Dù tăng trưởng ấn tượng, nhưng Việt Nam vẫn là nước có thu nhập trung bình thấp

Ngày 19/4, VOA Tiếng Việt loan tin “Việt Nam là nước thu nhập trung bình thấp; 10 triệu đồng/ người/ tháng là diện giàu”.

VOA dẫn dữ liệu trên trang web của Ngân hàng Thế giới mới đây, cho hay, Ngân hàng Thế giới xếp Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp, trong năm tài chính 2024.

Nền kinh tế thuộc diện thu nhập trung bình thấp là nơi có Tổng Thu nhập Quốc dân (GNI) trên đầu người nằm trong khoảng từ 1.136 đô la đến 4.465 đô la mỗi năm, được Ngân hàng Thế giới tính toán theo phương pháp mà họ gọi là Atlas.

VOA cho biết, các ước tính về GNI được các nhà kinh tế của Ngân hàng Thế giới đưa ra, chủ yếu dựa vào dữ liệu chính thức được các nước công bố.

Theo đó, trung bình, mỗi người Việt đạt được GNI là 4.010 đô la hồi năm 2022, tăng hơn 18 lần, từ mức 220 đô la hồi năm 1989. Trong 2 thập niên cho đến năm 2009, Việt Nam là nước có thu nhập thấp. Từ đó đến nay, Việt Nam tiến lên một bậc, thành nước có thu nhập trung bình thấp.

VOA cũng cho biết, trong cùng khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 6 về GNI đầu người, dưới Singapore, Brunei, Malaysia, Thái Lan và Indonesia, trong khi ở trên Philippines, Lào, Campuchia và Myanmar.

Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, Singapore và Brunei thuộc nhóm thu nhập cao với GNI đầu người năm 2022 lần lượt là 67.200 đô la và 31.410 đô la. Malaysia với GNI đầu người là 11.830 đô la, cùng với Thái Lan (7.230 đô la), và Indonesia (4.580 đô la), đều thuộc nhóm thu nhập trung bình cao. Philippines (3.950 đô la), Lào (2.310 đô la), Campuchia (1.690 đô la) và Myanmar (1,270 đô la) cùng nhóm thu nhập trung bình thấp với Việt Nam.

Theo VOA, Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, cũng là nước láng giềng khổng lồ cùng ý thức hệ Cộng sản với Việt Nam, có thu nhập trung bình cao, với GNI đầu người là 12.850 đô la.

Quy đổi theo tỷ giá trung bình của năm 2022, mức GNI đầu người 4.010 đô la của Việt Nam tương đương khoảng 96 triệu đồng, hay 8 triệu đồng/ người/ tháng.

VOA dẫn truyền thông nhà nước Việt Nam, các trang tin như Dân Trí, CafeF, Truyền hình Quốc hội,… ngày 17/4, lấy nguồn tin từ khảo sát của Tổng cục Thống kê Việt Nam, cũng về năm 2022 mới được công bố, cho thấy, người có thu nhập trên 10 triệu đồng một chút mỗi tháng, đã thuộc diện giàu có.

Cũng Dân Trí, CafeF, Truyền hình Quốc hội tường thuật, trích dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam cho hay, nhóm hộ giàu nhất, tức là nhóm gồm 20% dân số giàu hàng đầu Việt Nam, có thu nhập bình quân một người mỗi tháng đạt 10,23 triệu đồng. Con số đó cao gấp 7,6 lần so với nhóm hộ nghèo nhất.

VOA cho biết thêm, tính trung bình trên toàn quốc, thu nhập bình quân của một người mỗi tháng hồi năm 2022 là 4,67 triệu đồng, tăng 11,1 điểm phần trăm so với năm trước đó.

Con số thu nhập nêu trên cao hơn mức chi tiêu trung bình trên đầu người mỗi tháng trong cùng năm, theo kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê Việt Nam. Mức chi tiêu bình quân theo đầu người một tháng trên cả nước là xấp xỉ 2,8 triệu đồng, còn ở thành thị là 3,3 triệu đồng và ở khu vực nông thôn là gần 2,5 triệu đồng.

Được biết, các chuyên gia trên thế giới từ lâu đã cảnh báo Việt Nam về việc rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”.

Giáo sư Kenichi Ohno thuộc Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản, từ 10 năm trước đã chỉ ra các dấu hiệu cho thấy Việt Nam có khả năng rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Đó là:

“Thứ nhất, tăng trưởng GDP của Việt Nam chậm lại. Thứ hai, năng suất lao động kém. Thứ ba, chuyển dịch cơ cấu chỉ mang tính hình thức. Thứ tư, Việt Nam đã bị trì trệ trong các bảng xếp hạng toàn cầu, và thứ năm là Việt Nam đã gặp các vấn đề nảy sinh do tăng trưởng như ô nhiễm, tham nhũng, bong bóng bất động sản, chênh lệch giàu nghèo…

 

Minh Vũ – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023