Việt Nam “đoạt giải” kỷ lục phạm tội tại Nhật

https://youtu.be/ZgENFKtVemY
Link Video: https://youtu.be/ZgENFKtVemY

Trong khi Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng luôn ôm ấp niềm tự hào “đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay” từ suốt hai nhiệm kỳ qua thì Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam hồi tháng 07 vừa qua đã thừa nhận Việt Nam đang giữ vị trí số 1 về số người cư trú bất hợp pháp, số thực tập sinh kỹ năng bỏ trốn và số vụ bắt giữ do vi phạm Luật hình sự ở Nhật Bản.

Cơ quan đại diện ngoại giao hàng đầu của Nhật tại Việt suốt thời gian qua thường xuyên phổ biến thông tin kêu gọi người Việt sáng suốt để không bị vướng vào vòng lao lý tại Nhật.

Mới đây nhất, ngày 21/08, trang mạng xã hội facebook của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã đăng tải thông điệp “Gửi các bạn thực tập sinh kỹ năng Việt Nam đang thực tập tại Nhật BảnĐể không bị vướng vào tội phạm”.

Theo đó, Tổ chức quản lý thực tập kỹ năng người nước ngoài (OTIT) đã cho xuất bản tờ rơi để tuyên truyền giúp các bạn thực tập sinh không bị vướng vào tội phạm và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã dịch nội dung tờ rơi đó ra tiếng Việt với mong các bạn thực tập sinh kỹ năng Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản dành thời gian đọc tờ rơi, trang bị kiến thức cho mình để không vi phạm quy định tại đất nước mặt trời mọc.

Theo OTIT, thời gian qua có nhiều trường hợp thực tập sinh kỹ năng “bị các tổ chức tội phạm do những người đồng hương của họ lập nên, dùng các thông tin trên mạng xã hội và Internet để quảng cáo tuyển người, thông qua bạn bè và người quen để dụ dỗ, hoặc bằng những lời đường mật gạ gẫm môi giới việc làm và rủ rê bỏ trốn, lôi kéo vào nhiều loại hình tội phạm khác nhau”.

Nhiều hành vi phạm tội đã được cơ quan này nêu ra, trong đó có việc vi phạm Luật quản lý xuất nhập cảnh về tư cách lưu trú khi bỏ trốn khỏi nơi thực tập để làm công việc khác hay vi phạm Luật phòng chống rửa tiền, Luật phòng chống sử dụng trái phép điện thoại di động khi bán hoặc chuyển nhượng cho người khác điện thoại di dộng, thẻ rút tiền, sổ gửi tiền ngân hàng, tài khoản ngân hàng, trước khi về Việt Nam.

Ảnh chụp một phần của tờ rơi “Để không bị vướng vào tội phạm” do Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản dịch từ bản gốc do Tổ chức quản lý thực tập kỹ năng người nước ngoài (OTIT) của Nhật Bản ấn hành

Tờ rơi của OTIT viết rằng “bề ngoài thì những công việc nói trên có vẻ đơn giản với điều kiện hấp dẫn, mang lại khoản thù lao lớn ngay lập tức, nhưng thực tế tất cả các hành vi đó đều là tội phạm”.

Tổ chức quản lý thực tập kỹ năng người nước ngoài của Nhật cảnh báo: “Tổ chức tội phạm rủ rê các bạn thực tập sinh bằng những lời lẽ khéo léo, vì thế có trường hợp khi bản thân người bị rủ rê không hề ý thức được hành vi của mình là phạm tội nên đã thực hiện hành vi đó. Thực tập sinh bị tổ chức tội phạm lợi dụng theo kiểu như vậy bị coi là giúp sức cho hành vi phạm tội và sẽ bị cảnh sát bắt giữ với vị thế là người phạm tội.”

Nếu rơi vào tình cảnh như vậy thì bạn sẽ không thể thực hiện được mục đích tiếp thu kỹ năng và trở về an toàn trong vòng tay gia đình nơi quê nhà, mà sẽ trở thành đối tượng bị trục xuất trong điều kiện bất lợi.”

Trước đó hơn 1 tháng, vào ngày 10/07, cơ quan đại diện ngoại giao của Nhật đã đăng bài viết với tựa đề “Thực tập kỹ năng- Đừng để rơi vào hoàn cảnh khốn cùng” cho biết Việt Nam “giữ vị trí số một” về người cư trú trái phép và coi đây là “một thực tế đáng buồn” về người Việt tại “xứ sở mặt trời mọc”.

Bài viết ngày 10/07 đã chia sẻ trường hợp của một cựu thực tập sinh kỹ năng người Việt kể về lý do bạn ấy bỏ trốn khỏi nơi thực tập, cuộc sống trong những ngày làm việc chui lủi và lời khuyên nếu tình huống tương tự xảy ra với bạn thì nên liên hệ tới đâu để xin hỗ trợ.

