Dư luận xung quanh việc Bộ Công an đề xuất giảm mức phạt nồng độ cồn

Ngày 13/8, RFA Tiếng Việt bình luận “Sao Bộ Công an phải đề xuất giảm tiền phạt về mức nồng độ cồn?”.

Theo đó, trong dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính, về trật tự an toàn giao thông, trong lĩnh vực giao thông đường bộ, vừa công bố, Bộ Công an đề xuất giảm tiền xử phạt vi phạm nồng độ cồn mức 1, đối với người điều khiển ôtô, môtô, xe máy chuyên dùng, được đưa ra sau khi Bộ Công an tiếp nhận ý kiến của một số bộ, ngành và người dân.

Cụ thể, Bộ Công an cho biết, dự kiến hạ mức phạt vi phạm nồng độ cồn, với người lái xe ô tô từ 6 – 8 triệu đồng, xuống còn 800.000 – 1 triệu đồng. Người điều khiển các phương tiện khác, nếu vi phạm nồng độ cồn cũng có mức phạt giảm đáng kể.

RFA dẫn nhận định của Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, nhận định:

“Vừa rồi Bộ Công an đưa ra đề xuất hạ mức phạt của hành vi có nồng độ cồn theo hướng dễ thở hơn so với trước. Tôi thấy điều này làm dư luận rất quan tâm.”

“Dự thảo này cũng bổ sung quy định điểm trừ vào giấy phép lái xe, đối với tất cả hành vi vi phạm nồng độ cồn, tức là đưa ra thêm một chế tài.”

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, đề xuất giảm mức phạt vi phạm nồng độ cồn, cần phải tham khảo thêm ý kiến của người dân, và có thể điều chỉnh cho phù hợp.

Luật sư Hậu cho biết thêm:

“Tôi nghĩ, cũng rất khó có chuyện người điều khiển xe sẽ chủ quan, vì rõ ràng vẫn bị phạt. Vấn đề không phải là phạt nhiều hay ít, mà là sự bất tiện khi bị giữ giấy phép lái xe. Chưa kể, bây giờ còn bị thêm điểm trừ của giấy phép lái xe. Tôi cho rằng, trừ điểm giấy phép lái xe hiệu quả hơn là phạt tiền.”

RFA cho hay, Bộ Công an giải thích thêm với báo chí nhà nước rằng, đề xuất giảm tiền xử phạt vi phạm nồng độ cồn mức 1, đối với người điều khiển giao thông, vì có nhiều ý kiến và Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo, một người đàn ông khỏe mạnh uống 1 ly rượu trong vòng 1 giờ, thì nồng độ cồn đo được dưới mức 0,35mg/lít khí thở và dưới 50mg/ml máu. Các nghiên cứu khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, lượng nhỏ rượu bia có thể không gây ảnh hưởng quá lớn đến khả năng lái xe.

RFA dẫn ý kiến của một lái xe ở Hà Nội, cho biết:

“Theo tôi nghĩ, giảm như thế là hợp lý. Vì người dân có khi ban ngày đi làm mệt mỏi, tối về đi uống cốc rượu, cốc bia cho nó giãn xương, giãn cốt… nhưng sáng hôm sau đi làm vẫn có một tí nồng độ cồn.”

RFA cũng dẫn lời một cựu Đại úy Công an, nêu vấn đề, Công an quản lý và thao túng tất cả, về kinh tế xã hội có phát triển hay không?

“Chính phủ đã sử dụng Bộ công an để điều chỉnh vấn đề này. Như đã thấy, tất cả ngành nghề kinh tế bây giờ sụp hết, phá sản nhiều. Vấn đề nồng độ cồn đã kéo theo vấn đề kinh doanh rượu, bia, ăn nhậu sẽ bị đình trệ, kinh tế không phát triển. Vì họ đã đưa nồng độ cồn về tuyệt đối bằng 0. Nếu không sẽ bị phạt rất nặng, điều này đã làm thay đổi cả một nền kinh tế” – vị cựu Đại uý Công an nhận định dưới một góc nhìn khác.

RFA trích dẫn bài viết hồi tháng 9/2023 của một hãng tin quốc tế, cho rằng, việc người Việt uống rượu bia ít hơn, đã ngay lập tức tác động tới những thương hiệu lớn. Đơn cử, nhà sản xuất bia lớn nhất Việt Nam là Heineken đã giảm dự báo doanh thu năm 2024 tại Việt Nam, của hãng này. Hãng bia cũng cho biết, hơn một nửa mức giảm tiêu thụ bia của hãng, trong nửa đầu năm 2023, là từ thị trường Việt Nam và Nigeria.

 

Hoàng Anh – thoibao.de