Tội sử dụng bằng giả của ông Vương Tấn Việt có thể bị truy cứu hình sự

Ngày 16/8, RFA Tiếng Việt bình luận “ Ông Thích Chân Quang đối diện án hình sự nếu sử dụng bằng giả”.

Theo đó, ngày 13/8, Sở Giáo dục Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ông Vương Tấn Việt không có tên trong danh sách dự thi, kỳ thi Tốt nghiệp Bổ túc Văn hóa cấp 3, năm 1989. Ông Việt cũng không có tên trong danh sách cấp bằng Tốt nghiệp cấp 3 Bổ túc Văn hóa, khóa ngày 6/6/1989 của Sở. Điều đó nghĩa là, ông Việt đã sử dụng bằng tốt nghiệp trung học phổ thông giả.

RFA dẫn lời luật sư Đặng Đình Mạnh, từ Hoa Kỳ, cho biết, trước đây, luật pháp Việt Nam quy định xử lý đối với trường hợp người sử dụng bằng cấp giả, theo 2 hướng: Xử phạt vi phạm hành chính từ 30 triệu đến 40 triệu đồng, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo mức độ vi phạm.

Tuy nhiên, theo luật sư Mạnh, hiện nay, luật pháp Việt Nam đã thay đổi. Theo đó, phương cách xử phạt vi phạm hành chính không còn nữa, mà tất cả đều bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự, về “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, theo Điều 341, Bộ luật Hình sự 2015. Tùy theo mức độ vi phạm mà người sử dụng văn bằng giả có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù mức cao nhất lên đến 7 năm.

Hơn nữa, quy chế tuyển sinh và đào tạo đối với trình độ cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ, đều quy định, trong trường hợp học viên có hành vi gian lận trong việc làm hồ sơ, để được cấp văn bằng, chứng chỉ, thì các văn bằng nếu đã được cấp sẽ bị thu hồi, hủy bỏ theo quy định.

Luật sư Mạnh kết luận:

Thế nên, tôi nghĩ, việc ông Vương Tấn Việt, tức Thượng tọa Thích Chân Quang, sử dụng văn bằng tốt nghiệp cấp 3 giả để học đại học, rồi học nghiên cứu sinh, và được cấp học vị tiến sĩ, sẽ buộc phải chịu xử lý như nêu trên, nếu các cơ quan chính quyền xử lý khách quan, tôn trọng pháp luật.”

Cũng theo luật sư Mạnh, việc sử dụng văn bằng giả khá phổ biến trong giới quan chức chính quyền Việt Nam. Thế nên, việc ông Vương Tấn Việt sử dụng bằng cấp 3 giả đã gây sự chú ý, quan tâm rất lớn từ công chúng, là điều dễ hiểu, vì ông Việt là người nổi tiếng với những bài thuyết pháp gây phẫn nộ trong dư luận thời gian gần đây.

“Những yếu tố ấy đã cộng hưởng, khiến sự kiện phát hiện ra văn bằng giả của ông ấy đã trở thành sự kiện hết sức ồn ào, gây chú ý, quan tâm lớn đối với công chúng”, luật sư Mạnh nhận xét.

RFA dẫn nhận định của một luật sư khác, cho rằng, không phải ngẫu nhiên ông Thích Chân Quang trở thành “người được chọn”, để truyền thông, báo chí trong nước phanh phui sai phạm.

Ngoài ông Thích Chân Quang, còn một người nữa là ông Thích Nhật Từ. Ông Nhật Từ có bằng thạc sĩ, tiến sĩ Phật học ở Ấn Độ, nhưng duy nhất, chỉ có ông Quang bị đào xới lại các bằng cấp. Lý do, theo luật sư này, vì ông Quang thu hút được lượng tăng chúng đông đảo, có hệ thống, có ban bệ, và còn được mở rộng ra nước ngoài.

RFA cho biết, trên trang web chính thức của Thiền Tôn Phật Quang – nơi ông Thích Chân Quang làm trụ trì, các đoàn tăng chúng của ngôi chùa này đã có mặt ở hơn 20 tỉnh thành, thậm chí còn mở rộng sang các nước như Singapore, Hàn Quốc…

Ngoài ra, một trong các điều lệ quan trọng của Thiền Tôn Phật Quang, là buộc Phật tử phải phát nguyện lời thề độc, tuyệt đối trung thành với sư phụ của mình. Trang web chính thức của ngôi chùa ghi rõ:

“Khi phẩm chất trung thành tuyệt đối hiện ra rồi, thì có 2 tư tưởng, quan điểm nổi lên. Một là, đời này là của Phật pháp, của sư phụ. Hai là, bất cứ cái gì của mình, từ vật chất đến tinh thần hay công lao, đều là của Phật pháp và của sư phụ.”

 

Quang Minh – thoibao.de