Cáo buộc Lưu Bình Nhưỡng trục lợi số tiền hàng trăm nghìn USD, có phải là tội danh cuối cùng?

Mới đây, Công an Thái Bình đã bổ sung, thay đổi tội danh với cựu Đại biểu Quốc hội, nguyên Phó ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo giới quan sát, điều này cho thấy sự lúng túng trong việc đi tìm các chứng cứ buộc tội của Công an tỉnh Thái Bình.

Ban đầu, Công an Thái Bình đã khởi tố và bắt giam khẩn cấp ông Lưu Bình Nhưỡng, với tội danh “Cưỡng đoạt tài sản”, theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự. Dù những bằng chứng để kết tội ông Nhưỡng rất mờ nhạt, thiếu tính thuyết phục.

Ngày 26/12, báo Lao Động đưa tin với tiêu đề, “Ông Lưu Bình Nhưỡng tiếp tục bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn”. Bản tin cho biết, sau quá trình mở rộng điều tra, Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Thái Bình tiếp tục ra quyết định khởi tố bổ sung, quyết định khởi tố bị can, đối với ông Lưu Bình Nhưỡng, về tội danh “lợi dụng chức vụ, quyền hạn, gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, theo quy định tại Khoản 4, Điều 358, Bộ luật Hình sự. Quyết định đã được Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Thái Bình phê chuẩn.

Trước đó, ngày 25/11, Công an tỉnh Thái Bình có văn bản gửi các tỉnh, thành phố trên cả nước, đề nghị “phối hợp rà soát, cung cấp thông tin”, liên quan những văn bản kiến nghị, phiếu chuyển kèm theo kết quả xử lý, trả lời, từ tháng 7/2016 đến nay, do ông Lưu Bình Nhưỡng ký, để “phục vụ công tác điều tra” đối với vụ án liên quan ông Nhưỡng.

Từ yêu cầu này, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Định đã phát hiện 2 văn bản, phiếu chuyển đơn do ông Lưu Bình Nhưỡng ký, trên cương vị Đại biểu Quốc hội và Phó trưởng ban Dân nguyện. Trong đó, có một vụ việc liên quan đến vụ án tranh chấp giữa Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn và Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Vận tải biển Cửu Long thành phố Hồ Chí Minh với số tiền lên đến 53,4 tỉ đồng. Từ đó, một số đồn thổi vô căn cứ cho rằng ông Nhưỡng có thể dính líu trong vụ này với nghi vấn “lợi dụng chức vụ và quyền hạn”.

Việc điều tra bổ sung, cộng với việc truyền thông nhà nước đưa tin mập mờ, không rõ ràng và nhất quán, là lý do, ngay từ đầu, phản ứng của dư luận cho rằng, vụ bắt bớ ông Lưu Bình Nhưỡng là một âm mưu chính trị, nhằm triệt hạ nhau giữa các phe phái trong nội bộ Đảng.

Tại kỳ họp thứ 34 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban này đã quyết định kỷ luật, khai trừ khỏi Đảng đối với ông Lưu Bình Nhưỡng. Điều đó cho thấy, quyết tâm chính trị “xóa sổ” ông Nhưỡng xuất phát từ ban lãnh đạo cấp cao, là thật.

Thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, “ông Lưu Bình Nhưỡng được xác định vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao”. Đồng thời, vẫn theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Lưu Bình Nhưỡng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi; vi phạm Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và cơ quan Nhà nước.

Ngay sau đó, theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Thái Bình cho biết, “quá trình điều tra mở rộng đối với bị can Lưu Bình Nhưỡng, với đầy đủ tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan điều tra có đủ căn cứ xác định, thông qua hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác, bị can Lưu Bình Nhưỡng đã trục lợi số tiền lên đến hàng trăm nghìn USD.”.

Phản ứng của công luận cho rằng, Công an tỉnh Thái Bình vẫn theo thói quen mập mờ, không nói rõ ông Lưu Bình Nhưỡng đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác như thế nào? Và bị can Lưu Bình Nhưỡng trục lợi số tiền lên đến hàng trăm nghìn USD, là cá nhân hay tổ chức cụ thể nào, nên thông tin kể trên khó có thể thuyết phục.

Theo giới quan sát, Công an tỉnh Thái Bình càng ngày càng bế tắc trong việc tìm bằng chứng để kết tội ông Nhưỡng. Ông Nhưỡng là một Tiến sĩ Luật và là Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nên cơ quan điều tra không dễ sử dụng biện pháp bức cung, nhục hình, như đối với dân thường. Vì thế, họ phải tìm ra các chứng cứ phù hợp với tội danh, đúng theo quy định của luật pháp. Đây là điều không hề dễ dàng.

Từ những phân tích kể trên cho thấy, khả năng cao, các cơ quan tư pháp tỉnh Thái Bình tới đây, nếu hết cách, thì họ buộc phải chuyển đổi tội danh để truy tố ông Nhưỡng, liên quan đến điều khoản xâm phạm An ninh Quốc gia của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Đó sẽ là tội danh phản ánh đúng bản chất của vụ án, liên quan đến những phát biểu “nói thẳng, nói thật” của cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng trước Quốc hội. Những phát biểu này vốn là điều mà lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam hết sức tránh né. Nên kể cả có là Đại biểu Quốc hội, mà dám chỉ trích thực trạng chính trị và xã hội, với mong muốn đất nước tốt đẹp hơn, thì cũng bị hủy diệt không thương tiếc.

Trong một xã hội độc tài toàn trị như ở Việt Nam hiện nay, việc cai trị thế nào hoàn toàn dựa vào ý chí của một vài cá nhân lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam. Ở đó, mọi cơ chế điều chỉnh và giám sát quyền lực nhà nước sẽ bị Đảng vô hiệu hóa./.

Trà My – Thoibao.de

27.12.2023

Kasse animation 7.8.2023