Húc đầu vào Chú Sam bị “trọng thương”, Vượng “cầu cứu” thị trường cấp thấp!

Húc đầu vào Chú Sam, “trọng thương”, Vượng “cầu cứu” mấy “anh Phi”!

Ngày 7/3, các tờ báo trong nước đồng loạt lên đồng, sau khi Tạp chí Mỹ – MotorTrend – lên danh sách 50 tên tuổi ảnh hưởng nhất trong ngành ôtô thế giới, trong đó, ông Phạm Nhật Vượng đứng thứ 47, trên cả Elon Musk xếp thứ 50.

Không biết, tạp chí này dựa vào những tiêu chuẩn nào để xếp hạng. Tuy nhiên, vừa thấy Phạm Nhật Vượng được xếp trên Elon Musk, thì ngay lập tức, “báo chí nô bộc” đã lên đồng. Lâu nay, báo chí Việt Nam được biết như một công cụ để phục vụ cho Đảng Cộng sản, và cũng phục vụ cho Vin.

Cho tới nay, số xe mà ông Phạm Nhật Vượng xuất sang Mỹ chỉ khoảng 3.500 chiếc. Đợt đầu (cuối năm 2022) là 999 chiếc (làm tròn là 1.000 chiếc), đợt 2 (tháng 3/2023) là 2.500 chiếc. Đến tháng 8/2023, báo chí trong nước thông báo, VinFast đã bán gần hết lượng xe xuất sang Mỹ. Tuy nhiên, sau khi xuất đợt 2 sang Mỹ, thì không thấy VinFast xuất thêm đợt hàng nào nữa.

Khi xây nhà máy đầu tiên của VinFast tại Hải Phòng, ông Phạm Nhật Vượng đã thúc đẩy tiến độ, nên hoàn thành rất nhanh. Lúc đó, VinFast còn mạnh vốn và còn đầy nhiệt huyết.

Tuy nhiên, nhà máy VinFast tại Mỹ, sau khi khởi công thì vẫn còn “nằm chờ vốn”. Nguyên nhân rất rõ, đó là VinFast đã đuối vốn, nhiệt huyết cũng đã không còn, sau quá nhiều chỉ trích.

Hiện nay, nếu VinFast muốn tiếp tục bán xe ra thị trường Mỹ, thì vẫn phải nhập khẩu từ Việt Nam, vì nhà máy tại Mỹ chưa đi vào hoạt động. Như vậy, chỉ có 3.500 chiếc xe, mà suốt từ đầu năm 2023 đến nay, vẫn không thể tiêu thụ hết, thì rõ ràng, thị trường Mỹ không chấp nhận xe của ông Vượng.

Hiện nay, việc huy động vốn trên thị trường Nasdaq xem ra cũng bất khả thi, khi mà giá cổ phiếu cứ liên tục tuột dốc, về giá của cổ phiếu rác. Xe bán không được, huy động vốn không xong, xem như, ông Phạm Nhật Vượng đã hoàn toàn thất bại trong chiến lược “Mỹ tiến” của VinFast. Bất chấp việc báo chí quốc doanh lên đồng, ca ngợi Phạm Nhật Vượng được xếp trên Elon Musk, thì VinFast vẫn bế tắc trên đất Mỹ.

 

Sau cú húc đầu vào Mỹ, VinFast của ông Vượng đã bị trọng thương. Ban đầu, ông Vượng dự định chinh phục thị trường khó tính này trước, rồi sau đó, sẽ dễ dàng xâm chiếm thị trường dễ tính hơn. Tuy nhiên, ông Vượng đã không tự lượng sức, kết quả là VinFast phải gánh một núi nợ, đồng thời phải tốn tiền thuê kho bãi để giữ “xe ế”, cũng như tốn tiền để duy trì hệ thống phân phối tại Bắc Mỹ. Những thứ này, ngày nào cũng đốt tiền của Vin, trong khi, triển vọng không có, lợi nhuận thì âm.

Giờ đây, ông Vượng đang quay đầu về thị trường Ấn Độ, bởi đây là thị trường dễ tính. Tuy nhiên, để VinFast tạo được chỗ đứng ở đây cũng không phải chuyện dễ dàng. Bởi Tesla của Mỹ đã phủ kín ở phân khúc xe cao cấp, còn BYD của Trung Quốc đã phủ kín phân khúc bình dân, giá rẻ. Đấy là chưa nói đến xe điện của các ông lớn xe xăng, cũng đang muốn lấp kín mọi phân khúc ở thị trường Ấn Độ.

Không rõ, liệu ông Vượng có thể thành công tại Ấn hay không. Nếu thành công, thì cũng cần rất nhiều thời gian, trong khi đó, các khoản nợ ngắn hạn của VinFast không thể đợi. Vì vậy, ông Vượng cần phải tính cách khác để bán được xe.

Mới đây, VinFast công bố đã chính thức ký kết thỏa thuận với Jospong Group of Companies – một công ty của Ghana, về việc phân phối xe điện VinFast tại thị trường Ghana và khu vực Tây Phi. Đây là hướng đi mang tính chữa cháy, khi hàng ế càng ngày càng nhiều, mà Công ty taxi GMS thì không thể ôm hết, còn thị trường Mỹ lại không tiếp nhận.

Châu Phi là lục địa nghèo, chắc chắn, họ sẽ không kén chọn như thị trường Mỹ. Tuy nhiên, cũng cần có thời gian mới đánh giá được hướng đi này có thành công hay không, bởi nơi nào cũng có thị hiếu riêng.

Thành công hay không thì phải đợi thời gian mới trả lời. Nhưng rõ ràng, ông Vượng đang phải quay đầu cầu cứu những thị trường cấp thấp hơn, sau cú húc đầu đầy mạo hiểm vào Chú SAM.

Trà My – Thoibao.de