Vượng “đánh liều”, húc đầu vào đá tảng lần 2!
Ngày 22/2, các trang báo quốc doanh đồng loạt đưa tin VinFast xây nhà máy tại Ấn Độ. Thông tin cho biết, VinFast cam kết rót 500 triệu USD cho giai đoạn 1 của dự án nhà máy sản xuất xe điện tại Ấn Độ. Tổng số tiền đầu tư là 2 tỷ đô la Mỹ.
VinFast Auto cho biết, sẽ động thổ dự án nhà máy sản xuất xe điện tích hợp tại thành phố Thoothukudi, bang Tamil Nadu (Ấn Độ), vào ngày 25/2. Động thái này diễn ra sau hơn một tháng, kể từ khi biên bản ghi nhớ giữa nhà sản xuất xe điện của Việt Nam và chính quyền bang Tamil Nadu được ký. Trước đó, cuối năm 2023, ông Phạm Nhật Vượng gặp tỷ phú giàu thứ hai Ấn Độ – ông Gautam Adani. VinFast cũng bắt đầu các hoạt động tuyển dụng nhân sự cho một số vị trí ở quốc gia này.
Khi có nhà đầu tư nước ngoài đến xây nhà máy, tất nhiên, chính quyền địa phương sẽ đồng ý, bởi đây là cơ hội để giải quyết một lượng lao động của Ấn Độ. Ngay cả Mỹ cũng chào đón VinFast đến xây nhà máy, để tạo công ăn việc làm cho người Mỹ. Có thể, nếu ông Phạm Nhật Vượng đưa ra yêu cầu xây nhà máy tại một nước Đông Nam Á nào khác, thì chính quyền nước đó cũng sẽ gật đầu.
Chính quyền các nước đồng ý cho VinFast xây nhà máy cũng vì lợi ích của của họ. Đó là, lo cho dân có việc làm và giảm thất nghiệp. Đây là điều kiện tiên quyết để giành phiếu trong kỳ bầu cử.
Tuy nhiên, việc xây nhà máy và việc bán xe ra thị trường là hai chuyện khác nhau, phụ thuộc vào luật chơi của thương trường. Lúc đó, VinFast phải tự tìm cách để xe của họ được thị trường chấp nhận.
Trước khi các hãng ô tô vào Việt Nam, họ khảo sát thị trường rất kỹ, họ phân tích xu hướng tương lai. Có kết quả đáng tin cậy rồi, họ mới quyết định việc có xây dựng nhà máy hay không.
Thời kỳ mới mở cửa, để có những nhà sản xuất ô tô trên thế giới xây nhà máy, chính quyền Cộng sản đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, để chiêu dụ nhà đầu tư, trong đó có chính sách thuế. Tuy nhiên, các hãng ô tô hàng đầu không dồn hết sức lực đầu tư vào Việt Nam, mà họ chỉ đầu tư các dây chuyền lắp ráp, ít tốn kém hơn và tuyển nhân công cũng dễ hơn.
Sau nhiều thập kỷ, các nhà sản xuất ô tô lớn vẫn không nâng tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam, họ vẫn chỉ giữ các dây chuyền lắp ráp là chính. Nguyên nhân được các nhà sản xuất ô tô đưa ra là, ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam không đáp ứng cho họ. Họ không thể nhận các linh kiện kém chất lượng của các nhà cung cấp Việt Nam.
Đấy là bước đầu tư thận trọng ra nước ngoài của các hãng ô tô lớn trên thế giới. Họ nhiều vốn, có thương hiệu, thị trường đã chấp nhận thương hiệu của họ, vậy mà, họ vẫn đi từng bước thăm dò. Nếu thị trường không như kỳ vọng, thì họ vẫn không bị mất mát nhiều, còn nếu như kỳ vọng hoặc tốt hơn, họ sẽ rót tiền đầu tư tiếp.
Với VinFast thì hoàn toàn ngược lại. Không cần biết dân Mỹ có chuộng xe VinFast hay không, đùng một cái, ông Vượng làm liều cho xây nhà máy 4 tỷ đô la Mỹ. Tuy nhiên, cho đến khi nhà máy khởi công, người Mỹ vẫn chê xe VinFast, và gần như, hãng xe này bán ra thị trường chẳng được bao nhiêu. Mà một khi không được thị trường chấp nhận, thì giá cổ phiếu VFS trên sàn Nasdaq cũng không lên được, từ đó việc huy động vốn lại càng khó. VinFast bị lọt vào vòng luẩn quẩn bế tắc trên đất Mỹ.
Nay, ông Vượng lại cho xây nhà máy tại Ấn Độ, cũng theo cách thức mà ông đã làm tại Mỹ, nghĩa là “thích thì làm”, chẳng cần dựa vào việc khảo sát thị trường, chẳng cần biết dân Ấn có chuộng loại xe như VinFast hay không.
Tuy Ấn Độ là thị trường tỷ dân và dễ tính, nhưng mỗi thị trường đều có thị hiếu riêng. Có xe bán ở thị trường khó tính rất chạy, nhưng bán ở thị trường dễ tính hơn lại khó khăn.
Đã một lần nhắm mắt húc vào Mỹ và bị “u đầu”, giờ đây, ông Vượng tiếp tục “uống thuốc liều”, húc vào thị trường Ấn Độ. Không biết ông Vượng có thành công được hay không, điều này cần thời gian để trả lời.
Nắm doanh nghiệp tỷ đô mà ông Vượng như đang đánh cuộc với may rủi, cổ đông VinFast như đang ngồi trên xe bus do một “tay lái lụa” chở. Quá mạo hiểm!
Trà My – Thoibao.de