừa ý chỉ trong vài tiếng đồng hồ”. Song đáng chú ý, Nikkei Asia lưu ý, các nhà máy mới đều được xây dựng ở miền Bắc Việt Nam và điều đó tạo ra sự bất cân bằng trong bản đồ quy hoạch kinh tế giữa các vùng miền.

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023