2 thất bại lớn liên tiếp của Tổng Bí thư Tô Lâm cho thấy điều gì?

Ngày 30/12, tại Hà Nội, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị, về tổ chức bộ máy các ban của Đảng. Đã có 13 cơ quan ban Đảng, đơn vị ở Trung ương hoàn thành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Đáng chú ý, đã không còn sự tồn tại của 2 ban quan trọng, đó là, Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Kinh tế Trung ương. Đối với Ban Tuyên giáo Trung ương, theo dự kiến sẽ được sáp nhập vào Ban Dân vận, với lý do có chức năng và nhiệm vụ tương đồng.

Việc Ban Kinh tế Trung ương không còn tồn tại lại là điều khá bất ngờ, vì trước đó, vào ngày 9/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định như “đinh đóng cột” rằng, “Ban Kinh tế Trung ương phải tồn tại để đảm bảo Việt Nam không vướng vào nguy cơ tụt hậu và chệch hướng phát triển chủ nghĩa xã hội”.

Việc Tổng Bí thư Tô Lâm trước đó đã khẳng định, phải giữ lại Ban Kinh tế Trung ương và nay đã bất thành. Theo giới phân tích đây là một thất bại không hề nhỏ của ông Tô Lâm. Và đây cũng là lần thứ 2 liên tiếp, ý kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm không thuyết phục được Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

Trước đó, tại Hội nghị Trung ương bất thường ngày 25/11, theo giới thạo tin, Ban Chấp hành Trung ương cũng đã bác bỏ danh sách đề nghị bầu bổ sung thêm 2 ủy viên Bộ Chính trị Khóa 13 còn trống, của Tổng Bí thư Tô Lâm. Điều vừa kể đã cho thấy quyền lực và uy tín của ông Tô Lâm đã suy giảm nghiêm trọng.

Việc Tổng Bí thư Tô Lâm quyết định duy trì Ban Kinh tế Trung ương, và bổ nhiệm ông Trần Lưu Quang làm Trưởng ban được xem là một bước đi chiến lược. Đây là một bước đệm ngắn nhất, nhằm đưa ông Trần Lưu Quang vào Bộ Chính trị.

Theo giới thạo tin, ông Trần Lưu Quang là “con bài dự phòng” của ông Tô Lâm, để chuẩn bị cho chức Thủ tướng Chính phủ, trong trường hợp ông Phạm Minh Chính bị thay thế.

Đáng chú ý, ông Trần Lưu Quang có mối quan hệ gia đình rất gần gũi với ông Tô Lâm. Điều này cho thấy sự toan tính trong việc sắp xếp nhân sự cấp cao của Tổng Bí thư Tô Lâm đã bị phá sản.

Việc ông Tô Lâm liên tiếp đưa các tay chân thân tín vào những vị trí chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo, đã gây ra sự phản đối, làm gia tăng cạnh tranh giữa các phe phái trong nội bộ của Đảng. Điều này có thể dẫn đến những biến động khó lường trong Đảng trong thời gian tới đây.

Giới phân tích quốc tế cho rằng, sau khi trở thành Tổng Bí thư vào tháng 8/2024 cho đến nay, vị thế quyền lực của ông Tô Lâm trong nội bộ đã trải qua những biến động đáng kể.

Việc Tổng Bí thư Tô Lâm, vào tháng 10/2024,  đã phải chấp nhận từ bỏ chức Chủ tịch nước, để nhường cho Đại tướng Lương Cường – một tướng lĩnh cấp cao của phe quân đội, đã cho thấy sự suy giảm về ảnh hưởng của ông Tô Lâm trong nội bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng.

Mặc dù ông Tô Lâm có tham vọng cải cách rất lớn, nhưng đang gặp nhiều thách thức, và sự chống đối từ phe “bảo thủ” thân Bắc Kinh, và các nhóm lợi ích.

Những người kiên định với con đường chủ nghĩa xã hội cáo buộc ông Tô Lâm lợi dụng danh nghĩa cải cách, để củng cố quyền lực cá nhân, và cho rằng, việc cải cách thể chế có thể làm lệch hướng của Đảng Cộng sản khỏi mục tiêu ban đầu.

Điều đó đã tạo nên sự thiếu đồng thuận trong Đảng. Do vậy, việc triển khai các chính sách cải cách đang bế tắc, do trở ngại từ trong bộ máy do chính ông Tô Lâm lãnh đạo.

Ngoài ra, sự phản đối từ các nhóm lợi ích và phe phái trong Đảng, đang ảnh hưởng tới việc tinh gọn bộ máy nhà nước. Điều đó có thể gây ra tình trạng “tê liệt” ngắn hạn về thủ tục hành chính, và sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

 

Trà My – Thoibao.de