USAID Mỹ hỗ trợ Việt Nam đo mức phát thải ô tô tại Sài Gòn và Hà Nội

Mỹ hỗ trợ đo mức phát thải ôtô tại hai thành phố ô nhiễm nhất Việt Nam

Ngày 7/3, VOA Tiếng Việt loan tin “Mỹ hỗ trợ đo mức phát thải ô tô tại 2 thành phố ô nhiễm nhất Việt Nam”.

Theo đó, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa công bố chương trình hỗ trợ đo kiểm mức độ phát thải của các phương tiện ô tô đang lưu hành tại Hà Nội và Sài Gòn, nhằm giúp Việt Nam xây dựng dự thảo quy trình kỹ thuật quốc gia về khí thải, góp phần giảm ô nhiễm không khí.

VOA dẫn thông cáo trên Facebook của USAID, cho biết hôm 5/3 rằng, với mục tiêu đánh giá hiện trạng phát thải của phương tiện ôtô, nghiên cứu “Đánh giá mức độ phát thải từ ô tô đang lưu hành tại Việt Nam” do USAID hỗ trợ, sẽ tiến hành đo kiểm miễn phí mức độ phát thải của 1.200 ô tô đang lưu hành tại Hà Nội và Sài Gòn, đồng thời tìm hiểu thói quen sử dụng nhiên liệu xe ôtô của chủ xe.

Thời gian đo độ phát thải từ ôtô trong nghiên cứu này diễn ra từ tháng 2 đến tháng 4/2024.

Dựa trên kết quả đánh giá, nghiên cứu sẽ xây dựng các phương án bảo trì bảo dưỡng phù hợp đối với các dòng ôtô, đảm bảo phù hợp với thực tiễn và Quy chuẩn Việt Nam về khí thải phương tiện ôtô, và hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Dự thảo Lộ trình áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải phương tiện ôtô đang lưu hành tại Việt Nam, vẫn theo thông tin từ USAID.

USAID cho biết, dự án này do tổ chức Winrock International thực hiện, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường làm chủ dự án.

Nghiên cứu này là một trong những hoạt động của Dự án Giảm thiểu ô nhiễm, do USAID tài trợ, với mục tiêu hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực giải quyết những thách thức về ô nhiễm môi trường tại các khu vực mục tiêu, thông qua cách tiếp cận tác động tập thể.

Đáng tiếc, với năng lực quản lý và kiểm soát của Chính phủ Việt Nam, qua thực tế đã chứng minh, họ không có khả năng giải quyết bất kỳ vấn đề gì, và vấn đề ô nhiễm môi trường cũng tương tự. Có thể nói, việc hỗ trợ của USAID có lẽ cũng chỉ là công cốc mà thôi. Sau khi chương trình của USAID kết thúc, sẽ có báo cáo, có giải pháp đề xuất, thậm chí, có máy móc thiết bị hay tài chính gì đó được hỗ trợ, chuyển giao… Nhưng xong xuôi, tất cả chỉ là “kế hoạch trên giấy”, máy móc thiết bị (nếu có) cũng sẽ ngủ yên trong kho… Và mèo vẫn hoàn mèo, ô nhiễm vẫn tiếp tục ô nhiễm.

Dễ hiểu, năng lực của Chính phủ luôn bị hạn bởi sự chây ỳ, lười nhác và cả chất lượng của các bộ nhà nước; bởi sự nhũng nhiễu đã thành thói của các cơ quan chức năng; và bởi thói quen “bôi trơn” của người dân… Tất cả những thói xấu này, chỉ đến khi chế độ Cộng sản chấm dứt, may ra mới có thể thay đổi được.

VOA dẫn số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến hết năm 2021, cả nước có trên 4.5 triệu xe ô tô, và con số này vẫn tiếp tục tăng hàng năm. Đây là một trong những nguồn phát thải ô nhiễm không khí lớn nhất ở các thành phố lớn.

Tại Sài Gòn, các phương tiện cơ giới giao thông đường bộ phát thải tới khoảng 75% lượng phát thải bụi PM2.5. Trong khi đó, tại Hà Nội, phát thải của các phương tiện cơ giới cũng được xác định là một trong những nguyên nhân chính, gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng môi trường không khí.

VOA cho biết thêm, hôm 5/3, hệ thống quan trắc chất lượng không khí IQ Air ở Hà Nội đo chỉ số ô nhiễm ở mức 232, khiến thành phố này bị xếp là nơi ô nhiễm nhất thế giới.

 

Minh Vũ – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023