Bắt khẩn cấp Huy Đức liên quan gì đến Tướng Nguyễn Trọng Nghĩa – tân Uỷ viên Bộ Chính trị?

Việc gần đây nhà cầm quyền Việt Nam cho bắt hàng loạt những tiếng nói trái chiều, là sự tái khẳng định, việc đàn áp tự do sự biểu đạt cũng như tự do ngôn luận.

Xung quanh lý do Bộ Công an khởi tố bắt giam đối với nhà báo Huy Đức, nhiều ý kiến cho rằng, liên quan đến một vài status mang tính “nhạy cảm” trong thời gian gần đây của ông. Những status này đề cập đến các sai lầm về chủ trương của Tổng Trọng, cũng như chỉ trích cựu Bộ trưởng Tô Lâm lạm quyền.

Nhưng việc đẩy hoàn toàn trách nhiệm cho ông Trọng và ông Tô Lâm, quy cho họ là thủ phạm đưa ra yêu cầu bắt giữ “khẩn cấp” đối với nhà báo Huy Đức, xem ra chưa thực sự công bằng.

Trên mạng xã hội, có nhiều ý kiến cho rằng, ngoài việc chỉ trích các lãnh đạo cấp cao đang đương chức, ông Huy Đức còn viết status tấn công cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, và con trai ông Ba Duẩn – Tiến sĩ Lê Kiên Thành. Được biết, ông Lê Kiên Thành rất tức giận, và đã gửi đơn thư đề nghị các cơ quan chức năng của Đảng xem xét, xử lý nghiêm nhà báo Huy Đức.

Được biết, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn vẫn còn uy tín đối với giới chức lãnh đạo quân đội hiện nay, cũng như vẫn có tầm ảnh hưởng lớn và được trân trọng. Do đó, công luận bỏ qua sự kiện, tại Hội nghị Trung ương 9 khóa 13 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung 4/6 ghế uỷ viên Bộ Chính trị, trong đó có Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa – tân Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, kiêm Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Cho nên, việc xử ý nhà báo Huy Đức, theo đúng trình tự, sẽ do Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương – một tân Ủy viên Bộ Chính trị, tham gia chỉ đạo, và đưa ra yêu cầu nhanh chóng xử lý Huy Đức, với Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Công an, là điều chắc chắn.

Nhà báo Hoàng Linh, cựu phóng viên báo Tuổi Trẻ, một đồng nghiệp của nhà báo Huy Đức, và cả 2 cùng từng dính dáng đến vụ án “trùm xã hội đen” Trương Văn Cam, tức Năm Cam.

Sau khi nhà báo Huy Đức bị khởi tố, bắt giam, nhà báo Hoàng Linh đã có một dòng trạng thái trên Facebook cá nhân, đưa ra nhận xét, Huy Đức nổi tiếng với cuốn sách “Bên thắng cuộc”, và sau đó “Huy Đức càng nổi tiếng hơn với những bài bình luận chính trị, sau đó là những tin tức mang tính chất tiết lộ, thí dụ như bắt ai đó, thì Huy Đức là người đầu tiên đưa ra”.

Ví dụ như vụ bắt Trịnh Văn Quyết, Huy Đức đã sớm đưa ra hình ảnh Trịnh Văn Quyết ăn tô mì tôm, và nói rằng, “với kiểu này, có lẽ Trịnh Văn Quyết sẽ ăn mì tôm dài dài, ngầm ý là sắp đi ở tù”.

Đó là lý do vì sao, mạng xã hội đặt cho Huy Đức hỗn danh là “chim cú”. Bởi theo nhà báo Hòang Linh, khi Huy Đức đã gọi tên ai, thì “không sớm thì muộn, người đó cũng đi chăn kiến, cũng bị bắt”.

Chưa hết, nhà báo Hoàng Linh nhắc lại, trước đây, “Huy Đức là nhà báo đã từng công kích trực diện lúc đương chức của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng. Và cuối cùng, thì ông Đinh La Thăng đã bị bắt”.

Nhà báo Hoàng Linh nhận xét, điều đó đã chứng tỏ cho thấy, uy lực của Huy Đức lúc đó, với thế lực chống lưng là quá mạnh.

Ngoài ra, từ trước, trong và sau Đại hội Đảng lần thứ 12 đến nay, Huy Đức đã tấn công liên tục vào ông Nguyễn Tấn Dũng cùng gia đình, mà được cho là theo lệnh từ ai đó. Theo tác giả Hoài Linh, “anh Huy Đức có một sai lầm chết người tiếp theo nữa, là có vẻ như, anh viết không dựa trên sự thật khách quan, hay là, chính điều anh suy nghĩ, mà viết theo một khuynh hướng của ai đó, của nhóm lợi ích nào đó”.

Đồng thời, nhà báo Hoàng Linh đã khuyên Huy Đức, “chúng ta làm truyền thông, đôi khi chịu thiệt thòi, đôi khi túng thiếu, đôi khi cũng thiếu danh vọng, nhưng mà nó an toàn và nó sẽ được công chúng tôn trọng. Có những vinh quang nhất thời do nhóm lợi ích mang lại, do những thông tin mang tính rò rỉ mang lại, không bền lâu đâu, thưa các anh chị”.

Một số ý kiến đánh giá rằng, đúc kết những điều vừa kể, có lẽ, là bài học cần thiết cho các nhà báo chân chính, trong một xã hội kim tiền như ở Việt Nam hiện nay./.

 

Trà My – Thoibao.de