Bỉ và Việt Nam cách nhau bao xa, trong những khía cạnh khác nhau?

– Nguyễn Hoàng Hải –

Về khía cạnh địa lý, Bỉ và Việt Nam cách nhau chừng 9000 km, do đó về mặt thời gian, muốn di chuyển từ Bỉ về Việt Nam hoặc ngược lại mất chừng từ 13 đến 17 tiếng đồng hồ bằng máy bay.

Áo dài Việt Nam chuyển bằng máy bay từ Việt Nam sang Bỉ mất chừng 5-7 ngày. Thư chuyển phát nhanh mất 1 ngày.

Đồng tiền ở Bỉ là Euro, chuyển về Việt Nam qua ngân hàng mất 1 tuần, nhưng giờ có những dịch vụ chuyển tiền hiện đại cho phép thời gian rút xuống còn 1 ngày hay thậm chí là cùng ngày.

Nói thế để thấy rằng khoảng cách giữa Bỉ và Việt Nam không quá xa.

Thế nhưng sự khác biệt trong lối sống và nếp tư duy thì sao?

Trưóc tiên nói về tác phong trong việc kêu cứu. Ở Bỉ, khi xảy ra lũ lụt hồi năm 2021 tại thành phố Liege – Bỉ, người dân gọi điện cầu cứu thông qua tổng đài số khẩn cấp 1722 hoặc 112. Theo quan sát của người viết thì trong trận lũ vừa qua tại các tỉnh phía bắc Việt Nam, rất nhiều người dân đăng lời cầu cứu lên facebook, thông qua facebook của mình hoặc nhờ người quen người thân đăng hộ.

Mỗi khi có việc gì khó khăn cần giúp đỡ, là người dân Việt Nam nghĩ tới bà con, họ hàng, cộng đồng. Trong khi ở Bỉ, nếu có việc gì khó khăn cần giúp đỡ, thì người dân Bỉ nghĩ ngay tới số cứu thương, số khẩn cấp 101 hay 112.

Về mặt quản trị, thì nhà nước Bỉ có tinh thần nhận trách nhiệm và đảm nhận việc cứu cấp, trợ giúp người dân của mình gặp nạn một cách bài bản với cả một Ban ngành ứng cứu khủng hoảng cùng với nhân viên ăn lương, được đào tạo bài bản chuyên nghiệp cùng máy móc thiết bị chuyên dụng, hiệu quả cao.

Trong khi ở Việt Nam, mỗi khi gặp chuyện gì khó khăn thì nhà nước Việt Nam sẽ kêu gọi cộng đồng, và khuyến khích người dân tự cứu, tự giúp lấy nhau. Rộng ra là tinh thần nhà nước và nhân dân cùng làm, một hình thức đã được áp dụng cho việc xây đường, trường, trạm. Phản ứng của ngưòi dân thì nhanh, nhưng sẽ không chuyên nghiệp và không có dụng cụ thiết bị chuyên dụng, cho nên hiệu quả còn hạn chế, nhất là không đồng bộ. Đặc biệt nguy hiểm là người cứu nạn có khi lại sẽ gặp nạn, theo như trên mạng xã hội là đã có người đi cứu nạn bị chết đuối.

Rất nhiều người Việt có tinh thần cộng đồng, tinh thần thiện nguyện được đóng góp cho cộng đồng, kể cả trong ngày thường lẫn trong những lúc khẩn cấp, thiên tai, nhưng trong lúc thiên tai thì được nhà nước tuyên truyền cổ suý trên các phương tiện truyền thông.

Nhà nước và nhân dân cùng làm là tinh thần ở Việt Nam, nhưng nhân dân mà muốn đăng ký thành lập các tổ chức phi lợi nhuận để có tổ chức, có nhân sự, có quy mô, chặt chẽ hơn thì các tổ chức đó phải chịu sự quản lý, sự chỉ đạo của đảng CSVN.

Đã có ít nhất 2 người dám đứng ra ứng cử độc lập làm đại biểu Quốc hội, nhưng sau đó họ bị bắt và kết án tù. Đó là Nguyễn Thuý Hạnh và Lê Trọng Hùng. Tất nhiên Bộ luật Hình sự Việt Nam chính thức không có tội danh “ứng cử đại biểu quốc hội”, nên họ bị gán ghép cho một tội danh khác.

Không ứng cử Quốc hội, mà mới chỉ phát biểu trên Facebook, Youtube thì đã có nhiều người bị tù đày trên dưới 1000 ngày, có thể kể ra một số youtuber, facebooker nổi tiếng như Nguyễn Phương Hằng , Le Dũng Vova, Nguyễn Lân Thắng v.v.

Ở các nước dân chủ phương Tây, không có ai đi tù vì đưa thông tin sai lệch trên mạng, mà đơn giản là bị phạt bằng tiền, rất nhiều tiền. Ví dụ nổi bật là Alex Jones bị phạt gần 1 tỷ $ tiền bồi thường cho việc đưa thông tin không đúng, sai lệch về vụ nổ súng ở trường tiểu học Sandy Hook năm 2012. Hoặc ví dụvkhác là nữ diễn viên Amber Heard phải bồi thường cho chồng cũ của mình là diễn viên Johnny Deep khoảng 15 triệu $ vì đưa thông tin sai lệch để bôi nhọ.

