Sự thật về hố chôn tập thể tại đảo Hart, New York

https://www.youtube.com/watch?v=VSocMo3l4AU

Những hình ảnh và tin đồn về việc New York gấp rút đào hố chôn tập thể cho bệnh nhân tử vong về viêm phổi Vũ Hán đã gây hoang mang trong dư luận. Chính quyền New York đã lên tiếng về sự việc trên.

New York Post dẫn lời Thị trưởng thành phố New York Bill De Blasio ngày 10/4 cho biết, một số bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán tử vong đã được chôn cất ở đảo Hart.

Thị trưởng De Blasio cũng cho biết trong thời gian tới có thể có thêm các bệnh nhân tử vong nữa khi Trung tâm kiểm dịch y tế địa phương quá tải với số thi thể.
Tuy nhiên, ông De Blasio cũng khẳng định, các thi thể được chôn cất ở Hart là những bệnh nhân tử vong vì nhiều lý do khác nhau và không có người thân đến nhận, chứ không phải chỉ dành riêng cho bệnh nhân tử vong vì viêm phổi Vũ Hán.
Ông cũng nhấn mạnh thêm, kể cả khi thi thể đã được chôn ở đảo Hart, nếu người thân đến nhận, thi thể của người chết sẽ được bàn giao lại cho gia đình.
Trước những lo ngại có cần thiết chôn tập thể khi số ca tử vong do viêm phổi Vũ Hán tăng liên tục thời gian vừa qua, Thị trưởng De Blasio đã phản hồi rằng “sẽ không có chôn tập thể trên đảo Hart. Tất cả đều là các cá nhân và mỗi người đều được đối xử với sự tôn trọng”.
Khi chưa có người nhận, các thi thể vẫn được đối xử thành kính khi chôn cất – được bọc túi và đặt trong quan tài bằng gỗ thông. Sau đó, quan tài được chôn thành hàng dưới các rãnh dài. Tên người chết cũng được viết trên nắp, được lưu trữ hồ sơ để dễ dàng tìm kiếm khi cải táng về sau.

Ảnh 1: Một trong các bức ảnh chụp từ video được lan truyền trên mạng cho thấy máy móc hạng nặng được huy động để đào một rãnh gần hai ngôi mộ tập thể đã tồn tại trước đó trên đảo Hart 

Trước đó, những hình ảnh trên mạng xã hội về những hố chôn tập thể trên đảo Hart đã lan truyền nhanh chóng và nhiều người đã không tránh khỏi bị ám ảnh.  

Từ New York, thông tín viên Carrie Nooten của RFI tường thuật :
‘‘Hình ảnh gây ngỡ ngàng : Một đường hào dài đầu tiên vừa được đào xong, và người ta nhìn thấy những người đàn ông trong trang phục bảo hộ mầu trắng chất vào đó những chiếc hòm gỗ thông có khắc tên thành hai dãy, mỗi dãy ba hàng, rồi phủ đất lại. Thiết bị bay điều khiển từ xa bay lượn trên không ở đảo Hart, phía đông quận Bronx, bang New York, ghi lại cảnh tượng diễn ra chỉ cách trung tâm thành phố Manhattan vài kilomet.’’
Trong khi đó, bang New York – tâm điểm của đợt bùng phát dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán hiện nay tại Mỹ – ngày 9/4 đã ghi nhận mức kỷ lục tới 799 ca tử vong trong 1 ngày do dịch bệnh. Đây là con số cao kỷ lục trong ngày thứ ba liên tiếp.
Thành phố New York có tỷ lệ tử vong do viêm phổi Vũ Hán lên tới khoảng 6%, cao hơn nhiều so với mức 3,4% ở hầu hết các quốc gia.

Ảnh 2: Bức ảnh được lan truyền trên mạng kèm bình luận về thảm họa dịch bệnh ở New York gây ám ảnh người dân New York

Hòn đảo Hart nằm ở vùng đầm phá bên ngoài khu Bronx, nổi tiếng là nơi tọa lạc nghĩa trang dành cho người nghèo của vùng đô thị, từ 150 năm nay.

Giới chức thành phố sử dụng đảo Hart làm nơi chôn tập thể cho những người không bà con thân thích, hoặc những gia đình không thể trang trải cho việc chôn cất bình thường.
Đây cũng nơi được dự kiến để chôn cất các nạn nhân của dịch cúm trong kế hoạch khẩn cấp của thành phố, được thành lập cách nay 10 năm.
Người ta chỉ có thể đến nơi này bằng thuyền. Cách đây ít ngày, một chiếc thuyền đầu tiên chở một thùng đông lạnh đã đổ lên đảo.
Việc đào những hố chôn lớn đã là hoạt động kéo dài nhiều năm qua. Trước đây, mỗi tuần, hòn đảo đón nhận khoảng 25 thi thể, nhưng từ đầu tháng 3 con số này đã tăng đáng kể.
Theo Sở Cải tạo New York – đơn vị chịu trách nhiệm mai táng trên đảo – hiện nay mỗi ngày có khoảng 25 thi thể được chôn cất. Lực lượng mai táng phải làm việc 5 ngày trong tuần thay vì 1 ngày trong tuần như trước kia.
Trước nay, các tù nhân tại trại giam trên đảo Rikers đảm nhận công việc chôn cất và được nhận một khoản tiền nhỏ. Thế nhưng mới đây, các quan chức New York cho biết đã thuê nhiều lao động hợp đồng đến đảo hỗ trợ trong bối cảnh số ca tử vong ở thành phố đạt mức kỷ lục trong những ngày qua.
Ngoài ra, ông Jason Kersten – người phát ngôn của Sở Cải tạo New York – cho biết thêm, do quy định giãn cách xã hội và để đảm bảo an toàn cho trại giam trước viêm phổi Vũ Hán, tù nhân sẽ không tham gia vào các đội chôn cất.

Ngoài ra, chính quyền cũng cân nhắc dùng hòn đảo này làm điểm tập kết thi thể tạm thời.

Theo Aja Worthy-Davis – người phát ngôn Văn phòng Giám định y tế (OCME) – cơ quan này chỉ có thể chứa từ 800 – 900 thi thể trong các cơ sở của mình, và 4.000 thi thể trên 40 xe tải đông lạnh – vốn đang hỗ trợ nhiều bệnh viện có nhà xác hạn hẹp.
Trong khi đó, với đảo Randall, nằm ở phía nam đảo Hart, chính quyền sử dụng làm nơi đậu xe tải đông lạnh để chi viện cho các cơ sở y tế tiếp nhận bảo quản các thi thể.
Ông De Blasio, hồi đầu tuần cho biết các nghĩa trang công cộng ở thành phố cũng có thể được sử dụng để chôn cất nạn nhân của đại dịch.
Ông Mark Levine – ủy viên Hội đồng thành phố New York – cách đây ít lâu cũng đã đưa ra đề xuất chôn cất tạm thời các thi thể tại một số công viên. Ông Levine cho biết “Quá trình chôn cất sẽ được thực hiện trang nghiêm và trật tự.

Tiểu bang New York trong tuần này đã ghi nhận số bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới ngoài Mỹ.

