Liệu Tô Tổng có làm nên cuộc lột xác cho Việt Nam hay không?

Ngày 18/8, báo Tiếng Dân đăng bài bình luận “Việt Nam đang có tiền đề tốt để thực hiện cuộc lột xác” của tác giả Trần Văn Chánh.

Theo tác giả, đã xuất hiện tiền đề cho một cuộc lột xác ở Việt Nam.

Đó là, qua cuộc thanh trừng nhân sự khốc liệt thời gian qua, mọi sự thật đều đã được phơi bày một cách công khai, cho mọi người cùng biết, về bộ mặt thối nát của phần tử lãnh đạo chóp bu.

Nghĩ theo hướng lạc quan, thì các cuộc thanh trừng vừa qua là tiền đề, khởi đầu cho một cuộc cách mạng lần thứ hai.

Tác giả phân tích, điều chắc chắn là, phái mới lên thay cho phái cũ, đương nhiên cần phải giương ngọn cờ mới để thu phục công chúng. Nếu ngọn cờ là chính nghĩa, nó sẽ như ngọn cuồng phong làm đổ rạp cây cỏ. Ngay cả những phần tử đối lập, dù muốn dù không cũng phải vâng theo.

Một lý do sâu xa nữa, đó là, cho dù có thể đối lập nhau về phương diện lợi quyền, với kinh nghiệm thực tế và lương tri, thì các phe phái đều có chung một nhận thức giống nhau, rằng, Chủ nghĩa Xã hội chẳng qua chỉ là một loại lý tưởng phi hiện thực, nếu không muốn gọi ảo tưởng.

Bằng như ngược lại, nếu phái mới đi theo con đường bất chính, chống lại nhân dân, thì câu trả lời coi như đã có sẵn…

Tác giả nhận xét, tân Tổng Bí thư có lẽ phải tiếp tục “cây tre”, vì ngoại giao uyển chuyển có những khía cạnh rất khôn ngoan. Vấn đề là, “cây tre” sẽ phải uốn éo theo kiểu mới nào cho thích hợp nhất với thời đại, và với quyền lợi của nhân dân. Chính trị là những cái bắt tay bí mật, chứ không phải những lời tuyên bố công khai, nên người ngoài cuộc thường chưa thể đoán định trúng hết mọi điều.

Tác giả cho rằng, cuộc đảo chính cung đình đã thực hiện bước đầu thành công.

Nếu nhóm chấp chính đương cuộc hiện nay, muốn làm nên đại cuộc lịch sử, hướng về phía quyền lợi của nhân dân, chứ không chỉ vì để bảo vệ Đảng, thì tự nhiên, họ sẽ có những lựa chọn và kế sách hành động thích hợp.

Tác giả đánh giá, nghĩ theo hướng tốt, một khi thể chế chính trị đã được cải cách, nền dân chủ pháp trị được xây dựng, phát triển vững chắc trên cơ sở thực thi đúng và đủ Hiến pháp, với các quyền tự do dân chủ, thì một khoảng dư địa rộng rãi sẽ được tạo ra, cho xã hội dân sự dần dần thâm nhập một cách tự nhiên.

Đây chính là điều kiện căn bản để phát triển con người và giải phóng mọi công dân, gồm cả cán bộ nhà nước.

Về chuyến thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc của Tổng Bí thư, tác giả nhận định, ông đóng vai trò làm kẻ du thuyết – một nhiệm vụ nặng nề, không hề đơn giản.

Trên phương diện đối ngoại, chọn hướng đúng cũng có nghĩa là chọn hợp tác nhiều hơn với các quốc gia dân chủ tiến bộ, mà Việt Nam cũng đã và đang có chủ trương ngày càng rõ nét. Còn đối với một vài nước, đã lỡ cùng theo chế độ độc tài, vì những lý do ngoắt ngoéo của lịch sử, thì vẫn phải tiếp tục hợp tác về kinh tế, văn hóa, khoa học… để cùng nhau phát triển. Nhưng có lẽ, Việt Nam nên dần dần tách ra, thay vì tiếp tục câu kết nhau, với tư cách đồng chế độ chính trị, để cùng áp bức người dân trong mỗi nước.

Với Trung Quốc, vẫn theo tác giả, Việt Nam thừa khả năng và kinh nghiệm để đối phó thành công trong mọi tình huống, tuyệt đối tránh xung đột bằng bạo lực, để sinh linh của cả 2 bên không bị tàn sát.

Đối với Hoa Kỳ, vấn đề cốt lõi hiện nay là biết khai thác những khía cạnh tương quan quyền lợi giữa các bên, để mang lại lợi ích cho người dân trong nước, đồng thời cũng là chiến lược để tạo nên thế trận cân bằng trong trường ngoại giao quốc tế, vốn đang tồn tại những mối xung đột giữa đôi ba cường quốc tiêu biểu.

Tác giả bình luận, có thể cải cách xã hội theo kiểu một số nước Bắc Âu, nơi có thu nhập đầu người rất cao, và hầu như không có tham nhũng, không có nhà tù.

Nên phóng thích ngay tất cả các tù nhân chính trị, những người bất đồng chính kiến đang bị giam giữ, nhằm tạo ra một bầu không khí mới, tạo lòng tin đối ngoại với một số nước văn minh phương Tây, thu hút mạnh đầu tư, đồng thời kích thích tinh thần hòa giải, hòa hợp, đoàn kết dân tộc.

Tác giả kết luận, cần giải quyết rốt ráo những vấn đề khó khăn của đất nước, trong đó có quốc nạn tham nhũng, chủ yếu bằng con đường cải cách chính trị, chứ không phải chỉ bằng trừng phạt theo kiểu “đốt lò”, vì dễ phát sinh hiệu ứng phụ, gây mất đoàn kết nội bộ, như đã thấy.

 

Hoàng Anh – thoibao.de