Bắc Kinh: Hà Nội ‘không có quyền’ bình luận về lệnh ngừng đánh bắt cá trên Biển Đông

https://www.youtube.com/watch?v=P7pb827HEyo

Trung Quốc phản pháo lại sự chống đối của Việt Nam về lệnh cấm đánh bắt cá mà Hà Nội gọi là “đơn phương” mới được Bắc Kinh ban hành cho hơn ba tháng mùa hè.

Theo Tân Hoa Xã, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 11/5 tuyên bố rằng Việt Nam “không có quyền bình luận về lệnh ngừng đánh bắt cá vào mùa hè này của Trung Quốc trên vùng Biển Nam Trung Hoa (Việt Nam gọi là Biển Đông) vì các biện pháp này thuộc quyền hành chính của Trung Quốc.”

Phát ngôn của ông Triệu Lập Kiên được đưa ra 3 ngày sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng lên tiếng phản đối “quyết định đơn phương” của Trung Quốc. Bà Hằng hôm 8/5 đề nghị phía Trung Quốc “không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.”

Lệnh cấm này được Bắc Kinh đưa ra sau khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc lợi dụng sự tập trung của cộng đồng quốc tế vào đại dịch virus corona để bành trướng trên Biển Đông.

Tân Hoa Xã cho biết, lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm vừa được ban hành áp dụng cho vùng hải lý phía bắc trên vĩ tuyến 12 của biển Nam Trung Hoa – tức Biển Đông. Hơn 50.000 tàu đánh cá của Trung Quốc sẽ ngừng hoạt động trong thời gian lệnh cấm.

Lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm của Trung Quốc trong năm nay bắt đầu vào ngày 1/5 và dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 16/ 8 ở vùng biển phía bắc, trong phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến vùng biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, một phần khu vực Vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough, theo tin từ truyền thông Việt Nam.

Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ tăng cường tàu chấp pháp giám sát hai tới ba lần một ngày để bắt và xử phạt các trường hợp tàu cá bị coi là vi phạm.

Ảnh: tàu Hải giám Trung Quốc trên Biển Đông

Trong bài phát biểu, ông Triệu Lập Kiên nói rằng “không thể chối cãi rằng Quần đảo Hoàng Sa là một phần của lãnh thổ Trung Quốc“, đồng thời nhấn mạnh rằng Trung Quốc có quyền chủ quyền và quyền tài phán ở vùng biển có liên quan của Biển Đông theo luật pháp quốc tế và luật pháp trong nước của Trung Quốc.

Thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè ở vùng biển có liên quan của Biển Đông là một biện pháp hợp pháp của Trung Quốc để thực hiện các quyền hành chính và thực thi các nghĩa vụ quốc tế có liên quan theo luật pháp,” ông này nói. Ông nói thêm rằng biện pháp này có lợi cho việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản và phát triển bền vững ở Biển Đông.

Người phát ngôn BNG Trung Quốc nói rằng Việt Nam “không nên khuyến khích ngư dân của mình vi phạm các quyền và lợi ích của Trung Quốc cũng như làm suy yếu sự phát triển bền vững của các nguồn lợi thuỷ sản” trên Biển Đông.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Hà Nội hôm 8/5 cho rằng ngư dân Việt Nam “hoàn toàn có quyền đánh bắt cá trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.”

Theo Tuổi Trẻ, Hội Nghề cá Việt Nam vào tuần trước đã gửi công văn tới Văn phòng Chính phủ và nhiều bộ sở khác để “kịch liệt phản đối hành động hết sức phi lý của phía Trung Quốc.”

Hôm 04/5 bà Lê Thị Thu Hằng nói:

Việt Nam phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc. Quy chế này xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), trái với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc.”

Hồi năm 2019, Trung Quốc cũng đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá tương tự. Và sau khi lệnh này được dỡ bỏ sau ba tháng rưỡi, Trung Quốc cho hơn 3. 000 tàu cá của mình ra khơi, khiến căng thẳng trong khu vực gia tăng.

Cùng lúc đó, hồi tháng 8/2019, tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc cùng một số tàu hộ tống đã quay trở lại khu vực Bãi Tư chính thuộc Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Việt Nam sau một thời gian ngắn rút đi, khiến bầu không khí tưởng chừng đã dịu đi chút ít giữa Bắc Kinh và Hà Nội trở nên căng thẳng trở lại.

Lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm được Trung Quốc bắt đầu đưa ra từ năm 1999.

Lệnh này, theo Trung Quốc, là nhằm để bảo vệ các nguồn tài nguyên biển và môi trường sinh thái.

Tuy nhiên, Việt Nam luôn phản đối và coi đây là lệnh cấm bất hợp pháp.

