Giữa lúc tình hình dịch bệnh nguy hiểm đang đe dọa tính mạng của hàng triệu người dân Việt nam, thì Đảng cộng sản của nước mà người đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng cộng sản Việt nam lần thứ 13.
Đại dịch Covid-19 là một biến cố đang có nhiều tác động đến ‘sức khỏe’ nền chính trị của đảng Cộng sản Việt Nam vào lúc đảng cầm quyền này còn khoảng 10 tháng chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc lần thứ 13, một số nhà quan sát thời sự và phân tích chính trị Việt Nam đã nói với BBC News Tiếng Việt.
Hôm 12/03/2020, từ Sài Gòn, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, từ Sài Gòn đưa ra bình luận:
“Tôi theo dõi tình hình ở thành phố và ở phía Nam, chuẩn bị cho Đại hội 13 bắt đầu từ đại hội cơ sở, thì các cơ sở, các phường, xã này nọ đang tiến hành đại hội cũng như bình thường, nhưng trong đại hội đó đến bây giờ vẫn chưa thấy báo cáo chính trị của Trung ương, đó là báo cáo lõi, báo cáo trung tâm, vẫn chưa thấy gửi tới xuống cơ sở.
“Còn tổ chức ở cơ sở diễn ra bình thường và theo lịch thì vẫn là cấp quận, cấp thành phố, nhưng nếu lên cấp thành phố, thì nó sẽ có ngàn đại biểu, thì lúc đó nếu còn dịch Covid-19 thì không biết sẽ có hoãn, lùi hay không. Đến bây giờ, Đại hội lần thứ 13 này sẽ diễn ra vào tháng Giêng năm 2021, khoảng đó, đầu quý một, nếu không có gì thay đổi,
“Nhưng có những vấn đề nổi bật, nổi trội lên thì đại hội này ngoài những vấn đề thông thường như báo cáo chính trị, báo cáo kinh tế – xã hội, báo cáo công tác xây d đảng, thì kỳ này nổi trội lên những vấn đề lớn như là vấn đề quyền sở hữu đất đai, mà đó cũng là điểm nóng, mấu chốt mà xảy ra những chuyện rất đau lòng như là vụ Đồng Tâm và nhiều địa phương khác như ở Vĩnh Long, rồi tỉnh này, tỉnh kia, rất nhiều.
Những nhà quan sát chính trị tại Việt nam đưa ra nhiều bình luận sát thực tế về sắp xếp nhân sự Đại hội lần thứ 13 của Đảng cộng sản
“Tiếp theo nữa, vấn đề đòi hỏi cũng khao khát là vấn đề phải thực hiện dân chủ ở Việt Nam như thế nào, nhất là dân chủ ở trong đảng.
“Bây giờ kỳ đại hội này vẫn triển khai cái diện bầu cử ở trong đảng theo quyết định 214, do cấp trên dự kiến cấp dưới và đại hội hạn chế quyền ứng cử, bầu cử, mặc dù quyền ứng cử, bầu cử đã quy định trong điều lệ đảng và điều lệ đảng không có gì thay đổi.
“Còn vấn đề tuổi, thì nó trở lại vấn đề, hiện tại, gần đây đang trở lại vấn đề tuổi, nếu theo quy định hiện hành, những người đang làm Bộ Chính trị mà quá 65 tuổi, thì không được tái cử, mà dưới 65 thì được tái cử Bộ Chính trị đương nhiệm.
“Còn nếu 65 thì là trưởng hợp đặc biệt như vừa qua lấy ví dụ như là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là trường hợp đặc biệt, không những trên 65 mà trên 70 cũng là trường hợp đặc biệt. Còn bây giờ như vậy thì ai đi, ai ở, thì đó cũng là một vấn đề lớn trong tình hình bây giờ,
‘Manh nha’ về nhân sự và đường lối?
