Trong tâm thế bước vào trạng thái “bình thường mới” khi hơn 30 ngày liên tiếp không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng; vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế; vừa không chủ quan trong phòng, chống dịch hiệu quả, Việt Nam long trọng kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2020). Đây cũng là dịp để ta cùng nhìn lại kết quả của công tác tuyên truyền, thần thánh hóa nhân vật được coi là lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam.
Dù bênh vực hay chống đối Hồ Chí Minh thì không ai có thể phủ nhận rằng Hồ Chí Minh là một nhân vật ảnh hưởng rất lớn đến lịch sử Việt Nam từ giữa thế kỷ 20 cho đến nay.
Trong bài viết ‘Tâm tình với tuổi trẻ về Hồ Chí Minh’ nhân ngày sinh nhật ông Hồ Chí Minh năm 2006, Bùi Tín, một nhân vật bất đồng chính kiến, từng là Phó Tổng biên tập của báo Nhân dân, đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, đã ghi nhận hai thành tích của ông Hồ Chí Minh. Thứ nhất, ông là người lãnh đạo của cuộc Cách mạng tháng Tám, được toàn dân hưởng ứng, kết thúc thời kỳ thực dân và phong kiến, mở ra thời kỳ mới cho đất nước. Thứ hai, với tư cách là Chủ tịch Chính phủ kháng chiến, ông còn lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, còn gọi là cuộc chiến 9 năm, đến thắng lợi, với chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơnevơ, thực dân Pháp phải từ bỏ Việt Nam.
Tại Việt Nam, Hồ Chí Minh được thần tượng hóa đến độ thần thánh hóa. Từ sau khi Hồ Chí Minh qua đời ngày 02/9/1969, mặc dù ông Hồ có ý muốn được hoả thiêu như ông đã viết trong di chúc: “Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là hỏa táng, vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất”, Đảng Lao động vẫn quyết định xây lăng cho Hồ Chí Minh ngay tại Hà Nội. Lăng được khánh thành ngày 29/8/1975, nằm ở trung tâm Hà Nội, đứng sừng sững phía trước Phủ chủ tịch (tức dinh Toàn quyền cũ), bảo trì rất tốn kém. Ông Bùi Tín mô tả: “Gỗ quý nhất, đá vân đủ màu từ khắp nơi được chọn kỹ đưa về Hà Nội. Nhiệt độ trong lăng quanh năm giữ ở khoảng 16 đến 18 °C, với 2 máy điện dự trữ. Cả một Bộ tư lệnh lăng do 2 ông tướng chỉ huy, bằng 2 tiểu đoàn, canh gác, phòng thủ nghiêm mật, tuyển theo lý lịch 3 đời trong trắng, chọn kỹ cả về hình thể: khoẻ, gọn, cao, khôi ngô, bắn súng, võ thuật đều loại ưu; 2 tiêu binh như tượng đất nung, dù nắng chói, mưa dầm, gió mạnh, gác cửa vào. Một đội ngũ kỹ thuật đào tạo từ Liên Xô, với những chuyên gia và chuyên viên thượng thặng, gần một trăm người chia thành nhiều kíp lo việc bảo quản “từng tế bào của lãnh tụ”; có người tán thêm: mỗi sợi tóc, mỗi sợi râu, mỗi móng tay, móng chân của “ông Cụ” đều có một lý lịch.”
Thi hài của Hồ Chí Minh được đặt trong lăng cho mọi người chiêm bái. Gần đây tượng của Hồ Chí Minh còn được đặt trong chùa. Cho dù Đảng Cộng sản Việt Nam không chính thức đứng ra làm việc này, nhưng chắc chắn Đảng Cộng sản Việt Nam đã ngầm đồng ý nên không ngăn cấm việc này.
