Gác bất đồng thể chế – Mỹ, Việt hợp sức chống Tàu

https://youtu.be/U-BtEhTWmTQ
Link Video: https://youtu.be/U-BtEhTWmTQ

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun mới phát biểu rằng Hoa Kỳ và Việt Nam “đã thẳng thắn nhìn vào quá khứ, giải quyết những tàn dư một cách có trách nhiệm và biến những điểm bất đồng thành những lĩnh vực hai bên có thể cộng tác”.

Ông Biegun nói thêm rằng việc hai nước phối hợp xử lý ô nhiễm dioxin, rà phá vật liệu chưa nổ và trợ giúp người khuyết tật Việt Nam “đã giúp tăng cường mối quan hệ đối tác giữa chúng ta”.

Một minh chứng nữa cho mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia đó là việc chúng ta đã tổ chức 23 [cuộc] đối thoại thường niên về nhân quyền”, nhà ngoại giao cấp cao phát biểu hôm 28/7 tại một sự kiện trực tuyến do Đại sứ quán Việt Nam ở Mỹ tổ chức để đánh dấu 25 năm ngày hai nước bình thường hóa quan hệ.

Nói về một trong các vấn đề mà hai nước được cho vẫn còn khác biệt, ông Biegun cho biết rằng “những cuộc đối thoại này đã tạo điều kiện trao đổi thẳng thắn” và bày tỏ hy vọng rằng hai bên “sẽ tổ chức đối thoại nhân quyền lần thứ 24 vào cuối năm nay”.

Liên quan tới quan hệ quân sự, nhà ngoại giao cấp cao đứng hàng thứ hai của Mỹ nói rằng hai quốc gia cựu thù “đã xây dựng lòng tin giữa quân đội hai nước”.

Ông Biegun nêu lên ví dụ về chuyến thăm Việt Nam của USS Theodore Roosevelt, tàu sân bay thứ hai của Hoa Kỳ đến Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Chúng tôi vô cùng tự hào khi hỗ trợ nâng cao năng lực cho Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và hỗ trợ triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đầu tiên của Việt Nam đến Nam Sudan”, ông nói thêm.

Ngày nay, tầm nhìn chung của chúng ta về khu vực, thể hiện qua tầm nhìn của chúng ta về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cũng như Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đang củng cố lẫn nhau. Chúng ta cũng đang hợp tác chặt chẽ để giải quyết hàng loạt thách thức trong khu vực Mekong và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.

Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Washington DC, phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Hà Kim Ngọc nói rằng “hai nước đã hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lòng tin và xác lập quan hệ Đối tác toàn diện trên cơ sở lợi ích chung, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau”.

Ảnh: Hôm 27/8/2019, Đại sứ Hoa Kỳ – ông Daniel Kritenbrink đã viếng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn (Quảng Trị). Ông là đại sứ đầu tiên của Hoa Kỳ đến thắp hương tại một nghĩa trang liệt sĩ Việt Nam.

Ông Ngọc nói thêm rằng quan hệ đối tác Việt Nam – Hoa Kỳ “đã phát triển mạnh mẽ và sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có hỗ trợ lẫn nhau ứng phó dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế”, cũng như “mở rộng hợp tác sang xử lý các vấn đề khu vực và toàn cầu, trong đó có Biển Đông, Mekong và Bán đảo Triều Tiên…”

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm 15/7 phát biểu thêm về các tuyên bố chủ quyền “hoàn toàn phi pháp” cũng như “chiến dịch dọa nạt” của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ông Pompeo nói thêm rằng tuyên bố thể hiện quan điểm về Biển Đông hai ngày trước đó “hết sức quan trọng, không chỉ xác định quan điểm của Hoa Kỳ mà còn làm rõ rằng chúng tôi sẽ hỗ trợ các nước khác trong khu vực” tăng cường khả năng duy trì các lãnh hải thuộc chủ quyền của họ.

Mới đây Đại sứ Hoa Kỳ – ông Daniel Kritenbrink đã đồng thời viếng thăm Nghĩa trang Liệt sĩ TP.HCM và Nghĩa trang Quân đội VNCH trong cùng ngày 21/6.