Từ Hà Nội cùng ngày, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà phân tích chính trị đang là nghiên cứu viên cao cấp khách mời thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas – Singapore) đưa ra bình luận với BBC ngay trước Bàn tròn về hai khía cạnh là quy hoạch nhân sự và chủ trương, đường lối, ông nói:
“Manh nha thì từ năm ngoái người ta cũng nói là quy hoạch người này, người kia vào chỗ này, chỗ kia, thì đến nay vẫn thế thôi, không có gì thay đổi cả, thực tế mà nói phải lúc vào đại hội mới biết được.
“Nhưng mà theo quy hoạch, tiếng đồn, thì ai cũng biết rồi, ví dụ ông Nguyễn Xuân Phúc và bà Nguyễn Thị Kim Ngân thì đủ tiêu chuẩn để làm ứng cử viên chức Tổng Bí thư.
“Ông Phạm Minh Chính thì đủ tiêu chuẩn vào (ứng viên chức) chủ tịch Quốc hội, rồi hình như là ông Vương Đình Huệ đủ tiêu chuẩn để cử vào ứng cử chức gọi là chức Thủ tướng.
“Nhưng việc này mới chỉ là trên giấy, tức là mới dựa vào quy chế, dựa vào những gì quy định ở trên giấy, còn thực tế chính trị Việt Nam vô cùng phức tạp, nói thì là nói thôi, thế còn phải để đến sát nút thì mới biết được.”
Về đường lối, chủ trương có thể diễn ra tại Đại hội 13, nhà phân tích Hà Hoàng Hợp đưa ra bình luận:
“Đã có những manh nha từ Đại hội 9 là tái cơ cấu khối doanh nghiệp nhà nước thông qua cổ phần hóa và thông qua việc phát triển, cũng như là mở rộng các hình thức về sở hữu, phát triển khối doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp không phải của nhà nước.
“Thế thì đại hội 11, 12, hướng ấy là vẫn có, thế nhưng có một số người bảo lưu theo hướng coi doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo, thế thì tôi hy vọng rằng đại hội 13 sẽ có một sự cải biến nào đó để cho khối doanh nghiệp nhà nước nhỏ đi, nhưng nó có đóng góp tốt hơn, làm ăn có lãi hơn.
“Và đồng thời, khối doanh nghiệp ngoài nhà nước, tức là không phải nhà nước được phát triển tốt đẹp nhất. Đây là một hướng có thể nhìn thấy tương đối rõ, còn khó có thể hy vọng rằng là có bất kỳ một thay đổi về thể chế chính trị nào cả.”
Ý thức hệ ‘bảo thủ’ tiếp tục thắng thế?
Đưa ra bình luận Bàn Tròn Thứ Năm từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong bối cảnh Việt Nam đang đối đầu với dịch Covid-19 với nhiều quan tâm và câu hỏi được đặt ra trong dư luận xã hội và cộng đồng gần đây, nhà phân tích chính sách công, PGS. TS. Phạm Quý Thọ nói:
“Thứ nhất phải xác minh xem các cán bộ trong quy hoạch của chúng ta (Việt Nam) vừa rồi được phản ánh trên các dư luận như thế nào và cần phải xác minh, kể cả đặt lại các chuyến đi như thế nào cho nó tiết kiệm, cho nó đạo đức và cho nó có lương tâm.
“Thứ hai về dịch này, không được chủ quan, không hoảng sợ, nhưng không chủ quan, bởi vì theo kinh nghiệm thì không thể theo Trung Quốc được, mà bây giờ nhìn Ý, chúng ta thấy tỷ lệ chết rất là cao so với số ca lây nhiễm rồi, chứ không phải là 2% hay là 2,3% nữa, mà Việt Nam cần phải tiếp tục kiểm soát rất chặt chẽ về mặt dịch tễ và những chữa chạy.
“Thứ ba về mặt đường hướng và chính trị, tôi nghĩ rằng vẫn chia thành hai hướng, một là vẫn ý thức hệ bảo thủ vẫn có thể thắng thế ở trong đại hội tới thì nó sẽ làm chậm quá trình cải cách.
