Loạt phóng sự điều tra của hãng truyền thông Al Jazeera của Qatar công bố ngày 23/08/2020, dựa trên tài liệu mật của chính phủ Cyprus (Đảo Síp) bị rò rỉ, tiết lộ ít nhất 26 công dân Việt Nam tham gia vào chương trình đầu tư cho “hộ chiếu vàng” trong giai đoạn từ tháng 11/2017 đến tháng 09/2019. Al Jazeera lập 100 hồ sơ từ hàng chục nước khác nhau và hiện mới nêu tên hai người từ Việt Nam là Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc và doanh nhân Phạm Nhật Vũ. Sự kiện đã làm dấy lên nhiều câu hỏi trong dư luận trong nước.
Câu hỏi đầu tiên mà nhiều người đặt ra là tại sao lại quốc gia Cyprus?
Đảo Síp gọi chính thức là nước Cộng hoà Síp, là quốc đảo lớn thứ ba của Địa Trung Hải, có nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào ngành dịch vụ, vận chuyển và du lịch. Nhờ việc hoàn toàn không phát triển các ngành công nghiệp nặng, đảo Síp có bầu không khí và môi trường sống đặc biệt trong lành.
Đảo quốc này là một trong 10 quốc gia được nhiều người chọn làm nơi nghỉ hưu nhất. Bên cạnh đó, chính sách thuế với nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp cũng giúp cho Đảo Síp trở thành một trong 5 quốc gia phù hợp nhất để tái định cư.
Tháng 03/2014, giới chức Síp đã ban hành một đạo luật mới cho phép các nhà đầu tư nước ngoài trở thành công dân, có được hộ chiếu và có được thẻ xanh đảo Síp thông qua chương trình đầu tư bất động sản Síp với những điều kiện thuận lợi và dễ dàng.
Theo giới tư vấn đầu tư định cư vào châu Âu thì chương trình đầu tư lấy quốc tịch đảo Síp là cách đơn giản và hiệu quả nhất để nhà đầu tư được cấp quốc tịch Liên minh châu Âu. Đây là chương trình duy nhất cho phép nhà đầu tư lấy ngay quốc tịch châu Âu mà không cần phải đáp ứng bất kỳ yêu cầu nào về thời gian cư trú. Thời gian thụ lý để có quốc tịch 8 – 12 tháng.
Đặc biệt, nhà đầu tư và các thành viên trong gia đình được hưởng đủ mọi quyền lợi của công dân châu Âu, bao gồm quyền tự do sinh sống, làm việc, đầu tư ở bất kỳ nước nào trong khối Liên minh châu Âu bao gồm Đức, Ý, Hà Lan, Pháp, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Ireland..v.v. Do là thành viên của Liên minh châu Âu nên hộ chiếu Cộng hòa Síp quyền lực đứng thứ 16 trên toàn thế giới nên công dân Cộng hòa Síp có thể tự do đi lại (hoặc chỉ xin visa điện tử) 172 nước trên toàn thế giới bao gồm Canada, New Zealand, tất cả các nước Châu Âu.v.v
Bên cạnh đó, người nhâp quốc tịch Síp vẫn được quyền giữ quốc tịch Việt Nam và được truyền lại quốc tịch cho thế hệ sau.
Vậy làm thể nào để nhập tịch Cộng hòa Síp?
Để nhập tịch Cyprus, có hai phần phải thực hiện.
Thứ nhất là khoản đầu tư, thường là vào bất động sản. Người muốn nhập tịch cần mua bất động sản tối thiểu khoảng 2 triệu euro (tương đương 51,8 tỉ đồng).
Thứ hai là họ phải hiến tặng 200.000 euro (tương đương 5,18 tỉ đồng) vào quỹ do chính phủ chỉ định.
Như vậy với tổng cộng chi phí nhập tịch vào khoảng khoảng 2,3 đến 2,4 triệu euro (tương đương khoảng trên dưới 60 tỉ đồng) thì người đầu tư, người phối ngẫu và con nhỏ hoặc con trưởng thành dưới 28 tuổi chưa lập gia đình và đang đi học sẽ có được quốc tịch của đảo quốc Síp.
Người di cư chỉ cần duy trì khoản đầu tư bất động sản trong vòng 5 năm. Sau thời gian này, họ có thể bán lại.
