Sau khi thẳng tay đấm Việt Nam, Thủ tướng Trung Quốc sang xoa dịu

Ngày 12/10, VOA Tiếng Việt bình luận “Thủ tướng Trung Quốc thăm Việt Nam là “vừa đấm vừa xoa”, sau khi bị lên án về hành hung ngư dân?”

Theo đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đến thăm Việt Nam, từ ngày 12 đến ngày 14/10, trong bối cảnh, Bắc Kinh đang nỗ lực vừa xoa dịu vừa gây áp lực với Hà Nội, sau khi Việt Nam lên tiếng gay gắt về hành động bạo lực của Trung Quốc đối ngư dân, giữa những căng thẳng ở Biển Đông, theo nhận định của giới quan sát.

VOA cho biết, từ khi Hà Nội lên tiếng hôm 2/10, về vụ ngư dân bị phía Trung Quốc tấn công, đến nay, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa đưa ra phản ứng chính thức.

Tuy nhiên, trang Global Times, cơ quan ngôn luận quốc tế của chính quyền Trung Quốc, hôm 5/10, đăng phóng sự nói rằng, các hình ảnh và thông tin mà tờ báo này có được cho thấy, nhà chức trách Trung Quốc đã “chặn, bắt, kiểm tra và trục xuất một tàu Việt Nam xâm nhập trái phép vùng biển gần quần đảo Tây Sa của Trung Quốc ngày 29/9; công việc được tiến hành một cách có kiềm chế và hoàn toàn phù hợp với pháp luật”. Tây Sa là tên gọi của chính quyền Trung Quốc về quần đảo Hoàng Sa.

Theo VOA, đồng thanh cùng Việt Nam, Philippines, Hoa Kỳ, Liên hiệp châu Âu cũng lên tiếng phản đối cách hành xử của Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam.

VOA dẫn ý kiến của ông Lê Anh Hùng, cựu tù nhân lương tâm, nói:

“Từ trước tới nay, Trung Quốc luôn có thái độ vừa đánh vừa xoa với Việt Nam. Mỗi khi Việt Nam tỏ thái độ cứng rắn, thì họ lại buông và tỏ ra nhũn nhặn.”

“Chuyến thăm này của Thủ tướng Lý Cường tới Việt Nam, chỉ diễn ra vài ngày sau khi cả Mỹ, châu Âu lên án hành động thô bạo của Trung Quốc trên Biển Đông – thẳng tay đánh đập các ngư dân trên vùng biển Hoàng Sa.”

Tương tự, VOA dẫn nhận xét của nhà quan sát Nguyễn Hoàng Hải, từ Bỉ, cho rằng:

“Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường có lẽ sang Hà Nội làm hòa, “nước láng giềng, núi liền núi, sông liền sông”, cùng chế độ toàn trị của đảng Cộng sản, cốt để Việt Nam đừng la toáng lên nữa, có gì thì ‘hàng xóm láng giềng’ bảo nhau.”

Ông Lê Anh Hùng dự báo:

“Chuyến thăm này có lẽ là sẽ cụ thể hóa những cam kết mà Việt Nam đã ký với Trung Quốc, trong chuyến thăm hồi năm ngoái của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tới Việt Nam.”

VOA dẫn lời Tiến sĩ Cheng Hanping, thuộc Đại học Công nghệ Chiết Giang,Trung Quốc, loan tải trên báo chí Việt Nam, theo đó, ông Lý từng giữ các chức vụ quan trọng ở một số khu vực phát triển của Trung Quốc, như Giang Tô, Thượng Hải, đồng thời có nhiều kinh nghiệm về phát triển kinh tế, nên có thể chia sẻ những kinh nghiệm này với các đối tác Việt Nam, từ đó thúc đẩy hơn nữa hợp tác toàn diện giữa hai bên trong lĩnh vực kinh tế và thương mại.

VOA cũng cho biết, giới quan sát cho rằng, Việt Nam dưới sự lãnh đạo của ông Tô Lâm, có vẻ như sẽ đưa đất nước gần đến Mỹ và phương Tây hơn. Điều này có thể khiến Bắc Kinh phải dè chừng, và muốn kéo Hà Nội gần về phía họ. Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Lý cũng nhằm mục đích đó.

VOA cũng dẫn ý kiến của nhà phân tích Nguyễn Khắc Giang, thuộc một Viện Nghiên cứu ở Singapore, nói với kênh Channel News Asia hôm 11/10 rằng, chuyến thăm Việt Nam của ông Lý có ý “nghĩa quan trọng”, khi 2 đảng Cộng sản tăng cường quan hệ mật thiết với nhau.

Ông Giang cho rằng, việc Hà Nội chính thức lên tiếng công khai trước quốc tế, về vụ Trung Quốc đánh ngư dân vừa qua, là một điều đáng lưu ý.

Về vấn đề Biển Đông, vẫn theo VOA, ông Lý đã đề cập khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các quốc gia Đông Nam Á ASEAN+3 lần thứ 27, do Lào đăng cai tổ chức.

Tại Hội nghị này hôm 10/10, ông Lý mô tả, Biển Đông là “ngôi nhà chung”, và rằng, Trung Quốc có nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền của mình, và đổ lỗi cho “các thế lực bên ngoài” (ám chỉ Hoa Kỳ), đã gây ra căng thẳng giữa các quốc gia tranh chấp lãnh hải.

 

Ý Nhi – thoibao.de