Quan trọng hơn cả, vào cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, chế độ cộng sản sụp đổ ở các nước Ðông Âu và ngay chính tại Liên Xô, chiếc nôi của chủ nghĩa cộng sản. Do vậy, để củng cố ý thức hệ và nhất là tăng cường lại niềm tin nơi đảng viên và quần chúng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã sáng tạo ra “tư tưởng Hồ Chí Minh” từ sau Ðại hội 7 từ 24 đến 27/6/1991. Sau đó, tư tưởng Hồ Chí Minh được chính thức đưa vào điều 4 chương 1 Hiến pháp năm 1992 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Một điều đáng chú ý là, theo ông Bùi Tín, người đã chứng kiến những biến động to lớn trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 20 từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến khi giải phóng miền Nam 1975 và giai đoạn xây dựng đất nước sau này dưới vai trò của một người lính đồng thời là một nhà báo, thì “ông Hồ luôn nói rằng ông không có tư tưởng gì riêng cả. Mọi tư tưởng cách mạng, Marx, Lenin, Stalin và Mao đã nói lên hết rồi”. Và thực tế là trên thế giới, người ta chưa bao giờ xem Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng, trong Tiếng Anh không có từ Hoism mà chỉ có Marxism, Lenism, Stalinism, Maoism…
Blogger Đỗ Ngà nhận định: “Trước 1990, tại Việt Nam không hề có cái gọi là “Tư tưởng Hồ Chí Minh”, nhưng sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Đảng Cộng sản mới bắt đầu gom những câu nói bâng quơ của ông Hồ Chính Minh rồi gộp lại thành một mớ hổ lốn không có sự liên kết gì trong lí luận cả, rồi sau đó, mấy ông trong Ban Lý luận Trung ương mới tự suy diễn thêm để liên kết những thứ hổ lốn kia lại và viết thành những tập sách dày cộm rồi gọi đó là “Tư tưởng Hồ Chí Minh”. Ai cũng biết, ông Hồ Chí Minh luôn lấy lại những chính sách mà Mao đã làm (có bị chỉ thị phải làm hay không thì chưa biết). Bên kia có Cải cách ruộng đất thì bên này cũng có Cải cách ruộng đất, bên kia có Trăm Hoa Đua Nở thì bên này có Nhân Văn Giai Phẩm. Nói thẳng ra, ông Hồ chí Minh là người triển khai Maoism tại Việt Nam chứ ông chẳng có một thứ Hoism của riêng ông. Ông là người rập khuôn, ông hoàn toàn không phải là nhà tư tưởng. Có chăng, thì đó là những thứ của Marx, Lênin, Stalin và của Mao rồi Đảng Cộng sản vơ lấy gắn mác ông vào chứ ông chẳng có gì riêng cả.”
Không dừng lại ở đó, năm 2003, Ban Bí thư (khóa IX) ra Chị thi 23 về việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh. Đến năm 2006, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh khi đó ký Chỉ thị 06, tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh“.
Bình luận với BBC về kết quả của phong trào học tập và làm theo gương đạo đức cố Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay là gần 20 năm, Nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh nói: “Kết quả như thế nào, những người Việt Nam trong nước và hải ngoại có thể rút ra nhận thức của riêng mình. Với tôi, nếu phong trào này là thiết thực và hiệu quả thì tình trạng tham nhũng, cửa quyền, vi phạm kỷ luật Đảng, phạm tội hình sự trong đội ngũ cán bộ đảng viên đã không ngày một trầm trọng như chúng ta đang chứng kiến.”
Còn Nhà văn Võ Thị Hảo đánh giá về hai thập niên vận động, tuyên truyền như sau: “Việc tuyên truyền và vận động về Hồ Chí Minh trong một số năm trở lại đây nhằm mục đích tuyên bố với mọi người rằng Việt Nam kiên quyết đi theo con đường cộng sản độc tài toàn trị, đừng bao giờ hy vọng sẽ có thay đổi theo dân chủ đa nguyên.
Hình ảnh và con đường gọi là Tư tưởng Hồ Chí Minh được đưa ra như một lá bùa để che giấu việc đảng Cộng sản đã biến thành một giai tầng thống trị lợi ích nhóm, thả sức tham nhũng và sinh sát với dân, đi ngược quyền lợi nhân dân.
Hiệu quả, mục tiêu theo tôi thì hầu hết người dân không tin, nhưng không dám đụng đến chủ đề cấm kị này vì sự trấn áp và nỗi sợ bị đàn áp, trù dập.”
Các nhà quan sát cho rằng điều tai hại nhất đến từ việc tuyên truyền tư tưởng, tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh, đó là việc hình thành nên một lối sống giả dối trong đội ngũ cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân.
Blogger Nguyễn Hữu Vinh nhận xét: “Với lớp đảng viên, đoàn viên thì vô hình chung lại dễ khuyến khích thêm lối sống đạo đức giả – nói rất kêu nhưng làm ngược lại. Hiện tượng Trương Minh Tuấn, Nguyễn Bắc Son là dẫn chứng sinh động nhất.”
Nhà văn Võ Thị Hảo thì cho rằng: “Phải vờ vịt trung thành, đó là miếng ăn và tiến thân, trong lòng họ thì sự khinh bỉ, khinh ghét, hành động thì trái ngược lại, nhưng ngoài miệng thì phải luôn ca ngợi “công lao của đảng và bác”.