Quyền đánh bắt cá đã trở thành một trong những vấn đề gây căng thẳng giữa Trung Quốc và một số nước khác trong khu vực.

Hồi năm 2019, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã rút lại thỏa thuận miệng mà ông nói đã hứa với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi 2016, theo đó cho phép ngư dân Trung Quốc vào đánh bắt ở vùng biển có tranh chấp quanh khu vực bãi Cỏ Rong.

Lệnh cấm đánh bắt cá năm 2020 của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông đã leo thang, khi Trung Quốc bị cáo buộc lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để tăng cường các hoạt động tại vùng biển này.

Ngay trước lệnh đánh bắt cá, Trung Quốc đã tiến hành khai thác khí tự nhiên trên Biển Đông, đưa tàu và máy bay tới diễn tập, khánh thành hai trạm nghiên cứu ở Đá Subi và Đá Chữ Thập. Trung Quốc cũng cho đánh chìm tàu cá của Việt Nam, và ra quyết định nâng cấp đơn vị hành chính của quần đảo mà nước này gọi là Tây Sa, Nam Sa thành quận Tây Sa, quận Nam Sa, thuộc thành phố Tam Sa – nằm trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam

VN làm gì khi TQ cấm đánh cá đến giữa tháng 8?

Ảnh: 3 tàu hải cảnh TQ uy hiếp rồi đâm chìm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi hôm 2-4

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội hôm 04/5/2020, Tiến sỹ Trần Công Trục trước hết nêu bình luận về thực chất bản chất của lệnh cấm đánh bắt cá mà theo ông là ‘đơn phương’ của phía Trung Quốc:

Vừa rồi phía Trung Quốc ra một lệnh cấm đánh bắt cá ở một tọa độ khoảng từ ở khu vực Quần đảo Hoàng Sa trở về phía Bắc. Hàng năm, đến khoảng tháng Năm, Trung Quốc thường có một lệnh như vậy với một lý do là để họ bảo vệ nguồn lợi hải sản, sợ đánh cá cạn kiệt, không bảo vệ được hải sản, đó là lý do của Trung Quốc.

“Nhưng theo tôi nghĩ, giống như mọi năm, phía Việt Nam lên tiếng phản đối lệnh đó, bởi vì đây là vùng biển thuộc khu vực đánh cá truyền thống của ngư dân Việt Nam vẫn thường làm ăn hàng năm từ bao đời nay, trong đó có vùng ở Quần đảo Hoàng Sa.

“Lệnh cấm đánh bắt cá này là lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc ở trong vùng biển thuộc chủ quyền của nước khác và thậm chí có những vùng biển đang có những vấn đề mà hai bên đang đàm phán để mà phân định.

“Nhất là vùng cửa Vịnh Bắc Bộ, hai bên đang đàm phán, chưa có đường phân định cuối cùng. Đây là vùng có sự chồng lấn.

“Việc đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá ở một vùng rộng lớn như thế này rõ ràng là một hành động trái với quy định của Công ước Luật Biển, trái với thông lệ quốc tế và đặc biệt là gây cản trở cho hoạt động làm ăn, sinh sống của ngư dân Việt Nam ở khu vực này.”

Theo nguyên lãnh đạo Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, mặc dù trong nhiều năm qua, hàng năm Trung Quốc đều ban hành lệnh cấm nói trên, nhưng trong bối cảnh của năm 2020, động thái này có một ý nghĩa mới.

Ảnh: Tàu cá Việt nam tại Tp.Phan Thiết  hôm 2-5

Tiến sỹ Trần Công Trục nói:

Năm nào cũng vậy và chính phủ Việt Nam đều lên tiếng phản đối, còn năm nay họ làm là tiếp tục, nhưng nó diễn biến sau những sự việc như chúng ta biết là họ tiến hành tập trận, rồi húc chìm tàu cá của Việt Nam, rồi ra quyết định nâng cấp đơn vị hành chính của quần đảo mà họ gọi là Tây Sa, Nam Sa thành quận Tây Sa, quận Nam Sa, thuộc thành phố Tam Sa.

“Rồi họ đưa các tàu ‘nghiên cứu’ đi xuống phía nam và hiện nay họ vẫn đang quần đảo ở khu vực ấy, bây giờ lại ra quyết định này, thì theo tôi nó là một sự tính toán chung của một cái nhìn mà họ đang chuẩn bị cho một chiến dịch mới, trong bối cảnh các nước trong khu vực cũng như quốc tế đang tập trung, gồng mình để chống lại đại dịch Covid-19. Đây rõ ràng là hành động có tính toán của Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay.”

Giải pháp cao hơn?

