Vụ án Hồ Duy Hải có được mở lại, khi Toà án tối cao có Chánh án mới?

Ngày 28/8, RFA Tiếng Việt đặt vấn đề, “Thay Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, liệu vụ án Hồ Duy Hải có được “lật” lại?”.

Theo đó, hơn 91% đại biểu Quốc hội đã bấm nút, bầu ông Lê Minh Trí giữ chức Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, thay ông Nguyễn Hòa Bình, tại kỳ họp Quốc hội bất thường chiều 26/8. Ông Trí từng có hơn 8 năm làm Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

RFA cho biết, một số nhà quan sát nhận định, khi trở thành người đứng đầu ngành tòa án, có thể, ông Trí sẽ cho mở lại vụ án Hồ Duy Hải – được coi là một vụ án oan, vì không đủ chứng cứ kết tội. Hơn nữa, năm 2020, ông Trí từng lên tiếng rằng, vụ án còn có nhiều sai sót, và chứng cứ chứng minh chưa chặt chẽ.

Lúc bấy giờ, ông Trí khẳng định, cần thiết phải yêu cầu kháng nghị huỷ các bản án sơ thẩm, phúc thẩm, để điều tra lại, xem có tội hay không có tội một cách thận trọng, khách quan và đảm bảo bảo vệ tính mạng của người dân…

RFA dẫn phân tích của luật sư Đặng Đình Mạnh:

Khi một người đã từng có quan điểm cho rằng Hồ Duy Hải vô tội, trở thành người lãnh đạo cao nhất của ngành tòa án, thì điều đó có tạo nên sự khác biệt gì cho vụ án? Về thủ tục, điều này hoàn toàn khả thi. Vì lẽ, với cương vị Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, ông Lê Minh Trí vẫn có quyền kích hoạt thẩm quyền của mình, tham chiếu theo điều 404 Bộ luật Tố tụng Hình sự, yêu cầu Hội đồng Thẩm phán xem xét lại quyết định Giám đốc thẩm bác kháng nghị trước đây.”

“Trong thực tế, việc “lật” lại một quyết định đã từng được thông qua với tỷ lệ 100% (17/17) không hề dễ dàng.”

Theo luật sư Mạnh, đối với một vụ án vốn đã thu hút sự quan tâm rộng rãi của công chúng, việc ông Trí trở thành người lãnh đạo cao nhất của ngành tòa án, chỉ mới là yếu tố cần thiết. Ông Mạnh nói:

Cái cần là yếu tố quyết định thì không hẳn nằm ở pháp đình, nó nằm ở Ba Đình, nơi vừa có một lãnh đạo mới và ông ấy mới là người quyết định.”

Hồ Duy Hải bị kết án tử hình về các tội “giết người, cướp tài sản” tại Bưu cục Cầu Voi, tỉnh Long An, năm 2008, với bằng chứng là con dao và cái thớt được các điều tra viên mua ngoài chợ. Không chỉ Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí có yêu cầu kháng nghị, mà trước đó, ngày 20/1/2015, bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, cũng có bản kiến nghị về việc xem xét kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải.

RFA dẫn lời luật sư Nguyễn Văn Miếng:

“Bây giờ, nếu như ông Trí lật lại vụ án này, thì trước hết phải có sự đồng ý của ông Tô Lâm.”

“Theo tôi, để củng cố vị trí của mình trong lòng dân, ông Lê Minh Trí nên lật lại vụ án này, và nếu ông Tô Lâm muốn lấy lại được lòng dân, thì ông Tô Lâm nên để cho ông tân Chánh án Lê Minh Trí thực thi quyền của mình, theo quy định của pháp luật.”

RFA nhắc lại, vụ án Hồ Duy Hải là một vụ án hình sự được dư luận trong và ngoài nước quan tâm đặc biệt. Hơn 2 tháng sau ngày 2 nhân viên Bưu cục Cầu Voi bị sát hại, nghi phạm Hồ Duy Hải bị bắt. Sau đó, Hồ Duy Hải bị kết án tử hình về tội giết người, dù những chứng cứ đưa ra không thuyết phục. Gia đình Hồ Duy Hải liên tục kêu oan từ đó đến nay.

RFA dẫn nhận định của luật sư Nguyễn Văn Hoà, thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội, cho rằng, có lẽ, các cơ quan chức năng cũng thừa biết sự oan sai trong các vụ án này:

Tôi thấy rằng là cơ quan chức năng họ cũng đang rất là ngại và sợ trách nhiệm. Cho đến giờ phút này, đã có ai dám quyết định thi hành bản án tử.”

 

Ý Nhi – thoibao.de