Ngày 31/12, RFA Tiếng Việt có bài bình luận: “Chuyến đi “chữa lành” thất bại của Phạm Minh Chính” của Nam Việt.
Theo đó, tác giả cho hay, Mùa Giáng Sinh 2024, báo chí nhà nước rầm rộ đưa hình ảnh và tin tức Thủ tướng Phạm Minh Chính đi thăm giáo dân Công giáo ở Lào Cai, như thể hiện rằng nhà nước rất quan tâm, gần gũi và thiện chí với các sinh hoạt tôn giáo. Chuyến đi của ông Chính được đặc biệt quảng bá rầm rộ, vào lúc những lời lên án của Ủy ban Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, đang ngày càng gay gắt với các chứng cứ tồi tệ từ Việt Nam.
Tác giả dẫn lời Thủ tướng Chính, nhấn mạnh với các tu sĩ và đại diện cho giáo dân của Lào Cai, ngày 22/12: “mong các linh mục, chức sắc, chức việc, tu sĩ tiếp tục tinh thần “kính Chúa yêu nước”, đạo pháp gắn liền với dân tộc, đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước”. Và quan trọng, ông Chính nói, và được các báo cẩn thận ghi lại không sót một chữ nào, là “Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới tất cả các tôn giáo, bảo đảm quyền tự do tôn giáo, bình đẳng giữa các tôn giáo.”
Theo tác giả, chuyện ông Phạm Minh Chính vào vai đi “chữa lành” cho nhà cầm quyền, được yểm trợ rầm rộ bởi báo chí nhà nước, và mọi thứ nhanh chóng trở thành đòn “phản công” các hồ sơ tố cáo của thế giới.
Một ngày sau, 23/12, khi ông Chính rời Lào Cai, hàng hàng lớp lớp cờ đỏ sao vàng được hạ xuống, trong mục đích không để chính quyền lép vế trước hình ảnh Công giáo, báo Công an Nhân dân lập tức lên bài “Lễ Giáng sinh – minh chứng sinh động bác bỏ những cáo buộc về tự do tín ngưỡng, tôn giáo”.
Tác giả Nam Việt trích dẫn báo Công an Nhân dân, cho biết: “mặc dù Việt Nam đã có những thành tựu to lớn trong đảm bảo nhân quyền và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, song bất chấp sự thật này, nhiều tổ chức quốc tế không có thiện chí với Việt Nam đã đưa ra những cáo buộc vô căn cứ. Những cáo buộc này không chỉ gây tổn hại đến uy tín, mà còn làm sai lệch nhận thức của cộng đồng quốc tế về tình hình nhân quyền, tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam.”
Tác giả cho rằng bài báo hết sức đơn điệu, một giọng, khi lặp lại đúng văn bản mà đại diện của Hà Nội đã trình bày trước Liên Hợp Quốc. Bài báo lên án các thế lực không ưa thích Việt Nam đã “gieo nên định kiến, ác cảm của đồng bào tôn giáo đối với chính quyền. Từ đó kích động gây rối, làm mất ổn định chính trị – xã hội, gây mất đoàn kết lương – giáo, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc…”.
Hà Nội luôn đánh trống khua chiêng, nói mình có tự do tôn giáo và ứng xử đúng luật, văn minh. Nhưng cũng không có quốc gia nào như Việt Nam, đã một năm trôi qua, kể từ ngày Tổng Giám mục Marek Zalewski đến Việt Nam chính thức nhận nhiệm vụ Đại diện thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam, với tư cách như đại sứ ngoại giao của Vatican tại Việt Nam. Hà Nội vẫn lờ đi chuyện trao trả Tòa Khâm Sứ để Vatican hoạt động chính thức. Giống như vị khách không mời tự đến, và không ai giữ chân, Tổng Giám mục Marek Zalewski vẫn đang phải tạm trú tại khách sạn Pan Pacific Hà Nội cho đến nay để chờ ý kiến của nhà cầm quyền. Quả là không có mối quan hệ ngoại giao nào trên thế giới lại vô trách nhiệm và thô bỉ đến vậy.
Tác giả nhắc lại, chuyến đi “chữa lành” của Chính đã làm rực lên một khẳng định rằng “quan hệ Việt Nam – Tòa thánh Vatican những năm qua tiếp tục phát triển tích cực, tốt đẹp và đang được tiếp tục thúc đẩy”. Nhưng thật không hiểu nổi, phía sau nụ cười tươi của ông Chính, thái độ hằn học đang diễn ra khắp nơi trên đất nước, với người Công giáo miền xuôi lẫn miền Thượng, cùng cú phớt lờ trịch thượng với người đại diện của Vatican, cho thấy mọi thứ quả chỉ là đắp vá, cố chữa lành tạm thời cho miếng rách quá lớn, và không cứu nổi sự thật về dã tâm của Hà Nội.
Minh Vũ – thoibao.de