Hồi tháng 8/2019, ông D. Kritenbrink đã viếng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn (Quảng Trị). Ông là đại sứ đầu tiên của Hoa Kỳ đến thắp hương tại một nghĩa trang liệt sĩ Việt Nam.

Trả lời Tuổi Trẻ Online, đại sứ Daniel Kritenbrink cho biết thông điệp chính của chuyến thăm này là hai nước Việt Nam và Mỹ đã hàn gắn vết thương chiến tranh, đặc biệt là sự hợp tác chung trong việc khắc phục hậu quả sau chiến tranh. Những kết quả này không chỉ giúp cải thiện đời sống của người dân Quảng Trị mà còn chính là cầu nối của người dân cũng như chính phủ hai quốc gia.

Chuyến thăm đến nghĩa trang trường Sơn là để bày tỏ sự kính trọng đối với những người đã hi sinh vì lòng yêu nước“, đại sứ Daniel Kritenbrink nói.

Ông Hoàng Nam phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nói việc đại sứ Mỹ lần đầu tiên đến thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn là một hành động rất có ý nghĩa, là một biểu tượng của việc khép lại quá khứ, tôn trọng sự thật. “Đây là hành động vô cùng ý nghĩa để hai bên cùng khép lại quá khứ, hướng tới tương lai hợp tác“, ông Hoàng Nam nói.

Việt Nam ‘tiếp tục hợp tác’, ‘làm sâu sắc hơn nữa’ quan hệ với Mỹ

Ảnh: tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đậu ở vịnh Đà Nẵng trong chuyến thăm Việt nam từ ngày 5-3 đến ngày 9-3-2020

Bộ Ngoại giao Việt Nam mới lên tiếng về khả năng nâng cấp mối bang giao với Mỹ lên đối tác chiến lược, sau 25 năm bình thường hóa quan hệ và 6 năm thiết lập đối tác toàn diện.

Khẳng định “sẵn sàng làm bạn và đối tác tin cậy của tất cả các quốc gia trên thế giới”, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng nói rằng “quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ chứng kiến những bước phát triển tích cực, thực chất trên tất cả các lĩnh vực và trên cả bình diện song phương, đa phương trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau”.

Hai bên duy trì thường xuyên các cuộc tiếp xúc song phương và trao đổi đoàn các cấp, duy trì các cơ chế đối thoại, tăng cường thúc đẩy quan hệ trên các lĩnh vực kinh tế – thương mại, khắc phục hậu quả chiến tranh, an ninh – quốc phòng, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo, hợp tác trên các vấn đề khu vực và quốc tế”, bà Hằng nói trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 2/7.

Thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục hợp tác nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới”.

Tin cho hay, 2020 đánh dấu 25 năm Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ ngoại giao và 6 năm hai nước thiết lập đối tác toàn diện.

Bà Hằng cho biết rằng đại dịch COVID-19 mà nữ phát ngôn viên nói là “diễn biến phức tạp và lan rộng toàn cầu” đã “tác động” tới các hoạt động đánh dấu cột mốc trong mối bang giao Việt – Mỹ.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink được tờ Thanh Niên dẫn lời nói với báo giới rằng ông “không có thông tin cụ thể về việc bao giờ quan hệ ngoại giao giữa hai nước sẽ có một cái tên mới”, nhưng “nhấn mạnh quan hệ thực chất không phụ thuộc vào tên gọi”.

Trang Facebook của Đại sứ quán Mỹ hôm 6/7 cho biết rằng ông Kritenbrink “đã gặp gần 30 nhà báo để thảo luận về mối quan hệ đối tác song phương mạnh mẽ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam”.

Nhà ngoại giao này được dẫn lời nói: “Khi hai nước đánh dấu 25 năm tình bạn trong năm nay, rõ ràng hai dân tộc vĩ đại của chúng ta có nhiều thứ để kỷ niệm!”

