Loại tin đồn không bị bác bỏ ở Việt Nam

Ngày 22/4, blog Trân Văn trên VOA Tiếng Việt bình luận “Tin đồn và “đoàn kết nội bộ, xây dựng ý thức kỷ luật”’.

Tác giả nhận xét, bất kể dư luận đã dậy lên thành bão trước tin đồn – ông Vương Đình Huệ – Ủy viên Bộ Chính trị, uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 của Đảng, nhân vật đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Quốc hội khóa 15 – sắp phải rời bỏ cuộc chơi quyền lực, nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền và hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam vẫn ngậm tăm, không bác bỏ mà cũng chẳng công kích tin đồn ấy là… “nhảm”!

Theo tác giả, thực tế cho thấy, tin đồn về những nhân vật là lãnh đạo chủ chốt của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam, chẳng khác gì phi, pháo, dọn đường cho trận chiến tranh giành quyền lực giữa các “đồng chí” đồng đảng. Dù Đảng luôn đề cao, thậm chí xác định, các cá nhân ở thượng tầng phải “nêu gương” về “đoàn kết nội bộ và xây dựng ý thức tổ chức kỷ luật”, nhưng những sự kiện nhạy cảm về nhân sự như đã biết, chỉ chứng tỏ, đúng là không nên tin bất kỳ điều gì Cộng sản nói!

Tác giả nhắc lại các sự kiện, theo đó, từ đầu tháng Giêng năm ngoái, sau khi Bộ Công an công bố quyết định khởi tố bà Nguyễn Thị Thanh Thủy – cựu chuyên viên Nhà xuất bản Giáo dục, và bà Nguyễn Thị Bạch Linh – Giám đốc SNB Holding, để điều tra về hành vi “lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”, thiên hạ bắt đầu kháo nhau về chuyện ông Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch Nhà nước phải ra đi, vì dính líu đến sự nghiệp sản xuất, kinh doanh của Việt Á.

Tương tự, theo tác giả, tháng 3 vừa qua, sau khi Bô Công an loan báo đã tạm giam ông Đặng Trung Hoành – Chánh Văn phòng huyện ủy Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, vì “lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”, thiên hạ tiếp tục đồn đoán về chuyện ông Võ Văn Thưởng cũng sẽ sớm nói lời tạ từ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, y hệt như người tiền nhiệm, vì dính líu đến sự nghiệp sản xuất, kinh doanh của Phúc Sơn.

Tác giả bình luận, không phải tự nhiên mà thiên hạ lại gắn ông Nguyễn Xuân Phúc với Việt Á; dán ông Võ Văn Thưởng vào Phúc Sơn. Chắc chắn, cũng không phải ngẫu nhiên mà các tin đồn liên quan tới việc ông Phúc và ông Thưởng tự nguyện thoái lui, không chỉ chính xác, mà còn rõ ràng, đầy đủ chi tiết hơn cả thông tin chính thức từ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền.

Tác giả đặt câu hỏi: Vậy, mức độ chính xác của việc cho rằng, ông Vương Đình Huệ là phần không thể tách rời với Thuận An, thì sao?

Tác giả cho rằng, trước mắt phải chờ! Dẫu đã có không ít trường hợp cho thấy mức độ khả tín của tin đồn rất cao, nhưng tin đồn vẫn chỉ là tin đồn. Giống như Việt Á và Phúc Sơn, Thuận An cũng nằm trong nhóm đột nhiên “lớn nhanh, lớn mạnh” nhờ xây dựng Chủ nghĩa Xã hội. Khi công an “mở rộng điều tra” Việt Á và Phúc Sơn, và chạm đến “chốt an toàn”, mục tiêu sẽ tự nguyện rời khỏi xạ trường, để khỏi bị khai hỏa, nhằm “nêu gương” về “đoàn kết nội bộ và xây dựng ý thức tổ chức kỷ luật”.

Tác giả mỉa mai hỏi: Thuận An cũng sẽ như thế?

Một số người thạo tin cho rằng, trong vụ Thuận An, công an đã chạm đến “chốt an toàn” là ông Phạm Thái Hà (Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kiêm Trợ lý của ông Vương Đình Huệ). Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là một loại tin đồn không bị bác bỏ. Nếu lần này tin đồn lại đúng, thì rõ ràng, tại Việt Nam, công an có một loại “biện pháp nghiệp vụ” mà chẳng xứ nào dưới gầm Trời này nghĩ ra để dùng, và dám dùng. Đó là, vừa thỏa hiệp, dung dưỡng hối mại quyền thế, vừa chọn để dùng khi tới mùa qui hoạch nhân sự!

 

Xuân Hưng – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023