Le-Nails và ngành Nails của người Việt trên thế giới

Ngày 14/4/2018, chị Lê Kim Yến đã khai trương tiệm Le-Nails và Trung tâm đào tạo ở Halle 18, một Halle mới khánh thành trong Trung tâm Thương mại Đồng Xuân ở Berlin.

Chị Lê Kim Yến cho biết, chị đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề và sau khi học nâng cao năm 2011, chị đã bắt đầu đào tạo học viên, tuy nhiên do cơ sở ở ngoài phố nhỏ, nên số học viên khá khiêm tốn. Giờ đây, với cơ sở mới khang trang, rộng 120 m2, chị hy vọng sẽ đào tạo được nhiều học viên hơn, tạo điều kiện cho nhiều người có một nghề để kiếm sống.

Mặc dù các tiệm Nails của người Việt trong những năm qua đã phát triển khá nhanh ở Đức, nhưng dự kiến sẽ tiếp tục phát triển và lan rộng sang các nước châu Âu khác. Theo tạp chí chuyên ngành „Prof Nail“, hiện nay ở Đức ước tính có khoảng hơn 60.000 tiệm Nails với doanh thu từ năm tới sáu tỉ Euro một năm. Tuy nhiên, chưa có con số thống kê chính thức về số lượng các tiệm Nails của người Việt chiếm bao nhiêu phần trăm trong số đó, cho dù tới hầu như thành phố nào trên nước Đức cũng có thể bắt gặp các tiệm Nails của người Việt, đặc biệt là các thành phố lớn như Berlin, Hamburg, Frankfurt, München, Leipzig, Dresden…

Ngành Nails của người Việt ở Đức mới được du nhập từ Mỹ khoảng 15 năm nay, do những người Việt ở Mỹ sang truyền nghề, sau khi họ cũng mới làm quen với ngành này cuối những năm 70 của thế kỷ trước, nhưng ngày nay đã chi phối thị trường này.

Theo báo „Nam Đức“, cơ duyên đến với ngành Nails của người Việt bắt nguồn từ Ngôi sao điện ảnh Hollywood Tippi Hedren, người đã nhận được giải thưởng Quả Cầu Vàng do vai diễn trong bộ phim „Những con chim“ của Hitchcock. Năm 1975, Tippi Hedren làm việc thiện nguyện ở „Hope Village“ (Làng Hy vọng), một trại tị nạn ở Bắc California, Mỹ, để giúp đỡ những người tị nạn Việt Nam chạy trốn chiến tranh. Trong những năm 70, việc chăm sóc móng tay, móng chân ở Mỹ vẫn còn là một sự hưởng thụ xa xỉ. Nhưng vì là một minh tinh màn bạc Hollywood, nên Tippi Hedren vẫn có một chuyên gia chăm sóc Nails riêng là Dusty. Khi đó, Tippi Hedren nảy ra ý nghĩ phải đào tạo nghề Nails cho người Việt Nam để họ có một nghề kiếm sống sau khi ra khỏi trại tị nạn mà không phải đi rửa bát hay dọn vệ sinh, lau chùi. Dusty rất ủng hộ ý tưởng này, nên hàng tuần, Dusty mang đồ nghề tới Hope Village để dạy nghề cho các học viên. Sau 350 giờ học nghề, số học viên chỉ còn lại 20 người, nhưng họ đều thi đỗ, một số người tìm được việc làm hoặc tự mở cửa tiệm Nails hành nghề tự lập. Việc mở tiệm làm Nails không quá khó đối với người Việt, vì vốn đầu tư không lớn và nhiều người khéo tay, chịu khó. Từ những hạt nhân ban đầu đó, số lượng người Việt làm việc trong ngành Nails ở Mỹ dần dần tăng vọt. Ước tính tại bang California hiện nay có tới 80% người làm việc trong ngành Nails là người Việt và trên toàn nước Mỹ thì có khoảng 50% là người Việt hoặc gốc Việt. Sự chi phối của người Việt trong ngành Nails ở Mỹ lớn đến nỗi tập chí chuyên ngành Nails không chỉ xuất bản bằng tiếng Anh mà còn bằng tiếng Việt. Hãng sản xuất kéo cắt móng lớn nhất thế giới cũng nằm trong tay một người Việt.

Ngoài những ngành kinh doanh chính của người Việt ở Đức như tiệm ăn nhanh, nhà hàng ăn uống, bán hoa, dự kiến sẽ ngày càng có nhiều người Việt vào làm việc trong các ngành dịch vụ chăm sóc sắc đẹp như ngành Nails, Kosmetik, thời trang tóc, Massage….

Được biết, một số người Việt làm việc trong ngành Nails ở Đức đã bắt đầu „bành trướng“ sang các nước láng giềng châu Âu như Áo, Thụy Sĩ… nơi sự cạnh tranh chưa tới mức gay gắt như ở Đức, vì thế giá cả cũng hợp lý hơn, không đến mức phải đua nhau hạ giá để thu hút khách, làm cho dịch vụ làm đẹp mà chỉ được trả thù lao với mức giá „bèo bọt“. Trên thực tế, nhiều khách hàng không ham rẻ, mà họ muốn được phục vụ với chất lượng cao, trong những cơ sở sang trọng có „đẳng cấp“ và thái độ phục vụ tận tình, chu đáo xứng đáng với đồng tiền họ bỏ ra.

Giám đốc TTTM Đồng Xuân Nguyễn Văn Hiền tới thắp hương cầu Thổ Công, Thổ Địa phù hộ cho tiệm Le-Nails làm ăn phát đạt.

Biển quảng cáo của Le-Nails

Văn Long – Thoibao.de

—–