Một nhà tư vấn định cư cho biết ngoài các khoản đầu tư bắt buộc thì nếu muốn, khách hàng có thể đầu tư thêm như mua ngôi nhà thứ hai, mua biệt thự lớn trên bờ biển hay mua hai, ba căn hộ để cho thuê hay bán lại.
Nhìn chung, loại hình đầu tư bất động sản để nhập tịch Cộng hòa Síp khá linh hoạt, không giới hạn số lượng, một hay nhiều bất động sản đều được chấp nhận. Hình thức bất động sản cũng rất đa dạng, không bị hạn chế, có thể là nhà ở hay nhà thương mại đều được pháp luật cho phép.
Quy trình nhập tịch Cộng hòa Síp là chương trình đầu tư đơn giản để đi thẳng lên quốc tịch EU trong thời gian nhanh nhất, nhưng mức đầu tư lại khá cao so với mặt bằng chung.
Cần phân biệt giữa quốc tịch một nước thuộc châu Âu (về mặt địa lý) nhưng chưa gia nhập EU và quốc tịch một nước thành viên EU (sử dụng đồng tiền chung euro).
Với quốc tịch một nước châu Âu chưa gia nhập EU, nhà đầu tư và gia đình chỉ được hưởng quyền công dân trong phạm vi quốc gia đó. Với quốc tịch một nước thành viên EU, nhà đầu tư và gia đình được hưởng quyền công dân EU, có thể tự do sinh sống, làm việc, học tập tại 27 quốc gia thành viên của EU.
Chương trình lấy quốc tịch các nước thuộc EU hiện có Cộng hòa Síp, Malta, Bulgari và Bồ Đào Nha. Chương trình lấy quốc tịch Montenegro đang được đánh giá là hấp dẫn vì nước này dự kiến gia nhập EU vào năm 2025 nên mức đầu tư hiện còn thấp.
Câu hỏi tiếp theo được đặt ra là chương trình nhập tịch Cộng hòa Síp thu hút những đối tượng nào?
Thông tin trong bộ hồ sơ có tên “The Cyprus Papers” (Hồ sơ Cyprus) tiết lộ rằng hàng chục quan chức cấp cao và gia đình của họ đã mua cái gọi là “hộ chiếu vàng” của Cyprus từ tháng 11/2017 đến tháng 09/2019.
Theo Al Jazeera, họ là chính khách hoặc nằm trong ban lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước và cũng nhiều trường hợp mua hộ chiếu cho cả người nhà.
Trong 2.351 hồ sơ tham gia đầu tư vào chương trình này thì Nga là đông nhất (922), tiếp theo là Trung Quốc (482) và Ukraina (100) và các nước khác tại Trung Đông và Đông Nam Á.
Hai người từ Việt Nam có quốc tịch Cộng hòa Síp được Al Jazeera nêu tên là Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc (Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh) và doanh nhân Phạm Nhật Vũ.
Ông Phạm Phú Quốc hiện là Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Ông trúng cử đại biểu quốc hội lần đầu năm 2016 ở đơn vị bầu cử số 4 thành phố Hồ Chí Minh, gồm Quận 5, Quận 10 và Quận 11 khi đang là Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh (HFIC). Hồ sơ cho thấy ông Phạm Phú Quốc được cấp quốc tịch Cyprus ngày 12/12/2018 và vợ ông cũng có quốc tịch Cyprus.
Ông Phạm Nhật Vũ, hiện đang thụ án tù 3 năm vì tội đưa hối lộ trong vụ án MobiFone mua AVG, có hộ chiếu Cyprus ngày 06/05/2019 và vợ ông cũng được cấp quốc tịch Cyprus.
Tuy nhiên, cần lưu ý là hồi tháng 11 năm ngoái, Cộng hòa Síp đã thu hồi “hộ chiếu vàng” được mua bởi 26 nhà đầu tư nước ngoài giàu có cho bản thân và thân nhân vốn là dân các nước ngoài khối EU trước những cáo buộc ‘bán quốc tịch’ từ các nước thành viên khác của EU. Theo nguồn tin, những người này gồm chín người Nga, tám người Campuchia và năm người Trung Quốc. Số còn lại đến từ Malaysia, Kenya và Iran.
Hồi đầu năm 2019, EU đã yêu cầu các quốc gia thành viên thắt chặt việc kiểm tra công dân ngoài EU tìm cách nhận hộ chiếu EU thông qua các khoản đầu tư. Có những lo ngại rằng “hộ chiếu vàng” có thể là một cửa hậu vào EU cho các băng đảng tội phạm hoặc các quan chức chính phủ tìm cách rửa tiền, hoặc trốn thuế tại nước của họ.
