Làm sao để Sài Gòn trở lại là Hòn Ngọc Viễn Đông?

Làm sao để Sài Gòn trở lại là Hòn Ngọc Viễn Đông?

Ngày 4/3, RFA Tiếng Việt có bài ‘“Sài Gòn – Hòn Ngọc Viễn Đông”: làm sao để có lại?”

RFA nhắc đến phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong Hội thảo tham vấn quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh, thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, diễn ra tại Hà Nội hôm 28/2. Ông Dũng khẳng định, Sài Gòn sẽ phát triển bứt phá, xứng đáng quay lại vị trí Hòn Ngọc Viễn Đông.

RFA dẫn ý kiến của nhà báo Nguyễn Ngọc Già, cho rằng:

“Hòn Ngọc Viễn Đông là một nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam. Nó chấm dứt vào năm 1976, là năm mà Sài Gòn chính thức bị xóa tên và thay bằng thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, khi mà Sài Gòn mất, tức là Hòn Ngọc Viễn Đông cũng mất, và văn hóa của Sài Gòn xưa đã bị triệt diệt dần. Trong tên gọi Hòn Ngọc Viễn Đông nó mang đầy đủ các yếu tố chính trị và thời cuộc.”

“Bây giờ muốn làm sống lại Hòn Ngọc Viễn Đông thì phải trả lại tên Sài Gòn. Đó là điều kiện căn bản nhất và quan trọng nhất. Thứ hai, muốn làm cho Sài Gòn – Hòn Ngọc Viễn Đông sống lại, tức là phải làm cho văn hóa Sài Gòn xưa sống lại.”

“Trong khi đó, văn hóa hiện nay ở thành phố Hồ Chí Minh, cũng như cả nước được gọi tên là văn hóa Xã hội Chủ nghĩa… đối với quan sát của cá nhân tôi, thì… có thể gói gọn trong một chữ “vô văn hóa” trải dài trên mọi lĩnh vực, từ kinh doanh, giáo dục, y tế cho đến du lịch, du học, xuất khẩu lao động…”

RFA cũng dẫn quan điểm của nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, nói:

“Trải qua sự thăng trầm của đất nước, dù bất cứ thể chế nào, bất cứ chế độ chính trị nào, Sài Gòn vẫn là trung tâm văn hóa, khoa học, kỹ thuật của đất nước. Nhưng 49 năm qua, Sài Gòn đã mất đi vai trò và vị trí của nó.”

“Năm 1975, nhìn sang các nước Đông Nam Á như Singapore, Kuala Lumpur của Malaysia, Manila của Philippines… thì thấy, họ không là gì so với Sài Gòn lúc đó. Nhưng ngày hôm nay, Manila, Singapore, Kuala Lumpur đã vươn lên một cách thần kỳ. Bao giờ Sài Gòn đuổi kịp!”

“Muốn đưa Sài Gòn trở lại Hòn Ngọc Viễn Đông, thì phải trao cho Sài Gòn cái vai trò tự thân của nó để nó phát triển. Còn nếu làm ra 100 đồng mà chỉ được hưởng 23 đồng, còn tất cả phải nộp về Trung ương, thì xin lỗi, 100 năm nữa Sài Gòn cũng không là Hòn ngọc Viễn Đông, mà nó là “một cái gì đó” ở Việt Nam và ở khu vực Đông Nam Á.”

Ông Đinh Kim Phúc nói thêm, ngày xưa Việt Nam bị Thực dân Pháp đô hộ, nhưng vẫn phát triển thành Hòn Ngọc Viễn Đông, là do có tự do – dân chủ.

RFA nhắc lại phát biểu của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ – cố Phó Chủ tịch nước Việt Nam – tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh năm 1988, cho rằng:

“Dân chủ là thế mạnh của chúng ta, nhưng khi giành chính quyền trọn vẹn, chúng ta lại làm xói mòn thế mạnh này… Tất cả vấn đề là phải đấu tranh để thực hiện. Cuộc đấu tranh này không giống cuộc đấu tranh đối kháng với địch trước đây, nhưng cũng phải diễn ra quyết liệt, bởi lẽ, dân chủ không thể có bằng sự ban ơn, mà bằng sự đấu tranh.”

Nhưng, RFA chỉ ra, thực tế cho thấy, nhiều người trong nước chỉ vì bày tỏ ý kiến thẳng thắn trước những vấn đề xã hội, đã bị cáo buộc theo Điều 331 Bộ luật Hình sự về tội “ lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Còn ở mức độ nặng hơn là Điều 117 Bộ luật Hình sự, về tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.

Hai điều luật này bị các tổ chức nhân quyền quốc tế cho là mơ hồ và cơ quan chức năng lạm dụng để dập tắt các tiếng nói chỉ trích chính quyền một cách ôn hòa.

 

Thu Phương – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023