Chưa bao giờ con người Việt Nam có thế ứng xử giả dối đến như vậy lâu nay, không rõ sau này lịch sử và con cháu soi chiễu, xem xét lại giai đoạn và triều đại này thì sẽ nói gì, nghĩ gì, nhưng hiện tại tôi nghĩ chính đảng đã nêu gương ứng xử như thế đó.”
Tác giả Lê Quốc Tuấn đánh giá: “Thần thánh hóa Hồ Chí Minh là phương sách cuối cùng và oan trái nhất, là kết quả gượng ép, bỉ ổi, cười ra nước mắt nhất của cả một hệ thống tuyên truyền nhồi sọ một chiều từ thế hệ này qua thế hệ khác của những người cộng sản lãnh đạo Việt Nam suốt mấy mươi năm nay về nhân vật Hồ Chí Minh.
Nói rằng phương sách cuối cùng là bởi vì 2 ý nghĩa: Thần thánh là vị trí cuối cùng mà một con người có thể đạt được trong một cộng đồng nhất định. Sau một thời gian bóp méo lịch sử, miệt mài tô vẽ nhân vật Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã dám cả gan hấp tấp đẩy ông lên đến vị trí cuối cùng, cao nhất và ý nghĩa còn lại chính là qua sự việc ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chứng tỏ sự suy nghĩ bế tắc nhất của mình khi sử dụng đến phương sách này. Oan trái là bởi vì từ việc xây lăng, sùng bái cá nhân Hồ Chí Minh đi đến cao điểm là thần thánh hóa ông, Đảng Cộng sản Việt Nam đã cố tình bức tử con người thật, giá trị thật của ông, tạo nên những oan ức, ngang trái dở khóc dở cười về con người ông và khi hành động như thế, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chà đạp, khinh thường tâm tư, nguyện vọng của chính bản thân ông và hàng triệu người Việt Nam khác.”
Sau từng ấy năm đến nay, công cuộc tuyên truyền về Hồ Chí Minh vẫn được Đảng ta và những đồng chí đảng viên hậu thế của Hồ Chí Minh ngày ngày theo đuổi với những sáng tạo không ngừng nghỉ. Mới đây, ngày 16/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Lễ Khánh thành Công trình “Hợp tác xã với Bác Hồ” tại Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên (Làng Sen 3, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An) do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với UBND xã Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An) tổ chức. Trong cùng ngày ông Thủ tướng cũng đã tới dự Lễ Khánh thành đền Chung Sơn – đền thờ gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bình luận về đền Chung Sơn, Facebooker Nguyễn Hữu Vinh viết trên facebook cá nhân như sau: “Chấp thuận từ 2012, mà cứ lặng lẽ làm suốt 8 năm ròng, không thông báo gì cho dân, tốn kém bao nhiêu, kiểu cách thế nào để dân đóng góp, lại cả giám sát xem có đứa nào nó ăn bớt ăn xén của bác không v.v..”
Facebooker Dương Quốc Chính thì nhận định: “Cái đền thờ gia quyến Chủ tịch Hồ Chí Minh này là công trình xã hội hóa, của công ty Bắc Á (TH true milk). Dự án bao gồm cả quần thể rừng cây xung quanh (núi Chung) làm công viên sinh thái. Đại khái chúng ta cần hiểu đây là 1 dự án du lịch công viên sinh thái lấy đền thờ làm điểm nhấn để thu hút khách du lịch.
Phần đền thờ thì chắc không bán vé nhưng công viên thì chắc có. Có nghĩa là doanh nghiệp dùng gia đình bác để thu tiền du lịch mà thôi. Cũng kiểu như chùa Bái Đính, Tam Chúc gì đó lấy Phật ra để hút khách du lịch tâm linh.
Đây là 1 hướng kinh doanh khá sáng tạo, dùng lãnh tụ để kiếm tiền. Rất có thể nếu ở đây thành công thì doanh nghiệp sẽ mở chuỗi đền thờ kiểu này ở khắp các tỉnh thành. Bác Giáp sẽ là đối tượng hút khách thứ 2 sau bác Hồ.
Mình chỉ thắc mắc là đền này thờ họ Nguyễn hay họ Hồ?”
Blogger Trân Văn thì cho rằng Đền Chung Sơn có tên đầy đủ là “Đền thờ gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh” đã khiến nhiều người ngỡ ngàng vì hai lẽ.
