Phản đối đề xuất lấy tạng người ch-ết não không cần sự đồng ý. Mới đây, Bộ Y tế Việt Nam đề xuất sửa luật theo hướng: mặc định người chết não là người hiến tạng, trừ khi họ từng từ chối bằng văn bản. Nghe có vẻ nhân đạo, nhưng thực chất lại đặt ra những vấn đề nghiêm trọng về đạo đức, nhân quyền và pháp lý.
Hiến tạng là nghĩa cử cao đẹp – khi và chỉ khi xuất phát từ sự tự nguyện. Việc mặc nhiên coi cơ thể một người chết não là “nguồn cung nội tạng” nếu họ không kịp từ chối bằng văn bản, là một hình thức xâm phạm thân thể, phủ định quyền tự quyết – một quyền cơ bản của con người, kể cả sau khi qua đời.
Trong bối cảnh xã hội còn nhiều bất minh, hệ thống y tế còn tồn tại tiêu cực, và niềm tin của người dân vào sự minh bạch chưa cao, đề xuất này là nguy hiểm. Ai đảm bảo quyết định “chết não” không bị thao túng? Ai giám sát việc sử dụng nội tạng sau khi lấy? Nếu người dân không được bảo đảm về công lý, thì mặc định lấy tạng chính là cưỡng đoạt hợp pháp.
Ngoài ra, trong văn hóa Á Đông, thi thể người chết luôn được coi là thiêng liêng. Tự ý lấy tạng mà không xin phép gia đình là xúc phạm, xâm phạm tín ngưỡng, xô lệch đạo lý.
Nếu thực tâm muốn tăng số người hiến tạng, nhà nước cần: nâng cao nhận thức cộng đồng, khuyến khích tự nguyện, minh bạch hóa quy trình, tôn vinh người hiến tạng – chứ không thể áp đặt bằng luật.
Cơ thể người dân – dù sống hay đã mất – không bao giờ là tài sản của nhà nước. Hãy để người dân được lựa chọn, chứ đừng buộc họ phải im lặng để rồi bị sử dụng.
– Bảo Sơn –