Tư lệnh Mỹ tố cáo Trung Quốc hung hăng trên Biển Đông và sẵn sàng đáp trả

https://www.youtube.com/watch?v=_Rkt3sqRSUQ
Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=_Rkt3sqRSUQ

Trả lời hãng tin Reuters qua điện thoại, tư lệnh lực lượng Mỹ tại Nhật Bản tố cáo trong cuộc khủng hoảng COVID-19, tần suất hoạt động của hải quân Trung Quốc tăng vọt, không chỉ trên Biển Đông, mà cả tại Biển Hoa Đông.

Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Nhật Bản, Trung tướng Kevin Schneider hôm 05/6/2020 tố cáo Trung Quốc lợi dụng dịch virus corona để bành trướng tại Biển Đông, thông qua việc tăng cường các hoạt động trên biển nhằm đe dọa các nước có yêu sách chủ quyền tại đây.

Trung tướng Kevin Schneider tuyên bố đang có sự gia tăng hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông. Các chiến hạm của hải quân, tàu tuần duyên và tàu cá của dân quân biển quấy nhiễu tàu bè của các nước khác, tại vùng biển bị Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền.

Tướng Schneider nhận định Bắc Kinh vẫn sẽ tiếp tục nhịp độ này.

Nhật Bản là nơi quân Mỹ đồn trú nhiều nhất châu Á, có cả hàng không mẫu hạm, lực lượng thủy quân lục chiến, các phi đội chiến đấu.

Ngoài nhiệm vụ bảo vệ nước Nhật, lực lượng Hoa Kỳ còn được triển khai để răn đe Trung Quốc trước những hoạt động nhằm mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực, kể cả trên Biển Đông.

Ảnh: Trung Tướng Kevin Schneider, Tư lệnh các lực lượng Mỹ ở Nhật Bản

Không chỉ giàu tài nguyên thiên nhiên, Biển Đông còn là một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới; hàng năm, giá trị hàng hóa được vận chuyển qua vùng biển này lên tới 3.400 tỷ USD.

Nhiều năm trở lại đây, Bắc Kinh luôn đòi hỏi chủ quyền đối với 80% diện tích Biển Đông, tương đương hơn 2,2 triệu km2 và hoàn toàn phớt lờ lợi ích của các quốc gia láng giềng trong khu vực.

Ngoài việc nhắm tới các mục tiêu chiến lược quân sự thuần túy, Trung Quốc còn có tham vọng kiểm soát tuyến hàng hải với các dòng chảy thương mại phục vụ cho không chỉ chính Trung Quốc mà còn các quốc gia Đông Á khác như Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Giữa tháng 4/2020, Trung Quốc đã tuyên bố thành lập hai đơn vị hành chính trên vùng Biển Đông, một trên quần đảo Trường Sa và một trên quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc cũng đặt tên cho 25 đảo, rạn san hô và đá ngầm, gồm cả đảo nhân tạo mà họ xây dựng, và 55 cấu trúc địa hình khác dưới mặt biển.

Những việc này liên tiếp diễn ra trong bối cảnh Mỹ – quốc gia ủng hộ các nước nhỏ ở Đông Nam Á có mâu thuẫn với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông – rút tàu sân bay Theodore Roosevelt lớn nhất của họ khỏi khu vực sau khi phát hiện có virus SARS-CoV-2 lây lan trên con tàu này.

Cũng trong thời gian này, Trung Quốc tiếp tục sử dụng các tàu chiến của Quân giải phóng nhân dân cũng như lực lượng Cảnh sát biển để gây sức ép đối với các quốc gia trong khu vực.

Lực lượng Trung Quốc công khai treo cờ nước này ở các vùng biển mà Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia tuyên bố chủ quyền.

Đầu tháng 4/2020, một tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá Việt Nam và bắt giữ 8 người trên tàu.

Tuy nhiên, Bắc Kinh không dừng lại ở việc sử dụng các biện pháp quân sự. Tàu cá Trung Quốc còn tiến hành đánh bắt cá trái phép gần quần đảo Natuna ở cực Nam Biển Đông, vốn thuộc về Indonesia và cách lãnh thổ Trung Quốc hàng nghìn kilomet.

Ngoài ra, Trung Quốc còn sử dụng mọi phương thức để ngăn chặn việc thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên ở vùng đặc quyền kinh tế của nước khác. Vào trung tuần tháng 5/2020, dưới sức ép của các tàu Trung Quốc, một tàu nghiên cứu hoạt động theo hợp đồng ký kết với tập đoàn dầu khí Petronas của Malaysia đã buộc phải rời khỏi khu vực thăm dò dầu khí ở Biển Đông.

Bằng những hành động của mình, Bắc Kinh đang thách thức luật pháp quốc tế cũng như các quốc gia có chủ quyền hợp pháp trên Biển Đông.

Giới chuyên gia cũng có dự đoán rằng trong bối cảnh cả thế giới vừa tập trung vào việc xử lý bệnh dịch vừa hồi phục kinh tế và Mỹ đang phải đối mặt nhiều thách thức, nên không loại trừ khả năng Trung Quốc lợi dụng tình hình này để tuyên bố vùng nhận diện phòng không ADIZ trên Biển Đông.

Cựu đại tá hải quân Mỹ cũng là cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hải quân Mỹ, hiện đang giảng dạy ở Đại học Hawaii (Mỹ) về Quan hệ quốc tế và lịch sử, ông Carl O.Schuster nhận định: “Thực tế, nhiều khả năng Trung Quốc có kế hoạch thành lập ADIZ ở Biển Đông. Tuy Bắc Kinh chưa tuyên bố ADIZ ở Biển Đông trong năm nay, nhưng điều này có thể diễn ra vào năm sau. Trung Quốc có thể đang chờ đợi kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới và muốn hệ thống tên lửa đối không tại bãi đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa được lắp đặt hoàn thiện. Thực sự, khi tính toán thấy có đủ khả năng xử lý các phản ứng của quốc tế, Bắc Kinh sẽ tuyên bố ADIZ ở Biển Đông.”

