Lương Cường yết kiến họ Tập, liệu Tổng Bí thư Tô Lâm có chịu xuống thang?

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nổi tiếng là nhân vật thân Bắc Kinh, tới mức, từng bị cáo buộc là “thái thú” của Trung Quốc tại Hà Nội.

Tuy nhiên, theo một số nhận định, trong những năm gần cuối đời, bởi nhiều lý do khác nhau ông Nguyễn Phú Trong đã buộc phải đưa ra cái gọi là “chính sách ngoại giao Cây Tre”. Một trong các lý do có lẽ cũng do Tổng Trọng cũng “hết chịu nổi” những áp lực của lãnh đạo Trung Nam Hải đối với đảng Cộng sản Việt nam.

Khác với người tiền nhiệm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm được cho là một chính khách thực dụng. Theo một số nhận định, ông duy trì một chính sách đối ngoại thân Hoa Kỳ và phương Tây, đồng thời quan hệ có giới hạn với Trung Quốc và Nga. Bên lề kỳ họp lần thứ 79 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York, việc ông đã tiếp xúc với Tổng thống Ukraine Zelensky, là một minh chứng.

Mới đây, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường đã bất ngờ sang Bắc Kinh để yết kiến ông Tập Cận Bình, từ ngày 10 đến 12/10 vừa qua.

Theo truyền thông nhà nước, chuyến thăm của ông Lương Cường với mục đích “thúc đẩy xây dựng “Cộng đồng Chia sẻ Tương lai” giữa Việt Nam và Trung Quốc”.

Tại cuộc gặp với lãnh đạo Trung Quốc, ông Lương Cường được cho là “đã đề nghị 2 bên, Việt Nam và Trung Quốc kiểm soát và giải quyết tốt các vấn đề khác biệt, trên tinh thần hữu nghị, để tập trung giữ ổn định tình hình tại Biển Đông”.

Mới nhất, ngày 12/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, tại Hà Nội, trong chuyến thăm chính thức 3 ngày tới Việt Nam, từ ngày 12 đến 14/10.

Nội dung thông cáo của Chính phủ Việt Nam đưa ra, sau cuộc gặp nói trên, cho thấy, Việt Nam và Trung Quốc đã đồng ý tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng, an ninh, kinh tế. Đồng thời, ông Tô Lâm nhấn mạnh, Việt Nam xem phát triển quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại.

Theo giới quan sát, bất kể tranh chấp lâu dài giữa Hà Nội và Bắc Kinh trên Biển Đông, đã dẫn đến những bất đồng sâu sắc, 2 nước vẫn đồng ý tăng cường quan hệ kinh tế. Theo đó, Bắc Kinh sẽ mở thị trường cho nông sản Việt Nam. Đổi lại, Hà Nội sẽ tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư Trung Quốc, đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam.

Rõ ràng, các thông tin liên quan đến các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa lãnh đạo 2 Đảng Cộng sản, trong những ngày gần đây, đã dẫn đến những cải thiện đáng kể trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Môt câu hỏi được đặt ra, có phải  Tô Lâm đã phải xuống thang, trước áp lực của phe bảo thủ thân Trung Quốc trong nội bộ Đảng?

Việc Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường bất ngờ sang Bắc Kinh, để yến kiến ông Tập Cận Bình, cho thấy, các thế lực chống lại Tổng Bí thư Tô Lâm đã chơi một cú “tất tay”, trong canh bạc quyền lực ở chính trường Việt Nam.

Kể từ sau Hội nghị Thành đô năm 1990, đến nay, Ban lãnh đạo Bắc Kinh luôn tỏ rõ là thế lực thao túng, sắp xếp, và bố trí nhân sự lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam. Cuộc chiến tranh giành quyền lực trong Đảng Cộng sản Việt Nam còn tiếp diễn, với những toan tính, mưu mô xảo quyệt, và những cú đánh “dưới thắt lưng”, là điều không thể tránh khỏi.

Đây là điều đã khiến ông Tô Lâm và phe cánh phải hết sức thận trọng. Tổng Bí thư Tô Lâm có thể sẽ tạm chấp nhận thoái lui, để bảo toàn lực lượng cho cuộc chiến lâu dài, khi đứng trước hành động cương quyết phải “khuất phục” được ông bằng mọi giá, của Ban lãnh đạo Bắc Kinh.

Trong bối cảnh còn hơn một năm trước thềm Đại hội Đảng 14 – một giai đoạn  mang tính “then chốt”, mà các cá nhân và phe cánh trong Đảng cần nỗ lực hết sức, nhằm đảo ngược tình thế, để có lợi nhất cho mình. Đồng thời, đây cũng là một giai đoạn đầy biến động và kịch tính, mọi việc bất ngờ đều có thể xảy ra.

 

Trà My – Thoibao.de