Bắt luật sư Trần Đình Triển thể hiện sự leo thang đàn áp những tiếng nói đóng góp xây dựng đất nước

Ngày 11/6, VOA Tiếng Việt bình luận “Bắt giam luật sư Trần Đình Triển, Việt Nam tỏ rõ “không chấp nhận tiếng nói chỉ trích, phản biện”’.

VOA cho biết, Ủy ban Luật gia Quốc tế (ICJ) đã bày tỏ sự “quan ngại”, về việc luật sư Trần Đình Triển đã bị chính quyền Việt Nam bắt giam, với tội danh quy định theo Điều 331.

Như VOA đã đưa tin, Bộ Công an Việt Nam hôm 8/6 loan tin rằng, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã bắt giam luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, với tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”.

VOA dẫn truyền thông nhà nước cho hay, luật sư Trần Đình Triển bị bắt cùng ngày với nhà báo tự do Trương Huy San, và 2 ông bị khởi tố cùng tội danh. Theo đó, Công an Việt Nam cho rằng, ông Triển và ông San, hay còn gọi là blogger Huy Đức, đã “đăng tải các bài viết trên mạng xã hội, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

VOA cũng dẫn bình luận từ một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ, bày tỏ qua email:

“Chúng tôi thường xuyên kêu gọi Việt Nam tôn trọng và bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người tại Việt Nam, phù hợp với các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của mình, và trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ bất công.”

VOA tiếp tục dẫn ý kiến của trang Jurist.org – tạp chí của các sinh viên luật quốc tế, viết hôm 9/6:

Điều 331, một điều luật an ninh quốc gia thường bị chỉ trích vì bản chất quá rộng của nó, cho phép chính quyền thực hiện kiểm duyệt toàn diện đối với những người chỉ trích Chính phủ.”

“Trên toàn cầu, các tổ chức phi chính phủ và tổ chức giám sát đã bày tỏ mối quan ngại về sự suy thoái của quyền tự do báo chí ở Việt Nam, vì Điều 331 và chính quyền mới, hiện do cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm lãnh đạo, sau khi ông được thăng chức Chủ tịch nước vào tháng rồi.”

Uỷ ban Luật gia Quốc tế hôm 10/6 tái khẳng định rằng, Điều 331 phải bị “bãi bỏ hoặc sửa đổi một cách đáng kể, vì nó không phù hợp với quyền tự do ngôn luận”.

Theo VOA, hồi tháng 5/2024, chính phủ các quốc gia phương Tây, bao gồm cả Mỹ và Anh, bày tỏ quan ngại về các hình phạt hình sự, đối với việc thực hiện quyền tự do ngôn luận Việt Nam, đồng thời khuyến nghị Hà Nội sửa đổi các điều luật 331, 117 của Bộ Luật Hình sự.

VOA dẫn quan sát của luật sư Đặng Đình Mạnh, người đang tị nạn chính trị tại Mỹ, sau khi bị chính quyền cáo buộc theo Điều 331, hồi tháng 6/2023. Luật sư Mạnh cho rằng:

“Khoảng 3 năm trở lại đây, chính quyền tăng cường bắt bớ tất cả những người đã từng lên tiếng chỉ trích, phê bình, phản biện về thực trạng đất nước, về chính sách, về các hoạt động tư pháp…”

Tương tự, VOA dẫn nhận định của luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân, đang sinh sống tại Mỹ: “Đó là điều rất tệ, thể hiện sự leo thang của chiến dịch đàn áp các tiếng nói đóng góp để xây dựng đất nước”.

Bên cạnh đó, VOA dẫn Facebook của luật sư Trần Đình Minh Long – con trai luật sư Triển:

“Bố tôi luôn luôn hiểu rõ rủi ro, khi chọn cho mình là một luật sư đứng lên bảo vệ lẽ phải, chống tham nhũng, tiêu cực, và bảo vệ những người yếu thế trong xã hội.”

Việc bắt giữ nhà báo Trương Huy San và Luật sư Trần Đình Triển là “một dấu hiệu rất đáng lo ngại”, luật sư Quân nhận định. “Trước đây thì chính quyền bắt các tiếng đối lập còn bây giờ là chính các tiếng nói góp ý chân thành từ những người trong hệ thống, góp ý cho chính Đảng và Nhà nước tốt hơn cũng bị bắt”.

Luật sư Long chia sẻ:

“Tôi và các đồng nghiệp có những khi đùa vui với nhau rằng, với Điều 331 thì ở Việt Nam, có lẽ ai cũng là “tù nhân dự khuyết”. Tuy chỉ là những câu nói đùa vui, nhưng bản thân tôi và những người khác đều cảm nhận được sự chua xót lặng thầm sau những câu nói tâm sự đó.”

 

Minh Vũ – thoibao.de