Hoa Kỳ viện trợ Việt Nam hơn 160 triệu đôla về an ninh quân sự

Hoa Kỳ viện trợ Việt Nam hơn 160 triệu đôla trong lĩnh vực an ninh quân sự, trong đó có hai tàu tuần duyên trị giá 58 triệu đôla, đồng thời Washington bán hơn 182 triệu đôla thiết bị quân sự cho Hà Nội, theo một thông báo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Thông cáo ngày 27/7 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong những năm gần đây, “hợp tác an ninh quốc phòng Mỹ – Việt đã tăng nhanh chóng”, đặc biệt trong giai đoạn 2017-2020, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang xác lập tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Cụ thể là Kế hoạch Hành động về Hợp tác Quốc phòng kéo dài 3 năm cho giai đoạn 2018-2020.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong năm tài khóa từ 2016 – 2019, Việt Nam đã nhận được hơn 150 triệu đôla tiền hỗ trợ an ninh từ chương trình Tài trợ Quân sự Nước ngoài (FMF). Trong số này có hơn 58 triệu đôla dành cho việc hỗ trợ chuyển giao 2 tàu tuần tra cỡ lớn lớp Hamilton đã loại biên của Tuần duyên Mỹ cho Cảnh sát biển Việt Nam: chiếc USCGC Morgenthau, chuyển giao cuối năm 2017 và chiếc USCGC John Midgett dự kiến chuyển giao vào cuối năm 2020.

Chương trình FMF còn hỗ trợ Việt Nam 24 xuồng tuần tra cao tốc loại Metal Shark, trong đó 6 chiếc cuối cùng đã được bàn giao hồi tháng 5/2020.

Cũng trong chương trình FMF, Việt Nam còn nhận 5 triệu đôla trong năm tài khóa 2018 thông qua chương trình Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPS), dùng hỗ trợ nâng cao năng lực huấn luyện đào tạo máy bay tuần tra biển, hệ thống máy bay không người lái, radar duyên hải…

Năm tài khóa 2016 – 2020, Việt Nam nhận 20 triệu đôla từ chương trình FMF thông qua Sáng kiến an ninh hàng hải Đông Nam Á của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (SAMSI), cùng 10 triệu đôla qua chương trình Sáng kiến an ninh hàng hải Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.

Ngoài ra Hoa Kỳ còn bán cho Việt Nam hơn 182 đôla thiết bị vũ khí an ninh quốc phòng trong các năm tài chính 2015-2019, trong đó có 52,86 triệu đôla các mặt hàng thiết bị quốc phòng bán qua chương trình Bán hàng Thương mại Trực tiếp (DCS) và 130 triệu đôla thiết bị quân sự qua chương trình Bán hàng Quân sự Nước ngoài (FMS).

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ba mặt hàng thiết bị vũ khí chủ yếu mà Việt Nam mua của Mỹ qua chương trình DCS là: điều khiển hỏa lực, laser, hình ảnh và thiết bị dẫn đường (USML Category XII); điện tử quân sự (Category XI); động cơ tuabin khí và các thiết bị liên quan (Category XIX).

Đại sứ quán Trung Quốc ở Australia hôm 29/7 đã phản ứng đầy giận dữ trước một tuyên bố chung của Mỹ và Úc, vốn chỉ trích tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông cũng như ở các nơi khác, cảnh báo rằng “bất kỳ nỗ lực nào nhằm gây áp lực đối với Trung Quốc sẽ không bao giờ thành công”, trang tin news.com.au của Úc đưa tin.

Ảnh: Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cùng Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đã tiếp và làm việc với Ngoại trưởng Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynold của Australia tại Washington ngày 28-7.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đã tổ chức hai ngày thảo luận ở Washington với người đồng nhiệm Úc.  

Ngoại trưởng Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynolds đã bay tới Mỹ dù dịch bệnh COVID-19 và đối mặt với hai tuần bị cách ly khi trở về nước, theo Reuters.

Trong tuyên bố sau các cuộc gặp, hai nước bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về các vấn đề nóng như Hong Kong, Đài Loan, “cuộc đàn áp người Uighur” ở Tân Cương và các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, vốn bị coi là “không có giá trị theo luật quốc tế”.