Thứ nhất, nội hàm của gia tiên là toàn bộ tổ tiên của một gia tộc, rộng hơn gia đình (vốn chỉ có cha mẹ, anh em của “bác”), thế thì người Việt chỉ “tưởng nhớ và tri ân những công lao cho quê hương, đất nước” của các thành viên trong gia đình “bác” hay phải “tưởng nhớ và tri ân những công lao cho quê hương, đất nước” cả gia tộc của “bác”, bao gồm các thế hệ hậu sinh đương đại và tương lai? Thứ hai, khi càng ngày càng nhiều người băn khoăn về gia thế của “bác”, lý do “bác” đột ngột bỏ họ Nguyễn, đổi thành họ “Hồ” rõ ràng rất đáng bận tâm nhưng không được bàn, giờ đặt ra chuyện phải thờ cả gia tiên, người Việt nên thờ gia tộc “Nguyễn Sinh” hay gia tộc “Hồ Sĩ” hoặc cả hai ?
Tác giả cũng nhận định: “Trên thực tế, tưởng nhớ và tri ân “bác” hết sức tốn kém. Cho dù ngân sách thâm thủng, nợ nần liên tục gia tăng, chi tiêu cho giáo dục, y tế liên tục bị cắt giảm nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đặc biệt yêu thích loại dự án tưởng nhớ và tri ân “bác” với qui mô càng ngày càng lớn! Phong trào tưởng nhớ và tri ân “bác” sôi nổi tới mức, tháng 5 năm 2015, Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch của Việt Nam phải tổ chức một hội thảo về “Tiêu chí nội dung, địa điểm xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030”. Theo “quy hoạch” được công bố tại hội thảo đó thì từ 2015 đến năm 2030, Việt Nam sẽ xuất ngân sách để xây dựng… 58 quần thể quảng trường – tượng đài tưởng nhớ và tri ân “bác”. Chính quyền các tỉnh, thành phố ở Việt Nam phải xếp hàng chờ tới lượt mình.”
Từ đó, tác giả viện dẫn năm 2015 chính quyền tỉnh Sơn La, một tỉnh miền núi khó khăn nơi ‘trẻ con ăn không đủ no, áo không đủ ấm, sinh hoạt như lũ thú hoang’, lại quyết định xây quần thể quảng trường – tượng đài Hồ Chí Minh, trị giá 1.400 tỉ đồng. Rồi năm 2018 – chính quyền TP.HCM lại khuấy động dư luận khi gửi cho Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch đề nghị xây dựng “Quảng trường Hồ Chí Minh” tại Thủ Thiêm. Nhờ sự phản đối mạnh mẽ của dư luận mà hai công trình này cho đến nay đã không được thực hiện.
Nhưng ‘cái khó ló cái khôn’ phong trào tưởng nhớ Bác không vì thế mà hạn chế. Năm 2017, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình bỏ phiếu thông qua Dự án xây dựng Quần thể tượng đài Hồ Chí Minh tại thành phố Đồng Hới. Theo đó, chính quyền tỉnh Quảng Bình sẽ giao cho một công ty có tên là Sơn Hải 36 héc ta đất ở thành phố Đồng Hới và công ty này sẽ bỏ ra 128 tỉ đồng để thực hiện dự án. Tác giả Trân Văn bình luận: “Dẫu đó là đem công thổ đổi công trình nhưng công trình lại liên quan tới… “bác”, không thấy ai thắc mắc 36 héc ta đất ở thành phố Đồng Hới đã được định giá thế nào, có tương xứng với 128 tỉ đồng hay không?”
Trân Văn kết luận: “có thể thấy sức sáng tạo của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam để duy trì phong trào xây dựng các công trình tưởng nhớ và tri ân “bác” là… vô đối! Nếu Quảng Bình không thèm dùng công quỹ, đem công thổ đổi “bác” thì TP.HCM giấu… giá và Nghệ An kết hợp cả hai: Vừa giấu khoản công quỹ phải chi, vừa ém cả thỏa thuận đã trao những gì khi Ngân hàng Bắc Á tham gia “xã hội hóa một phần” để công chúng xét xem trao đổi đó có tương xứng hay không?
—
Kể từ khi ông Hồ Chí Minh chết đi, nhưng di nguyện thiêu xác của cố lãnh tụ này đã không được các đồng chí của ông thực hiện, tệ hại hơn nữa, họ đã dùng chính cái xác của ông để tiếp tục lợi dụng mị dân, buôn bán và trục lợi.
Đảng cộng sản Việt Nam mà người đứng đầu là ông TBT Nguyễn Phú Trọng đã luôn tuyên truyền, toàn đảng, toàn dân phải học tập tấm gương và những lời căn dặn của Hồ Chí Minh, nhưng bản thân các lãnh đạo của đảng này lại làm ngược lại những di nguyện của ông, điều đó thật trớ trêu cho những người cộng sản, vì họ phải dùng sự lừa dối để tồn tại.
Hoàng Trung từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)