Hệ lụy của việc bơm nóng triệu tỷ vào nền kinh tế thời điểm cuối năm

Link Video: https://youtu.be/uBiBjq0X4nQ

Ngày 9/12, blog Lê Quốc Quân trên VOA Tiếng Việt có bài bình luận “Bơm triệu tỷ đồng vào nền kinh tế: Lý do và hệ luỵ”.

Tác giả cho biết, gần một triệu tỷ đang được ép phải bơm vào nền kinh tế trong tháng này, mà thực chất chỉ còn khoảng 20 ngày.

Chính phủ đã rất quyết liệt để ép phải bơm được càng nhiều tiền càng tốt vào nền kinh tế trong những ngày còn lại. Đây một là quyết định duy ý chí và bất khả thi, nhưng cũng là chút thành tích cuối cùng mà Chính phủ của cựu Tổng Cục trưởng Tổng cục Tình báo, Phạm Minh Chính, quyết tâm giành được.

Tác giả đề cập đến việc Thủ tướng Chính chủ trì cuộc họp với 38 ngân hàng thương mại, để thúc ép việc bơm tiền vào nền kinh tế, sáng ngày 7/12.

Mục đích cuối cùng là bản tổng kết năm 2023 phải sáng sủa, đáp ứng các chỉ tiêu Quốc hội giao, nhằm tạo lá bùa che chắn cho những cú đánh hiểm của đối phương nhằm vào sự điều hành yếu kém của Chính phủ trong năm qua.

Tác giả đánh giá, đây là sự can thiệp thô bạo và bất bình thường của Đảng và Chính phủ vào hoạt động của hệ thống ngân hàng. Tuyên bố thiếu cơ sở khoa học của một viên tướng công an trước hàng chục chuyên gia kinh tế lão luyện đến từ các ngân hàng, nhưng tất cả chỉ biết ngồi nghe.

Tác giả dẫn nhận định của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho rằng: Do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đã trở nên yếu hơn; doanh nghiệp sản xuất khó khăn, tiêu thụ sản phẩm kém, dẫn đến nhu cầu vay vốn giảm sút; các doanh nghiệp nhỏ và tài chính suy yếu, không có phương án kinh doanh khả thi; nhu cầu tín dụng ngành bất động sản sụt giảm mạnh… Chính phủ biết điều đó, nhưng Thủ tướng vẫn coi đây như là một nhiệm vụ chính trị phải thực hiện.

Tác giả cho rằng, việc đẩy tiền ra lưu thông có thể phục vụ tăng trưởng nhất thời, nhưng chắc chắn sẽ tạo ra lạm phát, phá vỡ ổn định tỷ giá và làm đảo lộn kinh tế vĩ mô. Điều này sẽ gây nguy hại cho toàn bộ nền kinh tế về sau, và người tiêu dùng là đối tượng bị bóc lột nhiều nhất.

Nhưng đây là quyết định của Đảng và một Chính phủ “có phốt” đang khao khát một thành tích nhỏ nhoi, cho nên, ai đứng ra cản đường sẽ bị trả giá không thương tiếc.

Tác giả nhận xét, thực tế, nghịch lý “thừa tiền thiếu vốn” xuất phát từ yếu kém nội tại của nền kinh tế.

Hình: Bài trên blog Lê Quốc Quân – VOA

Các doanh nghiệp đã phải thu hẹp sản xuất, sa thải công nhân, và nếu bây giờ có vốn thì cũng “không biết để làm gì”. Bởi vì, tỷ lệ lạm phát, chi phí đầu vào cao, giá nguyên vật liệu đều tăng, đặc biệt giá điện tăng, khiến cho hàng hoá trở nên khó cạnh tranh trên trường quốc tế, đơn hàng giảm mạnh…

Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam dựa quá sâu vào bất động sản thì một khi thị trường bất động sản tê liệt, nền kinh tế trở nên bế tắc.

Tác giả bình luận, để đưa vốn vào nền kinh tế thì chỉ có 2 con đường, là giải ngân cho các dự án đầu tư công và qua các ngân hàng thương mại.

Hiện nay, chuyện trao thầu và giải ngân vốn đầu tư công đang có vấn đề rất lớn, vì chiếc “lò đốt củi” và cỗ máy bị “khô dầu”. Giải ngân vốn đầu tư công gắn liền với % hoa hồng và lại quả, mà giờ đây, tai mắt thì đầy rẫy xung quanh, khiến cán bộ công chức ngại triển khai công việc.

Chính vì vậy, tháng cuối năm này lại là dịp để các doanh nghiệp thi công vội vàng, làm gấp gáp, kiểu “no dồn đói góp”, thường là dẫn đến chất lượng kém, điều sau này thường đổ lỗi cho việc bị “ép” tiến độ.

Tác giả nhận định, suốt cả năm nay, các ngân hàng đỏ mắt tìm khách hàng mà vẫn không thấy, nhưng Thủ tướng chỉ đạo “phải đảm bảo cung cấp đủ vốn phục vụ nền kinh tế và tuyệt đối không để tắc nghẽn, ách tắc, chậm trễ”. Điều này buộc các ngân hàng vội vàng “linh hoạt”, để nghĩ các chiêu lắt léo nhằm bơm tiền ra lưu thông, bất chấp hậu quả sau này.

Tác giả phân tích, tiền được bơm ra và kiểu gì cũng “lòng vòng” một cách đầy ảo diệu, trước khi chạy vào thị trường chứng khoán và bất động sản. Đây là hai kênh luôn luôn khát vốn, nhưng không tạo ra lao động vật chất và sản phẩm hữu hình, mà chủ yếu phục vụ việc đầu cơ. Cuối cùng, khi hết chu kỳ tín dụng, sẽ lại xảy ra lạm phát và nợ xấu…

Tác giả cảm thán, đã một thời, người Việt Nam kỳ vọng về một Chính phủ kỹ trị với những gương mặt có học vấn và trình độ chuyên môn cao. Nhưng giờ đây lại là hình ảnh một Chính phủ tràn ngập những gương mặt tướng ngầm tướng nổi, từ công an, nội chính hay hoạt động đoàn đang lên. Họ đang chạy đôn đáo để bơm những liều thuốc bổ vào cơ thể kinh tế lờ đờ nhiễm bệnh, thay vì tổ chức những cuộc hội chẩn chuyên môn rồi tiến hành phẫu thuật và thay đổi động cơ.

Đó là điều rất không lành cho người dân và doanh nghiệp Việt Nam.

Hình: Các ngân hàng điều chỉnh room tín dụng để đẩy tiền vào nền kinh tế

Minh Vũ

>>> Nhân danh Xã hội Chủ nghĩa, tại sao Việt Nam không miễn phí giáo dục và y tế thưa Tổng Bí thư?

>>> Đại án Vạn Thịnh Phát và lỗ hổng trong kiểm soát tài sản: “Cháy nhà mới ra mặt chuột”?

>>> Liệu “bác” Trọng có tự trọng?

>>> Tô là tướng tài hay tướng tồi, để tội phạm sổng chuồng rồi tốn công truy bắt?

Tập sẽ hối thúc Việt Nam tham gia tích cực hơn vào Sáng kiến Vành đai Con đường

Kasse animation 7.8.2023