Tuy nhiên, theo trang tin news.com.au, đại sứ quán Trung Quốc ở Úc đã nhanh chóng lên tiếng bác bỏ.

Cơ quan ngoại giao này phản đối điều bị coi là “các cáo buộc vô căn cứ” và “các cuộc công kích đối với Trung Quốc” về các vấn đề liên quan tới Hong Kong, Tân Cương và Biển Đông đưa ra trong tuyên bố chung.

Trung Quốc tuyên bố không thay đổi chính sách Biển Đông, nghiêm túc tuân thủ UNCLOS

Ngày 29/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố Trung Quốc không thay đổi chính sách đối với vấn đề Biển Đông và nghiêm chỉnh tuân thủ các luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Tân Hoa Xã đưa tin, phát biểu tại cuộc họp báo được tổ chức nhằm phản hồi bài phát biểu hôm 14/7 của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nêu rõ nước này không bao giờ mở rộng các yêu sách chủ quyền. 

Theo ông Uông Văn Bân, chính sách Biển Đông của Trung Quốc vẫn không thay đổi, trước sau như một và ổn định. Quan chức này cho biết thêm Bắc Kinh luôn nhấn mạnh việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển và lãnh thổ với các nước láng giềng thông qua đàm phán phù hợp với luật pháp quốc tế và sự thật lịch sử.

Ảnh: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân

Người phát ngôn Uông Văn Bân nói: “Chúng tôi luôn tuân thủ Tuyên bố về cách ứng cử của các bên ở Biển Đông (DOC) và chúng tôi sẵn sàng làm việc với các quốc gia ASEAN để thúc đẩy các cuộc tham vấn về Bộ Qui tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), nhằm sớm đạt được một bộ qui tắc chung cho Trung Quốc và các nước ASEAN”.

Ông Uông Văn Bân nhấn mạnh Mỹ không phải là một biên liên quan tới vấn đề Biển Đông, và cũng không phải là một thành viên tham gia UNCLOS, cáo buộc Mỹ vi phạm thô bạo cam kết không thể hiện lập trường về vấn đề chủ quyền Biển Đông và cố tình chia rẽ Trung Quốc và các nước ASEAN. Các quốc gia trong khu vực và nhân dân yêu chuộng hòa bình sẽ không cho phép một số ít chính trị gia Mỹ khuấy động các vùng biển ở Biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 30-7 khẳng định “thủy triều đang đổi hướng” và Mỹ nhận được sự ủng hộ của quốc tế về chính sách Trung Quốc, trong đó bao gồm những hoạt động trên Biển Đông.

Ngoại trưởng Pompeo đã dùng ngôn ngữ cứng rắn khi trình bày về căng thẳng ngày một leo thang giữa hai nước trong buổi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ.

Chúng ta nhìn Trung Quốc như bản chất của họ: mối đe dọa trung tâm trong thời đại của chúng ta“, ông Pompeo nói.

Theo ông, nhiều nước đang ủng hộ lập trường của Mỹ, trong đó bao gồm việc đẩy Tập đoàn công nghệ Huawei khỏi hệ thống 5G và tăng cường những hoạt động trên Biển Đông.

Chính sách ngoại giao mạnh mẽ của chúng ta đã giúp cộng đồng quốc tế thức tỉnh trước mối đe dọa từ Trung Quốc. Thưa các thượng nghị sĩ, thủy triều đang đổi hướng“, ông Pompeo nói.

Trong những ngày qua, Washington và Bắc Kinh đều lần lượt đóng cửa 1 lãnh sự quán của đối phương. Gần đây nhất, ông Pompeo từng tuyên bố chấm dứt ưu đãi thương mại dành cho Hong Kong vì luật an ninh quốc gia.

Hải Yến – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam là tội ác?

>>> “Cuộc chiến“ Mỹ – Trung tới hồi khốc liệt

>>>  Căng thẳng Mỹ – Trung sẽ đi đến đâu?

https://www.youtube.com/watch?v=8pg3bQaKLzU
Bị Mỹ và Úc “tẩn mạnh” – TQ loay hoay “trả đòn”