Chạy án ở Việt Nam và triết lý có tiền chạy án sẽ thoát tội: Thực trạng và giải pháp?

Chạy án là một chuyện rất phổ biến, là căn bệnh trầm kha ở Việt Nam hầu như ai cũng biết. Nó được coi là một lỗ hổng lớn trong ngành tư pháp. Do đó tình trạng công lý luôn bị bẻ cong là một thực tế không thể chối bỏ.

Mới đây, báo Công an Nhân dân ngày 3/10 đưa tin, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vừa bắt quả tang Phó Chánh án Tòa án Nhân dân thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long – Thẩm phán Nguyễn Thị Tuyết Sương đang nhận hối lộ ngay tại trụ sở làm việc. Theo đó, sáng 3/10, khi bà Sương bị bắt quả tang ngay khi nhận tiền tại phòng làm việc.

Lâu nay, dư luận xã hội ở Việt Nam cho rằng, việc dùng tiền để hối lộ cho các cán bộ trong ngành tư pháp và bảo vệ pháp luật, hay còn gọi là chạy án là một hiện tượng rất phổ biến. Điều đó phù hợp với việc, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gần đây, nhiều Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn về tình trạng tiêu cực của cán bộ ngành tòa án tham gia chạy án, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã thừa nhận:

“…có một số không ít cán bộ công chức tòa án bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì tiêu cực, nhận tiền của đương sự để giảm nhẹ tội”. Và đó là lý do vì sao, “… số vụ án đưa ra xét xử thì ít, nhưng số bị cáo được hưởng án treo, phạt tù nhẹ chiếm rất cao, có nơi đến 45%”.

Công luận cho rằng, việc chạy án ở Việt Nam từ lâu  đã trở thành hệ thống, có tổ chức, với sự cấu kết, những thủ đoạn hết sức tinh vi và phức tạp. Đó chính là nguyên nhân vì sao ở Việt Nam bây giờ, bất cứ án gì, ở mức độ nào, nếu cứ có tiền lo được hết, kể cả án tử hình cũng có thể.

Toàn bộ quá trình chạy án đã có sự thống nhất chung giữa các cơ quan tố tụng Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án. Đối với các vụ án lớn, nghiêm trọng, nếu có một thế lực lớn đứng đằng sau, thì là khi sức mạnh tổng hợp sẽ bị lạm dụng và huy động hết công suất. Đó là lý do mà Năm Cam, trùm xã hội đen ở Sài Gòn đã nói một câu nói bất tử: “Cái gì không mua được bằng tiền thì có thể mua bằng rất nhiều tiền.”

Một lãnh đạo ngành tư pháp ở Hà Nội, nói với thoibao.de với điều kiện dấu danh tính vì lý do an ninh, cho biết:

“Chạy án thì có hai loại, chạy án hình sự và án dân sự. Vụ án dân sự không giống như vụ án hình sự, vì vụ án hình sự nó có thời hạn nhất định, còn có các vụ án dân sự kéo dài mấy năm không xong. Càng kéo dài bao nhiêu thì luật sư càng bở bấy nhiêu, mà thẩm phán càng ăn thua vì họ mặc cả với nhau. Nói thật, cả án chính trị cũng chạy được, án nào cũng chạy được. Tử hình xuống chung thân có khó gì đâu, chưa kể đến nó mua người để thay người (bị tử hình), chuyện này nó zích zắc lắm. Ở Việt Nam có những chuyện mà ta không thể hiểu nổi.”

Trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “chuyến bay giải cứu”, Thiếu tướng, Phó Giám đốc phụ trách An ninh của Công an thành phố Hà Nội đã nhận chạy án với số tiền hàng triệu USD; hay vụ việc, ông Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện thành phố Thủ Đức, chi hơn hai triệu USD để nhờ Bùi Trung Kiên, nguyên cán bộ Phòng 6, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, tổng cộng 2.200.000 USD, nhờ “lo lót không bị xử lý hình sự”.

Ở Việt Nam từ lâu, không chỉ có tình trạng “cứ bắt là có tội, cứ ra Tòa là có án”, mà còn “có tiền để chạy án là sẽ thoát tội”. Khi ấy, tội nặng sẽ thành tội nhẹ, tội nhẹ trở thành vô tội, là chuyện ai ai cũng biết.

Lâu nay, chuyện chạy án đã là chuyện phổ biến và được người ta nhờ vả công khai.

Nguyên nhân chính là do Việt Nam không có công lý, không có một nền tư pháp độc lập, và không có tam quyền phân lập. Một khi người dân đã không còn tin vào pháp luật, thì việc bỏ tiền chạy án chính là cứu cánh cho họ, nên chạy án vẫn còn tồn tại và phát triển./.

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023