Thêm vào đó, một lý do cho việc tuyên bố ADIZ ở Biển Đông là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang muốn thể hiện một hình ảnh mạnh mẽ để phục vụ đối nội bằng cách gây ấn tượng về việc từng bước lấy lại những gì mà Bắc Kinh gọi là “chủ quyền”.

Hơn nữa, Tổng thư ký Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) là bà Liễu Phương – một người Trung Quốc. Nên nếu tuyên bố ADIZ ở Biển Đông, Bắc Kinh đủ sức tạo ảnh hưởng để kiểm soát mức độ phản ứng của ICAO.

Đồng thời, cựu đại tá Schuster cho rằng Mỹ đang sẵn sàng khung pháp lý để đáp trả việc Trung Quốc tuyên bố ADIZ ở Biển Đông.

Ảnh: USS Theodore Roosevelt rời cảng Apra ở Guam ngày 04/6

Ông nhận định: “Việc Mỹ vừa có văn bản gửi Liên Hiệp Quốc để phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, nhằm thiết lập sự viện dẫn dựa theo luật pháp quốc tế để sẵn sàng đáp trả các hành động của Bắc Kinh, trong đó có nguy cơ Trung Quốc thiết lập ADIZ ở Biển Đông”.

Tại Biển Đông, Mỹ cũng đã liên tục tiến hành nhiều cuộc tập trận và cả hoạt động của các chiến hạm, máy bay ném bom nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Mới đây, ngày 04/6, tàu sân bay Theodore Roosevelt đã được đưa ra biển trở lại để tiếp tục nhiệm vụ ở Thái Bình Dương.

Chiếc tàu sân bay khổng lồ đã án binh bất động trong khoảng 10 tuần lễ vì vụ bộc phát dịch COVID-19 khiến 1/5 trong số 5.000 thủy thủ trên tàu bị lây nhiễm.

Con tàu trở lại khu vực hoạt động của Hạm đội 7 của Hoa Kỳ để bảo đảm an ninh hàng hải với các quy tắc giãn cách xã hội mới kể cả phục vụ nhiều bữa ăn vào những giờ khác nhau, Hải quân cho biết.

Tân hạm trưởng Carlos Sardiello nói tàu Theodore Roosevelt đã trở lại biển như một biểu tượng của hy vọng.

Sự trở lại của USS Theodore Roosevelt đã thu hút sự chú ý lớn của giới quan sát trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung leo thang ở Biển Đông.

Có thể nói đây là sự hiện diện mang tính biểu tượng, khi Mỹ thời gian qua liên tục tố Trung Quốc lợi dụng COVID-19 và sự suy yếu vì dịch của hải quân Mỹ để đẩy mạnh các hoạt động quyết đoán ở Biển Đông.

Hồi nửa đầu tháng 4, truyền thông Trung Quốc còn “khoe” rằng hải quân nước này kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tốt hơn hải quân Mỹ khi nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc đang tiến xuống Biển Đông để tập trận.

Tờ Hoàn cầu Thời báo còn thể hiện niềm tự hào rằng trong khi nhóm tàu sân bay Trung Quốc đang thực hiện nhiệm vụ thì 4 tàu sân bay của hải quân Mỹ – gồm các chiếc USS Theodore Roosevelt, USS Ronald Reagan, USS Carl Vinson và USS Nimitz – bị gián đoạn hoạt động do xuất hiện các trường hợp nhiễm COVID-19 trên tàu.

Theo Business Insider, thời điểm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt phải neo ở căn cứ đảo Guam vì tình trạng lây nhiễm COVID-19 kể từ tháng 3, cũng là lúc Trung Quốc tăng cường thách thức các hoạt động của hải quân Mỹ, đặc biệt là ở Biển Đông.

Reed B. Werner, phó trợ lý bộ trưởng quốc phụ trách khu vực Đông Nam Á, trả lời trên Fox News rằng, kể từ giữa tháng 3, các máy bay Trung Quốc đã có “ít nhất 9 lần” quấy rối máy bay trinh sát Mỹ ở Biển Đông.

Ông Werner cho rằng Trung Quốc tiếp tục có những hành động “leo thang căng thẳng và gây rủi ro”. Một quan chức quốc phòng Mỹ nói không ít lần các hành động quấy rối của máy bay Trung Quốc được coi là không an toàn, nhưng không tiết lộ chi tiết.

Hành động leo thang căng thẳng của Trung Quốc không chỉ giới hạn trên bầu trời. Ông Werner tiết lộ rằng một tàu hộ tống của Trung Quốc đã tách đội hình khỏi nhóm tác chiến tàu sân bay, có hành động “không an toàn và không chuyên nghiệp” ngay gần tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Mustin của Mỹ ở Biển Đông.

Việc đưa tàu sân bay hạt nhân US Theodore Roosevelt hoạt động trở lại được hy vọng sẽ hạn chế được những hành vi khiêu khích, ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông.

Lan Anh từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Biển Đông “sôi sục” – Mỹ cùng đồng minh chặn TQ

>>> Biển Đông “sôi sục” – Mỹ cùng đồng minh chặn TQ

>>> Ba dân biểu Bỉ đưa vấn đề Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông ra trước Quốc hội

https://www.youtube.com/watch?v=7OVDRxn76fc
Mỹ tố Trung Quốc “chơi xấu” trong cuộc đua tìm vắc-xin viêm phổi Vũ Hán