Tính đến ngày 11/4, New York có tổng số 181.026 trường hợp, cao hơn Tây Ban Nha với 161.852 trường hợp và Italia với 152.271. Hai nước này có dân số lớn hơn New York nhiều lần.
Thành phố New York và các quận ngoại ô của nó, gồm Nassau, Suffolk, Westchester và Rockland, chiếm 93% tổng số trường hợp trên toàn tiểu bang.
Thống đốc bang New York, ông Andrew Cuomo, từng nhiều lần nói rằng chính mật độ dân cư đông đúc, cộng thêm số lượng du khách nước ngoài tới thành phố New York quá nhiều đã khiến nơi đây trở thành mảnh đất thuận lợi để bệnh dịch bùng phát nhanh đến thế.
New York, thủ phủ tài chính của nước Mỹ có 8,6 triệu dân, tương đương mật độ 10.000 người trên một km2, cũng là thành phố có mật độ dân cư đông đúc nhất ở Mỹ.
Hàng triệu người đứng cạnh nhau trên các chuyến tàu điện ngầm đông đúc đi về mỗi ngày. Bên cạnh đó, việc duy trì khoảng cách ở mức độ cần thiết để phòng lây nhiễm đôi khi rất khó khăn trên những vỉa hè chật hẹp.
Mỗi năm trung bình thành phố New York đón hơn 60 triệu du khách. Đây cũng là cửa ngõ để vào nước Mỹ với rất nhiều du khách khác. Điều này có nghĩa nếu có ai đó đang mang mầm bệnh thì gần như chắc chắn họ sẽ lây nhiễm cho những người khác trước tiên ở New York.
Siêu đô thị New York có một đặc trưng nữa là tình trạng chênh lệch kinh tế xã hội rất sâu sắc. Những khu vực quá đông dân và khó khăn hơn, đặc biệt tại hai quận Bronx và Queens, là những nơi vốn đã có nhiều người đau ốm và thiếu điều kiện chăm sóc sức khỏe, cũng là nơi có tỉ lệ lây nhiễm bệnh cao nhất.

Một hy vọng le lói là dịch bệnh đang diễn biến trái chiều tại New York. Trong khi số người chết tại đây trong tuần qua tăng cao kỷ lục thì số người nhập viện vì viêm phổi Vũ Hán lại đang có xu hướng giảm.

Thống đống bang New York Andrew Cuomo khẳng định đường cong diễn tiến tình hình dịch bệnh tại bang này đang dần bằng phẳng do các biện pháp cách ly xã hội.
Ông Cuomo nói với các phóng viên hôm 9/4: “Chúng tôi có thêm tổng cộng 200 người phải nhập viện, là con số thấp nhất kể từ khi cơn ác mộng này bắt đầu”, và cho biết thêm rằng số người phải nhập viện chăm sóc tích cực cũng đã ở mức thấp nhất.
Ông Cuomo khẳng định kết quả tích cực của các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh nói trên, đồng thời cảnh báo rằng có thể có một làn sóng lây lan dịch bệnh thứ 2 trong thời gian tới.
Thống đốc New York cũng cho biết còn quá sớm để nói khi nào thành phố New York có thể được mở cửa trở lại.
Hôm 6/4 vừa qua, Thống đốc Cuomo cũng đã gia hạn việc đóng cửa các trường học và các doanh nghiệp không thiết yếu trên toàn tiểu bang cho đến ngày 29/4 để giúp ngăn chặn tỷ lệ nhiễm bệnh gia tăng trở lại.

Các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt mà bang New York đưa ra đã có tác động khốc liệt về mặt kinh tế với New York, trung tâm toàn cầu về thương mại và giao dịch quốc tế.
Sức tàn phá của dịch bệnh có nguồn gốc từ Vũ Hán, Trung Quốc là quá nặng nề. Nó đã biến nơi được chọn để đặt tượng Nữ thần Tự do; khu đô thị lớn nhất thế giới; trung tâm kinh tế và tài chính toàn cầu; nơi hội tụ của các nền văn hóa và các kênh truyền thông; cũng là nơi đặt Trụ sở chính của Liên Hiệp Quốc trở thành nơi mà mọi người phải sợ hãi.
Nhưng tình bác ái và tinh thần cộng đồng đã từng giúp New York vượt qua những thảm họa và bi kịch trước đây, chắc chắn sẽ giúp họ vượt qua được thử thách này, nhưng không ai đoán được khi nào đại dịch lần này sẽ kết thúc, như nhà báo Megan Palin chia sẻ.
Qua vụ việc phát tán đại dịch viêm phổi Vũ Hán, Việt Nam hãy thận trọng với người láng giềng phương Bắc, vì họ đã và sẽ còn tiếp tục giấu diếm những điều kinh khủng nhất, mà hậu quả tai hại chỉ có nhân dân phải gánh chịu.

Trung Nam từ Đà nẵng – Thoibao.de (Tổng hợp)

https://youtu.be/m04yfNqvV1Q
Nhật, Mỹ “bỏ chạy” khỏi Trung Quốc
Kasse animation 7.8.2023