Người Việt dẫn đầu các sắc dân xin tị nạn tại Úc: Hậu quả của thông tin di trú “chộp giật”?
Ngày 21/2, RFA Tiếng Việt có phóng sự “Người Việt dẫn đầu các sắc dân xin tị nạn tại Úc: Hậu quả của thông tin di trú lừa đảo?”
RFA kể về trường hợp của anh Hưng – người đang xin visa tị nạn chính trị tại Úc, để kéo dài thời gian ở lại. Anh vốn là một lao động tự do ở Hà Nội, thu nhập hơn chục triệu một tháng, nhưng không tiết kiệm được gì. Sau khi tình cờ đọc thông tin đi du lịch Úc có thể đi làm, nên anh đã bỏ ra 100 triệu đồng để làm visa du lịch. Khi gần hết hạn visa du lịch, anh Hưng được khuyên chuyển sang visa tị nạn chính trị để được ở lại lâu hơn một cách hợp pháp.
RFA cho biết, anh Hưng không phải là một cá nhân hiếm hoi, theo thông tin từ Bộ Nội vụ Úc, chỉ trong năm 2023, số người Việt xin thị thực bảo vệ khi ở Úc dẫn đầu trong số các sắc dân với 2.905 người, chiếm 12%.
Thị thực này dành cho những người đến Úc bằng thị thực hợp lệ và muốn xin tị nạn.
RFA dẫn nhận xét của Luật sư Lê Đức Minh, một người Úc gốc Việt hành nghề luật sư di trú có thâm niên, bày tỏ:
“Tôi thấy có sự gia tăng bất thường, đặc biệt vào khoảng 6 tháng cuối năm 2023, tôi thấy có một làn sóng tăng lên đột ngột hồ sơ của người Việt xin tị nạn chính trị tại Úc.
Tôi cũng khá ngạc nhiên và không hiểu lý do vì sao số lượng xin tị nạn chính trị của người Việt Nam tại Úc tăng đột biến.”
Theo tìm hiểu của cá nhân, luật sư Minh thấy rằng, đây là hậu quả của một phong trào lừa đảo rất quy mô từ trong nước, rất nhiều cá nhân và công ty di trú hoạt động không có bằng cấp và giấy phép của Úc, đã đưa thông tin một cách công khai, hoàn toàn sai sự thật về những chương trình đi lao động tự do tại Úc, đặc biệt là các chương trình người ta gọi là “đi lao động nông nghiệp không cần tay nghề chuyên môn và cũng không cần trình độ tiếng Anh”.
RFA dẫn báo Công an thành phố Hồ Chí Minh hồi năm 2020 cho biết, Công an đã triệt phá đường dây đưa người sang Úc bằng giấy tờ giả, bắt giữ Giám đốc Công ty Tư vấn du học, du lịch Châu Đại Dương và các đối tượng có liên quan.
Hầu hết trong số này đều tìm cách xuất cảnh sang Úc sau đó trốn ở lại để lao động phổ thông như làm việc tại các trang trại, quán ăn…
Luật sư di trú trẻ Kate Hoàng, cựu Chủ tịch cộng đồng liên bang Úc Châu, cho hay, một số người làm di trú lừa đảo hướng dẫn người Việt xin visa tị nạn với số tiền hàng chục ngàn đô la Úc, để sau đó được cấp một loại “thị thực tạm nhưng vĩnh viễn”, và được khám chữa bệnh miễn phí.
Nhưng, cô Kate cũng cho biết, có một số thực sự là những người đấu tranh, có những lý do xin tị nạn xác đáng. Có nhiều người bị đàn áp ở Việt Nam vì lên tiếng trước những bất công xã hội, nhưng may mắn thế nào họ có một cơ hội để đến được Úc và xin tị nạn.
Luật sư Lê Đức Minh cho hay, văn phòng của ông lúc nào cũng có những người đến xin tị nạn thực sự và ông đã làm thành công rất nhiều trường hợp.
Ông cho biết, chỉ cần nghe câu chuyện của họ, ông có thể đánh giá được đó có phải là người đấu tranh thực thụ hay không, hay chỉ muốn chuyển đổi hồ sơ để kéo dài thời gian xin ở lại Úc để làm việc.
Theo RFA, để đối phó với tình trạng có những người nộp đơn chỉ để kéo dài thời gian cư trú, gây ảnh hưởng đến các đương đơn thực sự, Chính phủ Úc đã cam kết chi 54 triệu đô la Úc trong ba năm từ 2023, để tăng nguồn lực xử lý thị thực trong Bộ Nội vụ, nhằm giảm đáng kể thời gian xử lý thị thực Bảo vệ vĩnh viễn (loại 866 – thị thực Bảo vệ).
RFA cũng cho biết, hậu quả của việc này là Bộ Giáo dục bang Nam Úc hồi đầu tháng 2 ra thông báo: Tạm thời không chấp nhận đơn xin học của học sinh đến từ các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, cho đến khi có thông báo mới.
Một số du học sinh đến từ các tỉnh thành khác theo Chương trình Giáo dục Quốc tế cũng cần phải giải trình rõ ràng về mục đích xin học, đưa ra các kế hoạch du học cụ thể.
Luật sư Kate giải thích:
“Đó là những vùng hầu hết 90% cho đến 100% khi qua Úc là không có ai về hết cả, có người ở lậu, có người nộp tị nạn…
Những cái vùng đó Bộ Di trú cho là những vùng nguy hiểm, cho nên họ rất là khó để cấp bất kỳ loại visa nào.”
Quang Minh – thoibao.de