“Thiên nhiên hoang dã” trong lòng Đảng!

Chiều ngày 20/6, ông Nguyễn Phú Trọng tiếp ông Putin, trong tình trạng sức khỏe rất tệ. Ông không thể đứng lên được, mà chỉ có thể ngồi một chỗ, cơ thể nhiều dấu hiệu phù nề, có thể do dùng quá nhiều thuốc. Nguồn tin riêng cho chúng tôi biết, các bác sĩ Trung Quốc đang tìm mọi cách để ông kéo dài sự sống, được ngày nào hay ngày đấy, cho nên, cơ thể của ông được tiêm đủ loại thuốc, khiến con người ông như một quả cầu nước, trông rất vô hồn.

Năm ngoái, ông Trọng còn ráng gượng sức đi đón Tổng thống Mỹ Joe Biden, rồi đến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Mặc dù lúc ấy, ông chỉ có thể “cà lết”, nhấc từng bước nặng nề, nhưng dù sao vẫn còn đủ khả năng để tự di chuyển, khá hơn bây giờ rất nhiều.

2 lần xuất hiện gần đây nhất qua truyền thông, ông chỉ xuất hiện dưới dạng hình ảnh, không xuất hiện dưới dạng clip. Tại Hội nghị Trung ương 9, ông đã có vẻ hốc hác, teo tóp. Nhưng ở lần xuất hiện sau đó khoảng 1 tháng, trong cuộc họp với các “lãnh đạo chủ chốt”, ông Trọng có khuôn mặt ứ nước, bệu bạo. Gần đây nhất là lần tiếp đón ông Putin, ông Trọng thậm chí không thể đứng dậy được, và cũng không thể ngồi thẳng lưng như trước đây.

Trong lịch sử Việt Nam, từng có một ông vua, vì mắc bệnh kín rất nặng, đến mức không ngồi được, tại các buổi chầu, ông phải nằm mà thị triều, cho nên, dân gian mới đặt cho tục danh là Lê Ngọa triều. Đấy là vua Lê Long Đĩnh, vị vua cuối cùng của nhà Tiền Lê.

Ngày xưa, ngôi vua được mặc định là suốt đời, cho nên, dù có phải nằm giường bệnh, dù không thể ngồi được, thì vẫn là vua. Nhưng thời nay, đã không còn chế độ quân chủ chuyên chế, Việt Nam tự nhận là theo mô hình nhà nước cộng hòa, tức là, người lãnh đạo cao nhất của chính quyền chỉ ngồi ghế theo nhiệm kỳ, mà không phải ngồi suốt đời.

Ghế Tổng Bí thư là vị trí cao nhất trong Đảng cầm quyền, và được quy định trong Đảng luật hẳn hoi, là không quá 2 nhiệm kỳ, không được quá 65 tuổi khi ứng cử, và phải đảm bảo sức khỏe để đảm đương cương vị lãnh đạo. Tất cả những quy định này nhằm ngăn cản một ông Tổng Bí thư trở thanh vua trong Đảng. Nhưng rồi, ông Trọng đã đạp đổ tất cả.

Một người tự cho phép mình đứng trên luật, đu bám ghế quyền lực mãi không chịu buông, trong khi, cả Trung ương Đảng với gần 200 người và 15 người [trừ Tổng Trọng] trong Bộ Chính trị, không một ai buộc được ông già tham quyền cố vị này phải rời ghế, để người trẻ hơn thay thế.

Rõ ràng, cái chính quyền tự xưng là “pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa” này, như là một tổ chức ô hợp không tôn trọng luật lệ. Một tổ chức vận hành theo quy luật của loài thú hoang dã, chỉ có “mạnh thắng yếu thua”.

Từ một Tổng Bí thư thiết lập luật chơi theo kiểu “thiên nhiên hoang dã” như thế, nên một thế lực mới, vốn là tay chân của vị Tổng Bí thư kia, muốn ngoi lên thì cũng dựa theo quy luật của kẻ mạnh. Do đó, Tô Lâm muốn ngoi lên thành thế lực mạnh nhất, thì phải tấn công, phải cắn xé đối thủ, để mình thành kẻ chiến thắng.

Có thể ví ông Trọng như con sư tử già sắp chết, nhưng vì sư tử là loài nằm trên đỉnh của chuỗi thức ăn, nên chẳng loài nào khác dám loại bỏ con sư tử già kia. Đấy là bi kịch cho một dân tộc, khi phải chịu sự lãnh đạo của một Đảng cầm quyền, gồm những cá nhân lãnh đạo như thế. Đảng luôn tự tô vẽ mình như là tổ chức chính trị siêu việt, nhưng lại vận hành không theo quy luật của xã hội văn minh.

Hiện nay, các thế lực nói chung, bao gồm cả thế lực của Tô Lâm, cũng đang hóng tin, chờ chúa tể sơn lâm chết đi để nhảy vào trám chỗ trống.

Với thần sắc hiện nay, có lẽ, ngày “quốc tang” cho Tổng Bí thư sẽ không còn xa. Đến khi đó, các thế lực lại cắn xé nhau đến mức “sống – chết”, để chiếm lấy vị trí thống lĩnh, như trên vùng thảo nguyên châu Phi xa xôi.

Một bức tranh hoang dã bên trong tổ chức chính trị cầm quyền ở Việt Nam.

 

Trần Chương – Thoibao.de