“Và một hướng theo tôi nghĩ là theo thị trường tương đối tích cực là chúng ta phải tư nhân hóa mạnh mẽ hơn nữa, theo tôi nghĩ là thế, phải thành lập, phải viết lại, trong đại hội phải nhấn mạnh thêm khía cạnh đó, để chúng ta (Việt Nam), như là Luật sư Trần Quốc Thuận đã nói, là về những nền tảng của kinh tế thị trường, trong đó đặc biệt là vấn đề sở hữu, mà trong sở hữu nói chung là vấn đề đất đai.
“Mà nếu không có, thì trong nhiệm kỳ tới sẽ rất là khó khăn, còn nói chung chung theo kiểu làm việc mà cần phải có nghị quyết, thì theo tôi nghĩ, cách làm việc như thế đã quá lạc hậu rồi, mà bây giờ chúng ta phải căn cứ vào thực tế để viết, còn những gì chưa chín hay là chín rồi, thì đấy chẳng qua là sự chỉ đạo thôi, còn những gì bức xúc trong cuộc sống, cần phải lường trước được.
“Ngoài ra, như tôi thấy, đại hội 13 này chuẩn bị rất nhiều chiến lược và những tầm nhìn, thì tôi nghĩ rằng đây cũng là một cơ sở để chúng ta xem xét lại các chiến lược lần trước để chúng ta lường trước tương lai của đất nước, của dân tộc.
“Để cho nó phát triển, không tụt hậu nữa và hướng tới thịnh vượng và có thể ngẩng cao đầu đối với thế giới trong không chỉ chống dịch, không chỉ những cái mạnh mẽ về tình huống khẩn cấp, mà phải trong cuộc sống bình thường.
“Sự phát triển bình thường dân chủ và kinh tế đi đôi với nhau, tôi nghĩ đấy mới là cái chính mà cũng phải nhân cơ hội này để chúng ta làm tốt tầm nhìn cho đất nước và cho dân tộc.”
Sẽ xuất hiện ‘điểm sáng’ nhân sự qua vụ Covid-19?
Từ nơi đang thăm viếng ở Austin, Texas, Hoa Kỳ, bác sỹ, Tiến sỹ Trần Tuần, chuyên gia phản biện chính sách và tư vấn giám định xã hội tại Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta), nêu quan điểm:
“Tôi cho rằng lúc này là giai đoạn then chốt, chắc chắn rằng các sự kiện lớn, thí dụ như vụ Đồng Tâm xảy ra hôm 09/01 vừa rồi và dịch Covid-19 này sẽ ảnh hưởng rất đáng kể đối với sự chuẩn bị, định hướng đường lối cũng như nhân sự của đại hội đảng Cộng sản Việt nam sắp tới.
“Trong thời gian tới sẽ có các thảo luận và những phân tích đi theo hướng là phải nhìn lại những điểm mà vừa rồi tôi tóm tắt năm cái, trong đó có vấn đề gọi là sự minh bạch hóa và sự giám sát, đánh giá độc lập cho sự vận hành của hệ thống.
Tiến sĩ Trần Tuần cho biết thêm:
“Và như thế có thể thấy rằng sẽ có những sự thay đổi để cân bằng hơn vấn đề mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt trong vấn đề phòng chống dịch, trong toàn cầu hóa.
“Như thế trong thời gian tới có thể thấy rằng tính kinh tế không còn được ưu tiên cải cách cho kinh tế phát triển, đầu tư nước ngoài sẽ không được ưu tiên như trong những năm trước đây.
“Điểm thứ ba nữa là về mặt nhân sự, chắc chắn rằng qua vụ Covid-19 này cũng sẽ hiện ra một vài nhân vật mà có thể là điểm sáng hơn, như thế có thể sự thay đổi trong nhân sự thời gian tới, cũng như chuyện mà các quan chức bộ phận mà đi, chúng ta gọi là chi tiêu công một cách vô lý, một cách lãng phí, thì sẽ phải có nhìn nhận.
“Bởi vì nếu không thì thực ra đó là một sự đào phá lòng tin của người dân ghê gớm vào lãnh đạo.
“Cho nên nhân sự phải thay đổi qua vụ Covid-19 vừa làm sáng rõ của chúng ta.“
Nguồn: BBC
Thu Thủy từ TpHCM – Thoibao.de (tổng hợp)