Mục đích của chuyến thăm Cộng hòa Liên bang Đức, từ ngày 26 đến ngày 29/10, của Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang, theo truyền thông nhà nước cho biết, là nhằm tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực an ninh và thực thi pháp luật.
Bộ trưởng Quang đã hội đàm với Bộ Nội vụ và Cơ quan tình báo Đức, để trao đổi thông tin, và phối hợp trong đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia. Hai bên cũng thảo luận về việc hợp tác điều tra, truy bắt các đối tượng truy nã, và chuyển giao người bị kết án tù.
Tuy nhiên, theo tin rò rỉ thoibao nhận được, chuyến thăm Đức của Bộ trưởng Quang đã thất bại.
Cụ thể, ông Lương Tam Quang đã không đạt được mục đích dẫn độ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn về Việt Nam. Mặc dù, phía Việt Nam đã đặt vấn đề, sử dụng Trịnh Xuân Thanh để đổi lấy bà Nhàn. Ngoài ra, phía Hà Nội sẵn sàng tạo điều kiện cho Siemens – một tập đoàn lớn của Đức, nhận hợp đồng xây dựng Nhà máy điện Hạt nhân tại Việt Nam.
Theo nhận định của Thoibao, vì Cộng hòa Liên bang Đức là một nhà nước pháp quyền, với hệ thống chính trị tam quyền phân lập, do đó, Chính phủ Đức phải tôn trọng luật pháp của đất nước họ. Hơn nữa, vì bà Nhàn đã có quy chế tị nạn, cho nên, nghiễm nhiên, bà được luật pháp Đức bảo vệ.
Vụ việc của bà Nhàn, từ lâu đã được công luận quốc tế đánh giá, là một vụ án mang tính chính trị. Đó cũng là lý do khiến Cộng hòa Liên bang Đức không bao giờ chấp nhận đổi chác, như đề nghị từ phía Bộ Công an Việt Nam đưa ra.
Đây là một bài học cho Tổng Bí thư Tô Lâm, và đàn em thân tín của ông là Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang, về việc cần đối xử theo đúng luật pháp đối với người dân Việt nói chung, và các quan chức nhà nước nói riêng. Bộ máy hành chính không thể đưa ra các quyết định tùy tiện như lâu nay.
Theo giới phân tích, ông Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính, cũng như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, được cho là những “đệ tử” thân cận của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng Tổng Bí thư Tô Lâm vì lợi ích cá nhân, muốn qua việc bắt giữ bà Nhàn, để hạ được bằng được Thủ tướng Chính, đồng thời, hạ luôn Phan Văn Giang, để đưa Tướng Hoàng Xuân Chiến lên thay.
Mới nhất, nguồn tin nội bộ của thoibao cho biết, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến – lãnh đạo cấp cao của Quân đội, đã không có tên trong danh sách Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đây được cho là các phản ứng mới nhất của tập thể lãnh đạo Bộ Quốc phòng.
Vẫn theo nguồn tin nội bộ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang đang mắc bệnh gan rất nặng. Nhưng vị lãnh đạo quân đội này đã chuẩn bị phương án “dự phòng”. Theo đó, Đại tướng Nguyễn Tân Cương sẵn sàng thay thế cho chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, với lý do không để chức vụ này rơi vào tay Tướng Hoàng Xuân Chiến – một đồng minh thân cận của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Những tính toán sai lầm của ông Tô Lâm như vừa kể, sẽ càng khiến cho mối quan hệ được cho là hết sức tốt đẹp, giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Phan Văn Giang, sẽ càng bền chặt hơn.
Ông Chính được cho là một nhân vật thân Bắc Kinh. Thời gian gần đây, ông đã có nhiều biểu hiện tạo điều kiện cho Trung Quốc trong các hoạt động kinh tế với Việt Nam.
Do đó, việc Tổng Bí thư Tô Lâm cử Bộ trưởng Lương Tam Quang sang Đức, để tìm cách đưa bà Nhàn về Việt Nam, không chỉ đã thất bại, mà còn “lợi bất cập hại”, có thể khoét sâu mối bất đồng trong nội bộ các đàn em thân cận của ông Ba Dũng. Điều này sẽ dẫn đến sự suy yếu quyền lực của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Trà My – Thoibao.de