Trong những ngày cuối năm 2024, truyền thông nhà nước rầm rộ đưa tin, kể từ 1/1/2025, nhiều lỗi vi phạm giao thông sẽ bị tăng mức phạt hàng chục lần. Theo Nghị định số 168 mới ban hành, nhiều lỗi bị phạt tăng rất nặng, chẳng hạn như: ô tô vượt đèn đỏ phạt từ 18 đến 20 triệu, xe máy phạt từ 4 đến 6 triệu…
Công luận cho rằng, việc tăng tiền phạt ở mức cao sẽ tăng tính răn đe, hạn chế được vấn đề vi phạm luật giao thông của người dân. Tuy nhiên, chính sách vừa kể của Bộ Công an vẫn mang nặng tính “lợi ích nhóm”. Điều đó đã tạo điều kiện tăng thu nhập cho lực lượng Cảnh sát giao thông quá rõ rệt.
Theo Hiến pháp Việt Nam năm 2013 (sửa đổi), Việt Nam là một “Nhà nước của dân, do dân và vì dân”. Theo đó, Nhà nước Việt Nam được tổ chức và hoạt động trên cơ sở nguyên tắc “tất cả vì lợi ích của nhân dân”. Mọi chính sách, pháp luật và hành động của nhà nước đều nhằm đáp ứng quyền lợi và nhu cầu cao nhất của nhân dân.
Tuy nhiên trên thực tế, công luận thấy rằng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước không được thực hiện đầy đủ và nghiêm túc. Mới đây nhất, chính quyền Việt Nam tăng mạnh mức phạt đối với các vi phạm Luật Giao thông Đường bộ đã cho thấy điều đó.
Giới phân tích trong nước và quốc tế đã bày tỏ lo ngại về việc tăng mức phạt cao gấp 3 đến 4 lần mức thu nhập hàng tháng của một người lao động. Điều đó có thể dẫn đến tình trạng lạm quyền hoặc tham nhũng trong lực lượng thực thi pháp luật, nếu không có cơ chế giám sát chặt chẽ.
Đáng chú ý, công luận băn khoăn, theo Nghị quyết ngày 10/11/2023 được Quốc hội thông qua, Bộ Công an được hưởng 85% số tiền thu từ xử phạt vi phạm trong lĩnh vực an toàn giao thông, còn 15% còn lại dành cho các địa phương để chi cho các lực lượng khác.
Việc coi số tiền phạt như một nguồn doanh thu có thể dẫn đến tình trạng lạm quyền, và không tập trung vào mục tiêu nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân.
Đây là điều có thể tạo ra động lực cho lực lượng cảnh sát giao thông chỉ tập trung vào việc phạt tiền hơn là đảm bảo an toàn giao thông cho xã hội.
Khi tiền phạt quá cao thì người vi phạm càng có xu hướng đút lót cho cảnh sát giao thông và ở phía ngược lại cảnh sát giao thông cũng càng dễ thỏa hiệp với người vi phạm. Như thế thì càng làm tăng mạnh tệ nạn tham nhũng, hối lộ.
Trong khi từ lâu nay, các hành vi tiêu cực trong ngành công an Việt Nam đã và đang có chiều hướng gia tăng, cho thấy sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức trong ngành. Tình trạng “mua quan, bán chức” trong ngành công an đã và đang diễn ra phổ biến, tràn lan.
Từ đó đã dẫn đến việc nhiều cá nhân thiếu năng lực và đạo đức nhưng vẫn được nắm giữ vị trí quan trọng. Điều này không những chỉ làm giảm uy tín của ngành mà còn gây mất lòng tin trong nhân dân.
Công luận thấy rằng, việc tăng mức phạt vi phạm giao thông cần phải được xem xét kỹ lưỡng, đảm bảo tính minh bạch và công bằng, tránh lợi ích nhóm để tạo ra những hệ lụy không mong muốn trong việc thực thi pháp luật và quản lý xã hội.
Tổng Bí thư Tô Lâm trên cương vị Bộ trưởng Bộ Công an trước đây thường xuyên bị chỉ trích là một lãnh đạo thiếu gương mẫu, thiếu nhất quán giữa lời nói và hành động. Việc ông Tô Lâm kêu gọi tiết kiệm và chống lãng phí. Nhưng trước đó, vào năm 2021, ông từng bị chỉ trích vì ăn món bò dát vàng, ở London, Anh Quốc, là một ví dụ điển hình.
Điều này đã phản ánh sự thiếu gương mẫu từ lãnh đạo cấp cao trong Bộ Công an, và dẫn đến tình trạng “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Đáng lo ngại hơn đó là, xu hướng công an trị đã và đang chi phối hệ thống tư pháp. Từ đó đã ảnh hưởng đến tính công bằng và minh bạch của hệ thống pháp luật.
Trà My – Thoibao.de