Biến Vạn Thịnh Phát thành lụi tàn, nhưng Bạc vẫn đầu hàng Hai Nhật!

Biến Vạn Thịnh Phát thành lụi tàn nhưng Bạc vẫn đầu hàng Hai Nhật!

Ngày 5/3, vụ án Vạn Thịnh Phát đã được đưa ra xét xử ngày đầu tiên. Dự kiến, phiên tòa sẽ kéo dài đến ngày 29/4, với số lượng bị cáo rất lớn, 86 người kể cả bà Trương Mỹ Lan. Có 13 bị cáo bị truy tố với khung hình phạt lên đến chung thân hoặc tử hình, trong đó có bà Trương Mỹ Lan, do tham ô 304 ngàn tỷ đồng; bà Đỗ Thị Nhàn, do nhận hối lộ 5,2 triệu đô la; và Trương Huệ Vân vì giúp sức cho bà Lan.

Đây là vụ án rất lớn, tuy nhiên, đến giờ này, nhân vật được cho là đã giúp bà Trương Mỹ Lan thâu tóm hàng loạt khu đất vàng tại Sài Gòn, là ông Lê Thanh Hải, vẫn không hề hấn gì. Bà Lan và 85 bị cáo khác ra tòa, xem như, 99% ông Lê Thanh Hải đã an toàn. Còn lại 1% dành cho bất ngờ nào đấy.

Vụ án Vạn Thịnh Phát đổ bể, một lần nữa cho thấy, nền tảng pháp lý và tổ chức quản lý nhà nước của chế độ này có vấn đề nghiêm trọng. Đã từ lâu, những doanh nghiệp Việt đột nhiên lớn mạnh, rồi sau đó sụp đổ, gần như không có một doanh nghiệp lớn nào có thể sống thọ hơn 40 năm.

Sự thối nát của hệ thống chính trị kéo theo hàng loạt doanh nghiệp lớn mạnh một cách phi pháp, mang theo bao nhiêu mầm bệnh. Đến khi căn bệnh bùng phát thì không thể nào cứu vãn nổi.

Hiện nay, còn rất nhiều tập đoàn có cung cách làm ăn theo kiểu Vạn Thịnh Phát. Nếu ông Nguyễn Phú Trọng cho khui hết, thì không biết, nền kinh tế Việt Nam sẽ như thế nào. Nền chính trị mục nát kéo theo nền kinh tế cũng mục ruỗng từ bên trong.

Ở các nước dân chủ, cũng có việc doanh nghiệp vận động hành lang giới chính trị, thậm chí, quyên góp cho một nghị sĩ nào đấy, để họ đề xuất những dự luật có lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, những dự luật ấy được đem ra mổ xẻ, tranh luận công khai trước khi biểu quyết. Hơn nữa, khi biểu quyết thông qua dự luật, thì mỗi lá phiếu đều rất có giá trị.

Còn ở Việt Nam, Quốc hội là một tập thể nghị gật, và dự luật nào thuận ý Đảng thì rồi cũng đạt được đồng thuận cao. Hơn nữa, dù có luật thì cũng không mấy cơ quan chức năng và quan chức tôn trọng luật. Vì vậy, khi giới chính trị đỡ đầu cho doanh nghiệp, thì rất nguy hiểm cho nền kinh tế.

Tập đoàn Vạn Thịnh Phát không thể lớn mạnh nếu không có bàn tay Lê Thanh Hải nâng đỡ. Nhưng khi Vạn Thịnh Phát bị pháp luật sờ đến, thì vẫn không chạm đến được quyền lực chính trị đằng sau. Do đó, không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, và những Vạn Thịnh Phát khác sẽ nổi lên.

Vạn Thịnh Phát như dây leo, Lê Thanh Hải như tảng đá, ông Tổng dùng rìu chém đứt dây leo, nhưng rìu lại bị mẻ vì đụng phải tảng đá quá cứng. Kết quả, dây leo chết nhưng tảng đá vẫn còn trơ trơ, và rồi, nó lại làm bệ đỡ cho dây leo khác tiếp tục phát triển.

Doanh nghiệp dựa chính trị, nhờ chính trị che đậy để làm ăn gian dối, cứ thế doanh nghiệp lớn dần lên. Đến khi thế lực chính trị đỡ đầu suy yếu, thì doanh nghiệp cũng ngã nhào. Ở Việt Nam có mấy doanh nghiệp lớn mà không đi theo công thức này? Nếu không theo công thức đấy thì doanh nghiệp không thể lớn được.

Nền chính trị lành mạnh và trong sạch, sẽ tạo ra một nền kinh tế trong sạch và lớn mạnh, mà doanh nghiệp lớn mạnh là bởi nội lực, chứ không phải bởi dựa dẫm. Đó là lý do, các doanh nghiệp ở các nước dân chủ dễ hòa nhập quốc tế. Còn Việt Nam thì sao? Lớn như VinGroup nhưng khi ra với thị trường quốc tế thì vẫn không thể nào tìm được chỗ đứng.

Vạn Thịnh Phát to xác nhưng ốm yếu. Vậy, còn bao nhiêu doanh nghiệp to xác nhưng không thể tự đứng trên đôi chân của mình? Không ai biết điều này. Chỉ biết, doanh nghiệp Việt như đang bị nhốt trong cái chuồng chính trị chật hẹp, cho nên chỉ có thể nằm một chỗ, béo ú, lớn xác, nhưng không có sức khỏe. Đấy là thực trạng đáng buồn cho nền kinh tế Việt Nam, mục ruỗng hoàn toàn.

 

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023