Tối 6/4 theo giờ địa phương, Thủ tướng Anh Boris Johnson được đưa vào khoa cấp cứu hồi sức chỉ chưa đầy một ngày sau khi nhập viện vì các triệu chứng của viêm phổi Vũ Hán.
Phủ Thủ tướng Anh cho biết: “Theo lời khuyên của nhóm y khoa, Thủ tướng Boris Johnson đã được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện St Thomas’ ở thủ đô London“.
Truyền thông Anh cho rằng Thủ tướng Johnson từng tiết lộ cởi mở về tình trạng bị béo phì, đây cũng là yếu tố rủi ro đối với các bệnh nhân mắc viêm phổi Vũ Hán.
Thống kê cho thấy, có đến hơn 70% bệnh nhân trong phòng cấp cứu vì viêm phổi Vũ Hán tại Anh bị béo phì hoặc quá cân.
Ông Boris Johnson năm nay 55 tuổi, nhậm chức thủ tướng Anh từ tháng 7/2019.
Ông nhập viện vào tối Chủ nhật 5/4 sau khi đã dương tính với virus được 10 ngày.
Ban đầu, ông nhập viện để tiến hành thêm các xét nghiệm, tuy nhiên, sức khỏe của người đứng đầu Nội các đã diễn biến xấu đi và đã được chuyển vào khu chăm sóc đặc biệt lúc 19h tối 6/4 (theo giờ địa phương).
Ông Boris Johnson hiện vẫn tỉnh táo và chưa cần đến máy thở, tuy nhiên đã được đưa vào khu chăm sóc đặc biệt để đề phòng trường hợp cần hỗ trợ thở.
Trong ngày thứ Hai, đã có tin ông Johnson “ổn định“, và có “tinh thần tốt” nhưng đến tối, tình hình của ông xấu đi.
Dư luận Anh đều bất ngờ trước tình trạng sức khỏe của Thủ tướng. Các báo Anh đồng loạt chạy ‘tin choáng‘ về sức khoẻ của ông Boris Johnson.
Theo nhận định của nhật báo The Independent, thông báo hôm qua là rất « bất ngờ ». Hãng tin AFP cho biết, hôm nay, toàn bộ trang nhất các nhật báo của Anh đều có cụm từ « chăm sóc tích cực ». Hai tờ Daily Mirror và Daily Star còn nói đến « cuộc chiến đấu để cứu mạng sống của ông ».
Trước đó, Văn phòng Thủ tướng nói rằng ông Johnson chỉ bị các triệu chứng nhẹ và nhập viện là “bước đề phòng“. Cách đây đúng một tháng, trên truyền hình ông Johnson rất tự tin phát biểu trên truyền hình rằng “Tôi bắt tay với tất cả“, khi nói về một chuyến thăm tới một bệnh viện điều trị bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán.
Khi đó, Thủ tướng Anh đã chọn theo chủ thuyết miễn dịch cộng đồng, có nghĩa là cứ để mặc cho nạn dịch tự do lan tràn cho đến lúc tốc độ lây nhiễm chậm lại, và chỉ tập trung cứu chữa những trường hợp nặng.
Ông Johnson khẳng định quyết sách của ông được đưa ra dựa vào các cố vấn y học và khoa học, và có chiến lược rõ ràng dựa trên khoa học hành vi, theo đó chính phủ nên đưa ra các biện pháp hạn chế tiếp xúc một cách từ từ, theo đúng trình tự, thì mới có sự tuân thủ từ công chúng. Thủ tướng Anh đã không muốn đóng cửa quán bar, nhà hàng, dù yêu cầu người dân không tụ tập. Ông vẫn để trường học mở cửa dù Pháp và Đức đã đóng. Sau đó, chính sách của Anh đã phải thay đổi khi số người nhiễm và tử vong do viêm phổi Vũ Hán tăng mạnh.
Nước Anh đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng lãnh đạo vào thời điểm đang tiến đến đỉnh dịch viêm phổi Vũ Hán.
Sức khoẻ của ông Johnson xấu đi vào lúc nước Anh đang chuẩn bị cho thời điểm tồi tệ nhất của dịch viêm phổi Vũ Hán, dự kiến trong 10 ngày tới. Hơn 5.000 người đã chết ở Anh vì viêm phổi Vũ Hán, và quốc gia này vẫn duy trì phong toả trong lúc hệ thống y tế nỗ lực chữa trị cho các bệnh nhân trong tình trạng thiếu những đồ bảo hộ thiết yếu như máy thở và khẩu trang.
Theo thông cáo báo chí của văn phòng thủ tướng, ông Boris Johnson yêu cầu Ngoại trưởng Dominic Raab tiếp nhận công việc của mình “khi cần thiết”. Ngoại trưởng Anh khẳng định chính quyền London sẽ đảm bảo tiếp tục thi hành các kế hoạch của nhà lãnh đạo nhằm đánh bại dịch viêm phổi Vũ Hán tại Anh.
Nhà ngoại giao Raab, 46 tuổi, là luật sư về tài chính, tranh tụng quốc tế và luật cạnh tranh. Ông đắc cử vào Nghị viện Anh từ năm 2010 và từng phục vụ trong nội các của cựu Thủ tướng Theresa May trong vai trò Bộ trưởng phụ trách Brexit. Ông được chỉ định vào ghế ngoại trưởng khi Thủ tướng Johnson bắt đầu cầm quyền Anh từ tháng 7/2019.
Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của ông Raab là chủ trì cuộc họp khẩn cấp thường ngày với các bộ trưởng, quan chức chủ chốt đặc trách y tế và cố vấn khoa học của chính phủ.
Các chuyên gia cho biết, hiến pháp Anh không quy định rõ “kế hoạch B” về người sẽ đảm nhiệm vai trò thủ tướng tạm quyền trong trường hợp ông Johnson không thể điều hành đất nước. Việc ông Raab được chỉ định làm “người sống sót cuối cùng” trong trường hợp Thủ tướng Johnson không điều hành được đất nước đã gây tranh cãi vì nhiều người kỳ vọng ông Michael Gove, người đứng đầu Văn phòng Nội các Anh, sẽ là người thay thế.
Trước đó, hôm 27/3, ông Johnson thông báo ông đã dương tính với viêm phổi Vũ Hán và thực hiện tự cách ly trong căn hộ ở phố Downing.
Thủ tướng Anh không phải là người đầu tiên và duy nhất bị dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán tấn công trong chính phủ Anh.
Ngày 10/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Anh – Nadine Dears trở thành nghị sĩ đầu tiên của nước này dương tính với viêm phổi Vũ Hán.
Đến ngày 27/3, cùng với Thủ tướng Anh Boris Johnson, Bộ trưởng bộ Y tế Matt Hancock thông báo nhiễm viêm phổi Vũ Hán và đang tự cách ly.
Ngày 2/4, Bộ trưởng bộ Y tế Matt Hancock thông báo đi làm trở lại sau một tuần tự cách ly và đã hồi phục.
Ngày 4/4, vị hôn thê của ông Johnson, bà Carrie Symonds, đang mang bầu tiết lộ đang tự cách ly khi có triệu chứng nhiễm bệnh.
Các bữa ăn và tài liệu làm việc được để ngoài cửa nhà ông, nhưng ông tiếp tục chủ trì các cuộc họp trực tuyến về xử lý khủng hoảng.
Trong mấy ngày qua, ông tự quay nhiều video để đăng lên mạng xã hội nhằm trấn an mọi người rằng ông vẫn khoẻ và vẫn làm việc. Nhưng nhiều lúc ông có vẻ bị khó thở và trông không ổn lắm.
Ông được nhìn thấy lần cuối khi công chúng vỗ tay hoan hô các nhân viên y tế NHS từ căn hộ của ông ở phố Downing vào tối thứ Năm ngày 2/4, và chủ trì một cuộc họp về viêm phổi Vũ Hán từ xa vào sáng thứ Sáu ngày 3/4.
Cuối ngày hôm đó, thủ tướng đã đăng một video lên Twitter nói rằng ông vẫn còn các triệu chứng nhẹ.
Ông viết : “Tôi vẫn còn sốt. Vì vậy, theo lời khuyên của chính phủ, tôi phải tiếp tục tự cách ly cho đến khi triệu chứng đó tự hết.”
Và ông cho biết thêm : “Nhưng chúng tôi đang làm việc toàn bộ thời gian theo chương trình của chúng tôi để đánh bại virus.“
Là người ủng hộ ông Johnson, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói tại một cuộc họp báo rằng ông đã yêu cầu các công ty dược liên lạc với London để giúp đỡ.
Tổng thống Trump đã bày tỏ cảm thông với Thủ tướng Anh, gọi ông là “một người đàn ông mạnh mẽ” và “gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới Thủ tướng Johnson trong cuộc chiến đấu riêng với virus”.
Ông Trump nói : “Tất cả người Mỹ đang cầu nguyện cho ông ấy. Ông ấy là một người bạn tuyệt vời của tôi, là một quý ông và một nhà lãnh đạo tuyệt vời“.
Các lãnh đạo quốc tế, trong đó có Thủ tướng Ailen Leo Varadkar và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng gửi thông điệp ủng hộ.
Thủ tướng Anh nhận được những lời chúc từ đồng nghiệp, trong đó có người tiền nhiệm Therema May và David Cameron.
Lãnh đạo phe đối lập – đảng Lao động Keir Starmer cho biết ông hy vọng thủ tướng sẽ “phục hồi nhanh chóng“.
Diễn biến sức khỏe theo chiều hướng xấu đi của Thủ tướng Anh cho thấy sức công phá ghê gớm của dịch bệnh nguy hiểm đến từ Trung Quốc.
Cùng thời gian này, tại Việt Nam chúng ta cũng chứng kiến sự vắng bóng ông Tổng bí thư, Chủ tịch nước già nua Nguyễn Phú Trọng – người được cho rằng có tiền sử bệnh nền cao huyết áp từng bị đột quỵ lần 1 tại Kiên Giang vào tháng 4.2019.
Đại dịch viêm phổi Vũ Hán là nguy cơ tiềm tàng để tấn công và giết chết bất cứ vị lãnh đạo nào trên thế giới, ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc và bà Nguyễn Thị Kim Ngân không phải là một ngoại lệ.
Đây cũng là hậu quả của quá trình già hóa bộ máy lãnh đạo bảo thủ, trì trệ và lạc hậu tại Hà Nội.
Chúng ta hãy cùng chờ xem những điều bất ngờ sắp tới từ Ba Đình.
Trung Nam từ Đà nẵng – Thoibao.de (Tổng hợp)