Dự luật Rwanda tái khởi động, người Việt nhập cư lậu vào Anh sẽ bị đưa sang châu Phi?

Ngày 17/4, BBC Tiếng Việt nêu vấn đề “Người Việt nhập cư lậu vào Anh sẽ bị đưa đến Rwanda ở châu Phi?”

Theo đó, Chính phủ Anh đang nỗ lực thông qua Dự luật Rwanda, để đưa người nhập cư trái phép sang Rwanda – một quốc gia ở Trung Phi.

BBC cho biết, nỗ lực này đang được tái khởi động, sau khi con số người tị nạn vượt biển vào Anh tăng đột biến trong 3 tháng đầu năm 2024, trong đó, người Việt chiếm số lượng đông nhất.

Bất kỳ ai “vào Vương quốc Anh bất hợp pháp” sau ngày 1/1/2022, đều có thể bị đưa đến Rwanda, không giới hạn số lượng.

BBC đặt câu hỏi: Di dân bất hợp pháp người Việt và các nước khác, có thật sự đối diện nguy cơ bị đưa đến Rwanda hay không và khi nào?

Chính phủ Anh đã thảo ra một thỏa thuận 5 năm với Rwanda – một quốc gia nhỏ không giáp biển, ở khu vực Trung Phi – cách Vương quốc Anh 6.500 km.

Theo đó, người tị nạn trái phép vào Anh sẽ được đưa đến Rwanda, và Anh sẽ trả các khoản tiền lớn cho quốc gia châu Phi.

Nếu được duyệt, họ có thể được cấp quy chế tị nạn và được phép ở lại Rwanda.

Nếu không, họ có thể nộp đơn xin định cư ở Rwanda với lý do khác, hoặc xin tị nạn ở một “nước thứ ba an toàn” khác.

Không một người xin tị nạn nào có thể nộp đơn xin quay trở lại Vương quốc Anh.

Tuy nhiên, BBC cũng cho biết, chưa có di dân nào đến Rwanda.

Chuyến bay đầu tiên dự kiến khởi hành vào tháng 6/2022, nhưng đã bị hủy vì những vấn đề pháp lý.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã nhiều lần cho biết, các chuyến bay sẽ cất cánh vào mùa xuân năm nay (tháng 3, 4, 5), nhưng không nêu rõ ngày cụ thể.

Mặt khác, BBC cho hay, tháng 11/2023, Tòa án Tối cao Vương quốc Anh đã ra phán quyết rằng, kế hoạch Rwanda là bất hợp pháp.

Tòa lập luận rằng, kế hoạch này có thể đặt những người thực sự cần/muốn tị nạn, vào nguy cơ bị trục xuất về nước, nơi họ có thể phải đối mặt với sự bức hại.

Điều này vi phạm Công ước châu Âu về Nhân quyền, mà Vương quốc Anh đã ký kết.

Thêm vào đó, BBC tiếp tục cho biết, phán quyết cũng viện dẫn những lo ngại về hồ sơ nhân quyền kém cỏi của Rwanda, và cách đối xử của nước này đối với người tị nạn.

Các thẩm phán cho biết, vào năm 2021, Chính phủ Anh đã chỉ trích Rwanda về “các vụ giết người phi pháp, tử vong khi bị giam giữ, cưỡng bức mất tích và tra tấn”.

Các thẩm phán cũng nhấn mạnh một sự việc xảy ra vào năm 2018, khi Cảnh sát Rwanda nổ súng vào những người tị nạn biểu tình.

Theo BBC, sau phán quyết của Tòa án Tối cao, Chính phủ Anh đã đưa ra một dự luật nhằm nêu rõ trong luật pháp Anh rằng, Rwanda là một quốc gia an toàn.

Dự luật Rwanda – phải được cả 2 viện Quốc hội thông qua – yêu cầu các tòa án bỏ qua các phần quan trọng của Đạo luật Nhân quyền, một bước đi nhằm tránh né phán quyết của Tòa án Tối cao.

Dự luật này cũng buộc các tòa án phải bỏ qua các luật khác của Anh hoặc các quy tắc quốc tế – chẳng hạn Công ước về người tị nạn quốc tế – vốn cản trở việc trục xuất tới Rwanda.

Vẫn theo BBC, một số nghị sĩ chỉ trích dự luật này, cho rằng nó vi phạm luật pháp quốc tế. Những người khác lại cho rằng, nó chưa đủ răn đe.

Dự luật đã được Hạ viện thông qua vào ngày 17/1, bất chấp sự phản đối của một số nghị sĩ Đảng Bảo thủ.

Các tổ chức từ thiện hỗ trợ người xin tị nạn có kế hoạch khởi động các vụ kiện chống lại kế hoạch của Chính phủ “càng nhanh càng tốt”.

BBC dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Anh – James Cleverley – cho biết, Hiệp ước Di cư giữa Anh và Rwanda đảm bảo rằng, bất kỳ ai được đưa đến Rwanda đều sẽ không có nguy cơ bị trả về quê hương.

Hiệp ước nêu rõ, một Uỷ ban Giám sát độc lập mới, sẽ đảm bảo Rwanda tuân thủ các nghĩa vụ của mình, và các thẩm phán Anh sẽ được đưa vào quy trình kháng cáo mới.

 

Hoàng Anh – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023