Khi được hỏi trước lệnh cấm đánh bắt cá mà Trung Quốc đưa ra lần này, Việt Nam so với những năm trước cần có động thái gì có tính đổi mới để đạt được sự hiệu quả hơn trong đảm bảo lợi ích hợp pháp và chính đáng của mình hay không, Tiến sỹ Trần Công Trục nói:

Đây là một vấn đề luôn được đặt ra và phải nói là rất cần thiết, mà cực kỳ khó khăn chứ không phải đơn giản chút nào, bởi vì Trung Quốc luôn tìm cách ra các lệnh và đồng thời dùng sức mạnh để đe dọa, ngăn cản, thậm chí bắn, húc, đánh chìm tàu, hay thậm chí bắt rồi giam tù, đòi tiền phạt, tịch thu tàu bè, ngư cụ, tài sản của ngư dân Việt Nam mà trước đó đã rất nhiều lần xảy ra như vậy, mà Việt Nam cũng đã có phản đối.

“Theo tôi, điều đầu tiên, trước hết là Việt Nam phải tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa đối với các lệnh phi pháp này của Trung Quốc, như trước đây Việt Nam đã làm.

“Thứ hai, đối với ngư dân, trong bối cảnh đó, có những khó khăn và nguy hiểm mà ngư dân phải để ý, chứ không thể nhắm mắt mà làm liều được, cần phải trang bị cho ngư dân hiểu biết về toàn bộ tính nhạy cảm của khu vực này, làm đến đâu và làm chỗ nào thì cần phải có sự hỗ trợ của các lực lượng khác như là cảnh sát biển, kiểm ngư và tổ chức thành các đoàn, đừng đánh cá riêng lẻ, để có thể sẵn sàng đối phó với những hoạt động phi pháp của Trung Quốc.

Người ngư dân, trong sự mưu sinh của người ta, vì đây là vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam từ xưa đến nay, họ không bao giờ lùi bước cả.”TS Trần Công Trục nói.

Ảnh: hành trình của tàu khảo sát địa chất Hải dương 8 của Trung quốc trên biển Đông cho đến ngày 8-5-2020, hiện tàu này đang trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia và một phần vào vùng chồng lấn với EEZ của Việt nam, khi di chuyển luôn được tàu hải cảnh Zhongguohaijing 4203 bám sát bảo vệ

Nhưng tất nhiên để không xảy ra tổn thất về người và phương tiện, gây ra những rắc rối, thì cần phải có thêm sự tổ chức mạnh hơn, rõ ràng hơn các tập đoàn, các tổ, rồi có những lực lượng bảo vệ cụ thể.”

Theo Tiến sỹ Trần Công Trục, Việt Nam cần cung cấp và trang bị thêm cho ngư dân một số biện pháp nâng cao hơn để giúp cho việc tự bảo vệ, cũng như giúp đỡ cho việc đấu tranh pháp lý hiệu quả hơn, ông nói.

Tôi nghĩ phải trang bị cho ngư dân, các lực lượng khi làm ăn đó, có được những phương tiện cần thiết để ghi nhận lại tất cả những hành vi phi pháp của Trung Quốc khi họ ra đó bắt bớ hoặc họ húc chìm tàu, hoặc họ đánh bị thương, thì phải ghi nhận lại vị trí tọa độ, hành xử ra làm sao, để chúng ta có thể có những hồ sơ pháp lý khi cần thiết, chúng ta kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán về mặt dân sự, cũng như về các mặt khác, mặt hình sự khác.

“Tôi nghĩ phải làm như thế, chứ nếu Việt Nam chỉ hô hào chung rồi ra đấy, không có ghi nhận bất cứ một bằng chứng nào cả, thì khi cần thiết đưa ra kiện thì rất khó khăn…

“… Và đặc biệt, tôi cho rằng cần phải xử lý rất khôn ngoan, cương quyết, nhưng rất kiên trì, chỗ này rất quan trọng, cho nên có thể phải sử dụng đến ngay bản thân lực lượng của những người đánh cá, trang bị cho họ những phương tiện cụ thể cần thiết và các phương tiện khác như đã nói.

“Rồi các lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư, đấy là lực lượng chấp pháp của Việt Nam, họ có thể có quyền ra đấy để hoạt động về mặt dân sự, về mặt hành chính, còn đụng đến hải quân thì là phạm vi khác, tức là phạm vi trong lãnh hải, trong nội thủy, ở trong vùng lãnh thổ thì có thể dùng đến lực lượng quân sự.

Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

https://www.youtube.com/watch?v=rZ1gmBDkQog
TQ đuổi VN, “gây gổ” với Nhật Bản và Ấn Độ