4 “cửa ải” cản bước Tô Đại vươn tới chiếc ghế Tổng Bí thư tại Đại hội 14?

Chính trường Việt Nam đang dần ổn định trở lại, sau một thời gian dài sóng gió chưa từng thấy. Chiến thắng của Chủ tịch nước Tô Lâm, khi lội ngược dòng, và thành công đưa một Ủy viên Trung ương Đảng lên nắm ghế Bộ trưởng Công an, là điều chưa từng có tiền lệ.

Nhiều ý kiến nhận xét rằng, hiện nay, Tô Chủ tịch là người có quyền lực mạnh mẽ nhất trong Đảng, và đã trở lại phong độ như thời kỳ tháng 3/2024. Khi đó, Bộ trưởng Tô Lâm đã liên tiếp đánh gục 3 nhân vật quyền lực hàng đầu của Đảng, là những người thân cận với Tổng Trọng.

Hiện nay, có những đồn đoán rằng, sức khoẻ của Tổng Trọng đang rất xấu. Theo tin đồn, ông Trọng bị ung thư máu và đang nằm điều trị trong phòng cấp cứu của Bệnh viện Quân đội Trung ương 108, do các bác sĩ Trung Quốc trực tiếp chăm sóc và điều trị.

Tuy nhiên, trước đây từng nhiều lần xuất hiện những đồn đoán tương tự về sức khỏe của ông Trọng, mà đa số là không chính xác. Đầu năm 2024, rộ lên đồn đoán rằng, sức khoẻ của Tổng Trọng rất xấu, thậm chí, cho rằng ông đã tử vong. Nhưng bất ngờ, ngày 15/1, ông xuất hiện tại Quốc hội, với một thể trạng tương đối tốt và khá tươi tỉnh.

Ngày 15/5, Tiến sĩ Ian Storey từ Viện Nghiên cứu Chính trị Đông Nam Á (ISEAS), tiết lộ,“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang không có sức khỏe tốt, và có lẽ không thể gặp ông Putin”. Nhưng tại Hội nghị Trung ương 9, diễn ra từ ngày 16 đến 18/5, người ta vẫn thấy ông Trọng xuất hiện điều hành Hội nghị quan trọng này.

Trong bối cảnh còn hơn 18 tháng nữa sẽ diễn ra Đại hội 14, một câu hỏi đặt ra là: Ai sẽ là người thay thế Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi ông Trọng không thể tiếp tục duy trì quyền lực?”.

Trước đó ít lâu, có nhiều dấu hiệu cho thấy, ông Trọng vẫn nỗ lực, “cố gắng” tạo ra tình thế, để ngồi lại ghế Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ 4, trong tư cách là người hùng “cứu Đảng”. Những xáo trộn vừa qua ở thượng tầng chính trị, là “chuyện chưa từng có trong lịch sử 94 năm của Đảng”. Hiện vẫn chưa có dấu hiệu sẽ chấm dứt.

Theo giới quan sát, sau Hội nghị Trung ương 9, Bộ Chính trị hiện có 16 ủy viên. Trong số này, 2 ứng viên nổi bật nhất cho ghế Tổng Bí thư, là Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính. Tuy nhiên, cả 2 ông này đều sẽ quá tuổi, theo quy định là 65 vào tháng 1/2026, nên sẽ cần được coi là “trường hợp đặc biệt”.

Chủ tịch nước Tô Lâm được giới quan sát chính trị Việt Nam đánh giá cao, khi cho rằng: “đang trên đường hướng tới ghế Tổng Bí thư, sau khi ông Trọng nghỉ hưu”.

Theo Nikkei Asia ngày 22/5, chuyên gia Futaba Ishizuka cho rằng, “việc ông Tô Lâm duy trì ảnh hưởng trong Bộ Công an, sẽ là một trong những yếu tố then chốt quyết định, liệu ông có thể trở thành Tổng Bí thư hay không?”.

Tuy nhiên, Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Australia đánh giá, ông Tô Lâm phải vượt qua được 5 “cửa ải” để đạt đến mục tiêu. Cụ thể:

– Thứ nhất, theo quy định, Tổng Bí thư đương nhiệm sẽ đề cử người kế nhiệm. Trong khi, Trưởng tiểu ban Nhân sự của Đại hội 14 do Tổng Trọng đảm trách, nên việc cân nhắc và phê chuẩn Tô Lâm làm ứng viên, không hề dễ dàng.

– Thứ hai, Ban Chấp hành Trung ương sẽ phải phê chuẩn theo đề xuất của Tiểu ban Nhân sự, để đạt được đồng thuận về người kế nhiệm. Nhưng năm 2020, dù Tổng Trọng đề cử ông Trần Quốc Vượng, nhưng ông Vượng không nhận đủ số phiếu của Ban Chấp hành Trung ương và vẫn bị loại.

– Thứ ba, ông Tô Lâm phải nhận được đa số phiếu, từ hơn 1.500 đại biểu tại Đại hội 14, để được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương mới, đây cũng là một trở ngại.

– Thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương mới phải bầu ông Tô Lâm vào Bộ Chính trị, để sau đó, Bộ Chính trị, và Ban Chấp hành Trung ương mới bầu làm Tổng Bí thư.

Vẫn theo Giáo sư Carl Thayer, hành trình sẽ không hoàn toàn thuận lợi cho ông Tô Lâm, vì ông không nhận được ủng hộ cao của giới lãnh đạo cấp cao và của Quốc hội. Với bằng chứng là, trong cuộc bỏ phiếu đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn năm 2023, ông Tô Lâm có số phiếu “tín nhiệm cao” khá thấp, và số phiếu “tín nhiệm thấp” cao nhất, trong số 6 uỷ viên Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, ông Lâm bị đánh giá là một ứng viên gây chia rẽ trong Đảng.

Đó là chưa kể tới việc, gần đây, nhiều tin đồn cho rằng, quân đội đang gây sức ép để thanh tra Tập đoàn Xuân Cầu Holdings của em trai ông, do liên doanh với với Công ty CityLand – một sân sau của các tướng lĩnh quân đội.

Tuy nhiên, với một hệ thống chính trị độc quyền, khi Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ Đảng không được những người Cộng sản coi trọng, thì vẫn luôn có những bất ngờ ngoài sức tưởng tượng./.

 

Trà My – Thoibao.de