Vậy trường hợp Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc (Đoàn ĐBQH TP HCM) nhập tịch Cộng hòa Síp bằng con đường nào?
Ngày 25/08, Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc đã trao đổi với báo chí về thông tin cho rằng ông có quốc tịch Cộng hoà Síp. Ông Quốc cho biết ông đã có quốc tịch Cộng hoà Síp từ giữa năm 2018, nhưng là do gia đình bảo lãnh.
Ông nói: “Tôi khẳng định việc tôi có quốc tịch Cyprus là do gia đình [vợ và con] bảo lãnh, hoàn toàn không có việc mua quốc tịch với giá 2,5 triệu USD.
Vợ và con trai tôi đều là những doanh nhân. Con trai tôi học tập, làm việc tại Anh từ năm 2013, có sự nghiệp ổn định và quyết định gắn bó lâu dài.
Đến năm 2017, vợ và con gái tôi có mong muốn ra nước ngoài học tập và sinh sống cùng con trai tôi nên đã thực hiện các thủ tục xin quốc tịch tại đảo Cyprus. Quốc gia này cho phép nhập quốc tịch không phải thôi quốc tịch Việt Nam.
Sau đó, giữa năm 2018 gia đình tôi đã làm thủ tục bảo lãnh xin quốc tịch cho tôi tại Cyprus.”
Vị Đại biểu Quốc hội phủ nhận thông tin mua quốc tịch thứ 2.
Trường hợp ông Phạm Phú Quốc có tên trong “Hồ sơ Cyprus” làm dấy lên tranh luận tại Việt Nam về việc đại biểu Quốc hội có được phép mang song tịch.
Luật tổ chức Quốc hội hiện hành quy định về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội (điều 22) gồm 5 tiêu chuẩn như: Trung thành với Tổ quốc, nhân dân và hiến pháp; phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm; có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội; có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội. …
Còn theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội (từ ngày 01/01/2021 mới có hiệu lực) bổ sung vào một tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội là “Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam” (khoản 1a, điều 22).
Về trường hợp ông Phạm Phú Quốc mang 2 quốc tịch, giới luật sư nhận định các cơ quan của Quốc hội cần sớm xác minh thời điểm ông Phạm Phú Quốc nhập tịch Cộng hoà Síp để có các bước xử lý tiếp theo theo quy định.
Nếu ông Quốc nhập tịch trước thời điểm bầu cử Quốc hội khoá XIV thì sẽ rơi vào trường hợp không khai báo trung thực trong hồ sơ đại biểu. Nếu nhập tịch từ thời điểm giữa năm 2018 như ông Quốc trả lời trên báo chí, thì vị đại biểu ông Quốc đã không báo cáo trung thực với Quốc hội về việc này.
Trước ông Phú, đã từng có một số đại biểu quốc hội Việt Nam bị phát hiện là “có quốc tịch EU“.
Hồi tháng 07/2016, Đảng đối lập chính tại Malta, Đảng Quốc gia, yêu cầu chính phủ giải thích vì sao một đại biểu quốc hội Việt Nam có được hộ chiếu Malta. Malta cũng là một đảo quốc thành viên EU. Qua đó mà đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường bị phát hiện có thêm quốc tịch Malta. Việc nhập quốc tịch Malta không được bà Hường kê khai trong hồ sơ ứng cử. Sau đó, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã bỏ phiếu kín, kết quả 100% thành viên hội đồng có mặt biểu quyết xác nhận bà Hường không đủ tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV. Bà Hường cũng bị bãi nhiệm tư cách đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội.
Từ vụ việc này, Quốc hội đã xem xét bổ sung thêm tiêu chuẩn đối với đại biểu Quốc hội là “Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam“. Đồng thời luật quy định cho Quốc hội và cử tri có quyền bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội nếu thấy đại biểu đó không còn xứng đáng với tín nhiệm của nhân dân.
Lan Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Mặc Phú Trọng lo Đại hội – Quan chức “lũ lượt” sang Đảo Síp
>>> “Nội chiến” trong Đảng – Nguyễn Đức Chung bị “thanh trừng” trước Đại hội 13
>>> Dự Đại hội, đảng viên nhận cặp – Ăn ve sầu, trẻ em “vì sở thích”?
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT