Công an Vĩnh Long phạt tiền người dân đưa tin về chốt kiểm tra nồng độ cồn lên Facebook
Ngày 16/2, RFA Tiếng Việt loan tin “Công an Vĩnh Long phạt tiền người dân đưa tin về chốt kiểm tra nồng độ cồn lên Facebook”.
Theo đó, một người đàn ông ở tỉnh Vĩnh Long vừa bị Công an ở tỉnh này phạt hành chính số tiền 7,5 triệu đồng, vì đã đưa thông tin về chốt kiểm tra nồng độ cồn của công an lên Facebook, để báo người khác tránh.
RFA dẫn tin từ báo nhà nước cho biết hôm 16/2 rằng, ông N.M.H. (33 tuổi) bị xử phạt về hành vi “Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật” tại một Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính, trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Theo RFA, ông N.M.H. vào ngày 6/2, đã bị Đội An ninh Công an huyện Trà Ôn làm việc và lập biên bản vi phạm hành chính, vì đăng tải bài viết có nội dung thông báo chốt kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng cảnh sát giao thông.
Báo Nhà nước cho biết, ông H. đã khai nhận việc đăng bài trên Facebook vào khoảng từ 20 – 21 giờ ngày 30/1, với nội dung thông báo chốt kiểm tra nồng độ cồn của cảnh sát giao thông huyện Trà Ôn trên Facebook cá nhân.
Trước đó, RFA cho hay, hôm 14/2, báo nhà nước đã đưa tin một trường hợp khác ở tỉnh Lai Châu, cũng bị công an phạt tiền 7,5 triệu đồng vì cáo buộc đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, sau khi người này đưa tin về chốt kiểm soát của cảnh sát giao thông lên mạng xã hội, để báo cho những người khác tránh.
Không chỉ dừng lại ở việc phạt người chủ Facebook đăng bài, Công an Lai Châu còn tiếp tục truy tìm cả những người viết comment (nhận xét) trên status của Facebook nói trên, bị cho là đã xúc phạm cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ vào dịp Tết Nguyên đán.
Người bị phạt là bà L.T.T., chủ tài khoản Facebook có tên Linh Nhi (sinh năm 1998). Báo Nhà nước cho biết, vào ngày 13/2, Fanpage Công an tỉnh Lai Châu nhận được tố giác của quần chúng về việc tài khoản “Linh Nhi” đăng tải nội dung xúc phạm lực lượng Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ trên mạng xã hội Facebook.
Không chỉ dịp Tết, nhiều tài khoản, nhóm trên Facebook, Zalo được thiết lập nhằm “báo chốt”, “tránh chốt” cảnh sát giao thông. Báo chí nhà nước cho rằng, hành vi này là vi phạm, coi thường pháp luật. Tuy nhiên, ở góc độ người dân, việc làm này thể hiện sự bất bình của họ đối với các quy định của công an.
Lực lượng chức năng đã xử phạt nhiều người, nhiều nhóm hội về hành vi nói trên, tuy nhiên, số lượng các nhóm không suy giảm.
Đa số thành viên các nhóm này là thanh niên. Thậm chí, không chỉ thông báo online, họ còn kéo nhau tụ tập để “hóng chốt”, cổ suý, reo hò mỗi khi có người “thông chốt” thành công, nghĩa là, phóng xe tốc độ cao vượt qua chốt mà không bị bắt lại.
Nhìn bề ngoài, có vẻ như đây là hành động nổi loạn của giới trẻ, nhưng bản chất bên trong là một sự phản kháng đối với giới cầm quyền, mà có thể ngay người trong cuộc cũng không ý thức được. Bởi rất đơn giản, “ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh”, và sự đấu tranh này chỉ đơn thuần là phản ứng tự nhiên của con người, không hề có ai “xúi giục”. Do đó, dễ hiểu là không thể dùng sự áp bức, xử phạt, truy lùng… để giải quyết vấn đề này.
RFA cũng cho biết, luật của Việt Nam nghiêm cấm việc người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Quy định này theo ý kiến của nhiều người dân là quá khắt khe, vì nhiều khi đồ ăn cũng có cồn, nhưng không đủ mạnh để gây say như uống bia rượu.
RFA dẫn báo nhà nước cho biết thêm, trong 7 ngày nghỉ Tết Giáp Thìn, cảnh sát giao thông đã ghi nhận hơn 29.000 lái xe vi phạm nồng độ cồn, và xử phạt số tiền là hơn 182 tỷ đồng.
Ý Nhi – thoibao.de