Bao nhiêu đồng chí sắp bị lộ khi Quyết “còi’ FLC phản cung, Viện KS yêu cầu điều tra lại?

Vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC của tỷ phú Trịnh Văn Quyết, là một trong những vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng và Tiêu cực, theo dõi và chỉ đạo. Theo kế hoạch, vụ án này sẽ được đưa ra xét xử cùng với các vụ án Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát… vào đầu năm 2024.

Theo giới quan sát, các đại án thuộc diện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng, Tiêu cực, như các vụ Tân Hoàng Minh, Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC, Vạn Thịnh Phát – SCB… đều khởi tố và bắt giữ sau vụ án FLC của Trịnh Văn Quyết. Song, tất cả đều đã hoàn tất kết luận điều tra, và chuẩn bị được đưa ra xét xử. Riêng vụ án Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC thì đã được xử xong, kể cả phúc thẩm.

Vậy, lý do tại sao, vụ án Trịnh Văn Quyết lại bị kéo dài đến như vậy?

VnExpress online ngày 2/1/2024 đưa tin, “Viện Kiểm sát yêu cầu điều tra bổ sung vụ Trịnh Văn Quyết thao túng chứng khoán”. Bản tin cho biết, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã quyết định trả lại hồ sơ, đề nghị Bộ Công an điều tra bổ sung vụ án cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết, thao túng chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, Quyết định ngày 26/12/2023 của Vụ 5 – Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho rằng, cần điều tra bổ sung để đảm bảo việc truy tố. Ngay sau đó, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng ra thông báo, đề nghị báo chí công khai, để người bị hại biết về việc trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Điều vừa kể có liên quan gì tới chuyện mà giới thạo tin từ cuối năm 2023 tiết lộ, Trịnh Văn Quyết đã bất ngờ phản cung.

Theo đó, sau gần 2 năm bị Bộ Công an khởi tố bắt giam với 2 tội danh, “thao túng thị trường chứng khoán” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; sau khi kết luận điều tra của Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra (C01), Bộ Công an, gửi sang Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao để ban hành cáo trạng truy tố, thì bất ngờ, ông Trịnh Văn Quyết đã phản cung, không thừa nhận những lời khai trước đó trong hồ sơ của vụ án.

Có một chi tiết rất quan trọng, đó là, cùng với việc phản cung yêu cầu điều tra lại, Trịnh Văn Quyết còn khai ra một danh sách các quan chức lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, kể cả người đứng đầu Chính phủ, Quốc hội, các bộ ngành và các địa phương, cũng như Cơ quan Điều tra của Bộ Công an. Đây là những người có liên quan đến Trịnh Văn Quyết và FLC, hoặc đã nhận hối lộ từ ông Quyết.

Như vậy, nếu các cơ quan tư pháp truy tố Quyết tội “đưa hối lộ”, thì đồng thời, cũng phải truy tố những người trong danh sách vừa kể về tội “nhận hối lộ”.

Một nguồn thạo tin cho biết, danh sách này đã được chuyển đến Ban Thường trực Chỉ đạo Phòng chống Tham nhũng và Tiêu cực Trung ương, cũng như, đã nằm trên bàn làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, để xin ý kiến quyết định.

Đó là lý do, trong những ngày gần đây, trên mạng xã hội có nhiều đồn đoán liên quan tới việc, ghế của nhiều lãnh đạo cấp cao từng chống lưng hay nhận hối lộ từ ông Trịnh Văn Quyết, đang lung lay?

Sự việc này nghiêm trọng tới mức, bị can Trịnh Văn Quyết đã phản cung tất cả các lời khai trước đây, từ việc “thao túng chứng khoán” cho đến việc “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cụ thể:

  • Trịnh Văn Quyết không thừa nhận tội danh “thao túng chứng khoán”. Vì trước đó, theo ông Quyết, vi phạm này đã có Quyết định xử phạt hành chính của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; cũng như, FLC đã xử lý, đền bù ngay sau khi vụ việc xảy ra, theo quy định.
  • Trịnh Văn Quyết cũng không thừa nhận tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ông Quyết cho rằng, em gái mình là Trịnh Thị Minh Huế mới là chủ mưu. Đồng thời, ông Quyết còn khẳng định, tình trạng tăng vốn và niêm yết trên sàn chứng khoán của các doanh nghiệp khác ở Việt Nam, đều đi theo cùng một con đường như của FLC, vì sao, Bộ Công an không làm rõ?

Xin được nhắc lại, ngày 29/3/2022, ông Trịnh Văn Quyết đã bị khởi tố và bắt tạm giam, với cáo buộc đã có hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”, xảy ra vào ngày 10/1/2022. Theo đó, ông Quyết bị cáo buộc đã bán chui 74,8 triệu cổ phiếu vào ngày 4/1 cho phiên giao dịch vào ngày 10/1, thu về hơn 1.500 tỷ đồng.

Đến ngày 5/4/2022, hai em gái của ông Quyết là Trịnh Thị Thuý Nga, và Trịnh Thị Minh Huế cũng bị khởi tố và bắt tạm giam, với cáo buộc đóng vai trò đồng phạm giúp sức cho ông Quyết, thực hiện hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”.

Được biết, lý do bị cáo Trịnh Văn Quyết phản cung và yêu cầu tiến hành điều tra lại, vì ông cho rằng, trong quá trình điều tra, ông bị mớm cung. Thậm chí, ông còn bị Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an – Trung tướng Đỗ Văn Hoành – đánh lừa, để có lời khai bất lợi cho ông.

Theo giới phân tích, với các diễn biến liên quan đến việc Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao trả lại hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ án Trịnh Văn Quyết và đồng bọn, thì vụ án này sẽ còn diễn biến rất phức tạp. Có thể, trong thời gian tới, tên của không ít quan chức cấp cao của các cơ quan thuộc bộ máy Đảng, nhà nước – kể cả những người đứng đầu Chính phủ, Quốc hội – sẽ được đưa ra ánh sáng, do liên quan đến đại án này./.

Trà My – Thoibao.de

7.1.2024

Kasse animation 7.8.2023