Giữa bão tin đồn từ chức, “Trụ Vương” vắng mặt tại lễ giỗ Tổ Hùng Vương!

Trụ Vương ở đây là trụ trong Tứ trụ, nhưng mang họ Vương, chứ không phải Trụ Vương trong lịch sử Trung Quốc cổ đại. Đấy chính là trụ Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Sáng 18/4, nhằm ngày mùng 10/3 âm lịch, chính quyền tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ giỗ Tổ Hùng vương. Tham dự buổi lễ này có mặt đại diện của Chính phủ và Quốc hội. Theo đó, đại diện cho Chính phủ có Thủ tướng Phạm Minh Chính. Tuy nhiên, đại diện cho Quốc hội chỉ có ông Trần Thanh Mẫn – Phó Chủ tịch Quốc hội, mà không thấy ông Vương Đình Huệ xuất hiện.

Cho đến thời điểm này, chính quyền Cộng sản không hề có bất kỳ thông báo nào liên quan đến ông Vương Đình Huệ. Thói quen của người Cộng sản là chỉ tìm mọi cách để che đậy, bưng bít, không cho tin đồn xuất hiện và phát tán. Trước đây, thông tin về việc ông Võ Văn Thưởng từ chức, cũng xuất hiện dưới dạng tin đồn, và chính quyền Cộng sản cũng tìm cách che đậy. Tuy nhiên, thông tin vẫn mạnh mẽ phát tán ra ngoài từ một số nguồn ẩn danh, và rồi người dân cũng phát hiện ra lịch họp Trung ương Đảng, thông qua lịch công tác của một số uỷ viên Trung ương.

Dù ông Vương Đình Huệ đã viết đơn từ chức hay chưa, thì sự thật về việc Bộ trưởng Bộ Công an đang tấn công mạnh mã vào ông Huệ, cũng đã phơi bày rõ ràng. Đảng Cộng sản chỉ có thể che dấu trong một thời gian ngắn, chứ không thể giấu mãi được. Vấn đề đấu đá trong nội bộ Đảng, bao lâu nay đã là sân chơi của báo chí tự do, bởi báo chí nhà nước đã bị “rọ mõm” nên chẳng dám hé răng.

Ngày 18/4, Công Thông tin điện tử của Chính phủ cho biết, “BỘ CÔNG AN: Tập trung lực lượng, mở rộng điều tra vụ án TẬP ĐOÀN THUẬN AN”. Điều này cho thấy, ông Tô Lâm đang rất quyết tâm đánh mạnh vào “Trụ Vương” – người được cho là gần với chiếc ghế Tổng Bí thư nhất. Thông tin ngoài luồng cho biết, Tập đoàn Thuận An của Nguyễn Duy Hưng và tập đoàn Thiên Minh Đức của Chu Đăng Khoa, là 2 doanh nghiệp liên quan đến “Trụ Vương” và nhóm Nghệ An. Nếu Thuận An không đủ để hạ nhóm Nghệ An, thì Tô Lâm có thể cho sờ tiếp Thiên Minh Đức.

Ông Huệ là người được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự trù cho vị trí kế nhiệm. Việc Tô Lâm đánh mạnh vào “Trụ Vương”, cũng là cách loại bỏ kế hoạch của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nếu đánh ông Huệ thành công, Tô Lâm đạt được 3 mục đích lớn, đó là: Loại đối thủ lớn nhất; bẻ gãy quyền lực của Tổng Bí thư; tạo ra cơ hội lớn để thâu tóm chiếc ghế Tổng Bí thư về cho bản thân.

Ông Vương Đình Huệ đã làm mọi cách có thể để bảo vệ bản thân và nhóm lợi ích Nghệ An, kể cả việc sang Bắc Kinh “cầu viện”. Tuy nhiên, việc cầu viện này cũng không có gì đảm bảo là Tập Cận Bình sẽ “phù hộ”. Bởi chính Tô Lâm cũng đã từng “đi sứ” sang Bắc Kinh, từ hồi giữa tháng 9/2023.

Khi các phe trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đánh nhau, thì Tập Cận Bình là người hưởng lợi nhiều nhất. Ông Tập chỉ việc đứng ngôi cao mà “chọn gà”. Nếu kẻ yếu mà thuần phục, thì Bắc Kinh cũng khó điều khiển được toàn Đảng Cộng sản Việt Nam, bởi kẻ yếu không thể dẫn dắt toàn Đảng theo ý mình được. Còn khi kẻ mạnh thuần phục, thì lúc đó, Tập mới dễ dàng thao túng Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua kẻ này.

Chuyến đi Bắc Kinh vừa qua, Vương Đình Huệ đã đem đến nhiều lợi ích cho Trung Quốc, trong đó có dự án đường sắt cao tốc nối với Trung Quốc, làm một mắt xích trong đại dự án Vành đai Con đường của Tập. Tuy nhiên, mang nhiều quà cũng chưa chắc đã được ủng hộ. Bởi ý đồ của Bắc Kinh là khả năng điều khiển cả Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong khi đó, Tô Lâm là võ tướng, hay dùng “bạo lực Cách mạng” để sai khiến các đồng chí, là một lợi thế không nhỏ.

Xem ra, khả năng Bắc Triều can thiệp cho “Trụ Vương” được ngồi vào ghế Tổng là không cao. Họ để mặc cho nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đánh nhau tơi bời, rồi chọn kẻ chiến thắng cũng là kẻ mạnh nhất, để “sai khiến”.

 

Thái Hà-Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023