Tinh thần đóng góp cho cộng đồng không phải chỉ có ở Việt Nam, mà cũng có ở Bỉ.

Đóng góp cho cộng đồng không phải là chỉ mỗi việc làm từ thiện. Rộng ra thì hoạt động chính trị cũng là một hoạt động thiện nguyện, cho đến khi người hoạt động chính trị trở thành một người hoạt động chính trị chuyên nghiệp được trả lương.

Hoạt động cho cộng đồng như các hoạt động văn hoá của người Việt tại Bỉ, theo người viết,
cũng là một hoạt động thiện nguyện và có ảnh hưởng cụ thể đến các cử tri, được cử tri biết đến.

Tinh thần hoạt động thiện nguyện từ hoạt động văn hoá lan đến hoạt động chính trị tại Brussels, thủ đô nước Bỉ, dần dần trở thành một lối tư duy tự nhiên, một nếp sống tự nhiên.

Áp phích tranh cử của 2 ứng cử viên gốc Việt tình cờ được dán cùng một nơi.

Mùa bầu cử năm nay (2024), riêng ở thủ đô Brussels của Bỉ, có ít nhất vài người Việt ra ứng cử mà tôi được biết:

+ Thuc Nhi Tran, ứng cử viên của đảng MR tại phường Ixelles. Bà Nhi là một người có nhiều hoạt động thiện nguyện thông qua tổ chức phi lợi nhuận „Tre Viet“ mà bà sáng lập từ năm 2009, một tổ chức về duy trì văn hoá Việt Nam trong cộng đồng người Việt.

+ Cùng phường Ixelles còn có chị Ngọc Nguyễn là ứng cử viên của đảng Les Engagees.

+ Quynh Iris Nguyen là một phụ nữ gốc Việt, hoạt động thiện nguyện trong tổ chức phi lợi nhuận do bà sáng lập. Bà là ứng củ viên của đảng Les Engagees tại phường Woluwe-Saint-Lambert.

Ngoài ra, những người mà tôi được biết nữa là ở trong đảng Team Fouad. Đây là đảng mới được thành lập trong năm nay do Fouad Ahidar, một người Bỉ gốc Marocaine sáng lập. Đó là 3 ứng cử viên gốc Việt Nam ở phường Jette thuộc thành phố Brussels: Huynh Andy, Nguyen Le Bao Tran và Nguyen My Hanh.

Trong năm 2024 này, tôi còn biết một đảng mới thành lập khác là đảng Voor U do Marta Barandiy, một người Bỉ gốc Ukraina sáng lập.

Việc thành lập một đảng phái chính trị mới như Team Fouad, hay Voor U là một dẫn chứng về sự cởi mở trong hoạt động chính trị ở Bỉ.

Trong danh sách các ứng cử viên chính trị người Bỉ gốc Việt không thể không nhắc đến một người làm chính trị chuyên nghiệp, đó là bà Nguyễn Hằng, đương kim Phó Thị trưởng thành phố Watermael -Boitsfort, bà đã trúng cử trong kỳ bầu cử lần trước năm 2018, bà là ứng cử viên của đảng MR.

Trong một video đăng công khai trên Facebook cá nhân của mình để kêu gọi ủng hộ của cử tri, bà Hằng có nói về chuyện bà sang Bỉ khi mới 4 tuổi cùng với mẹ của bà là bác sỹ nhi đồng ở Việt Nam. Mẹ bà hồi đó đã có một quyết định khó khăn là từ bỏ tất cả, ra đi để cho con (tức là Nguyễn Hằng) có một cuộc sống và tương lai tốt nhất. Bà Hằng cũng nói thêm là khi mới sang Bỉ lúc đầu khó khăn, nhưng sau đó thì gia đình bà được nhận nhà xã hội và được sống đúng nghĩa thay vì là tồn tại. Bà Hằng nói rằng bà biết ơn nước Bỉ về chuyện này, vì vậy bà muốn tiếp tục chính sách giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, nếu bà đắc cử.

Vậy khoảng cách giữa Bỉ và Việt Nam bao xa trong góc nhìn về hoạt động thiện nguyện, hoạt động xã hội, hoạt động chính trị, dựa trên thông tin người viết đưa ra ở đây, thì nếu được hỏi, mỗi người sẽ có câu trả lời riêng, trong đó bao gồm mẹ của Nguyễn Hằng ở Bỉ và Chu Ngọc Quang Vinh ở Việt Nam. Mất bao thời gian hay bao nhiêu thế hệ để làn gió cởi mở trong hoạt động thiện nguyện, hoạt động xã hội, hoạt động chính trị sẽ bay từ Bỉ tới Việt Nam?

Áp phích vận động tránh cử của các ứng cử viên được dán dọc đường thủ đô Brussels của Bỉ.

Nguyễn Hoàng Hải ( Tổng hợp)