Theo đó, anh Hạnh (tên nhân vật đã được thay đổi), sinh vào những năm 90, quê ở miền Bắc Việt Nam, hồi tháng 03/2018 sang Nhật để bắt đầu thực tập kĩ năng ở Okinawa trong ngành xây dựng.

Ngay khi anh mới bắt đầu làm việc đã lập tức xảy ra tình trạng bạo lực ở chỗ làm. Dù đã trao đổi với đoàn thể quản lý (nghiệp đoàn) nhưng tình hình không được giải quyết, nên anh đã bỏ trốn để thoát khỏi tình trạng bạo lực vào tháng 08/2018 và đi làm bán thời gian ở nơi khác. Vào tháng 10/2018 anh làm nhân viên bán thời gian tại nhà máy ở tỉnh Aichi trong vòng 1 năm. Đến tháng 10/2019, nhóm môi giới việc làm bất hợp pháp bị phát hiệ, anh Hạnh bị ngừng hợp đồng làm nhân viên bán thời gian. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, anh không còn việc để làm và tháng 04/2020 anh đã ra đầu thú ở Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh và chờ ngày về nước.

Ảnh chụp màn hình bài viết về trường hợp của một cựu thực tập sinh kỹ năng Việt Nam kể về lý do bạn ấy bỏ trốn khỏi nơi thực tập cũng chuỗi ngày làm việc bất hợp pháp và kết cục đáng buồn tại Nhật

Thông qua trường hợp của anh Hạnh kể trên, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam kêu gọi các bạn trẻ Việt Nam có dự định tới Nhật Bản để làm việc và thực tập kỹ năng hãy tham khảo thông tin cần biết trước hết nên làm gì để không rơi vào hoàn cảnh khốn cùng.

Trang Kokoro, trang cung cấp thông tin cho người Việt chuẩn bị đi hoặc đang sống ở Nhật, vốn là một dự án hợp tác giữa người Việt và các cơ quan của Nhật, từng dẫn lời đại sứ Nhật ở Việt Nam Yamada Takio nói rằng “vẫn còn nhiều trường hợp người môi giới bất chính ở cả Nhật Bản và Việt Nam, lợi dụng ước mơ hoài bão của các bạn trẻ, khiến họ sang Nhật và bị vướng vào các hành vi phạm pháp” và chính phủ hai nước “đang hết sức nỗ lực cố gắng để loại trừ những người môi giới bất chính đó”.

Cũng trong tháng 07 vừa qua, hai bên đã tiến hành trao đổi văn kiện phê chuẩn “Hiệp định giữa Nhật Bản và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về Chuyển giao người bị kết án phạt tù”.

Hai bên đã hoàn tất các thủ tục nội bộ cần thiết để “Hiệp định giữa Nhật Bản và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về Chuyển giao người bị kết án phạt tù” (ký ngày 01/07/2019) sẽ có hiệu lực vào ngày ‪19/08/2020, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (Bộ Công an sẽ là cơ quan trung ương của phía Việt Nam thực hiện Hiệp định này).

Hiệp định ký giữa Nhật Bản và Việt Nam quy định các thủ tục để chuyển giao về nước người đang chấp hành án phạt tù ở nước kia nếu đáp ứng một số điều kiện nhất định.

Hiệp định này vừa tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Nhật Bản và Việt Nam khi bị kết án phạt tù ở nước kia được chuyển giao để tiếp tục chấp hành phần hình phạt còn lại tại đất nước mình mang quốc tịch nhằm thúc đẩy công tác cải tạo và tái hòa nhập cộng đồng thành công sau khi chấp hành xong hình phạt, đồng thời được kỳ vọng sẽ góp phần phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực Hình sự.

Hồi tháng 03/2019, vụ việc khoảng 700 du học sinh nước ngoài, trong đó có du học sinh Việt Nam, bỏ trốn hoặc không liên lạc được tại trường Đại học Phúc lợi xã hội Tokyo đang gây xôn xao dư luận.

Hãng tin Kyodo dẫn thông tin từ trường cho biết những sinh viên trên mất tích kể từ sau các lớp dự bị hồi tháng 04/2018

Nguyên nhân chính được cho là du học sinh bỏ học để đi làm, kiếm thu nhập. Vấn đề là các em du học sinh chưa nắm được các quy định của pháp luật liên quan đến hành vi bỏ trốn; cứ tưởng bỏ trốn là không ai có thể “sờ gáy” để phạt mình nữa. Nhưng thực tế là luật đã siết chặt trách nhiệm của họ. Khi bỏ trốn, du học sinh sẽ bị phạt một số tiền lớn khi về nước (tùy từng trường hợp). Không chỉ du học sinh bị phạt mà người bảo lãnh cho du học sinh cũng liên đới chịu trách nhiệm (có thể là chính quyền địa phương, bố mẹ đẻ, anh chị hoặc người thân…).

Du học sinh khi quyết định bỏ học, trốn ra ngoài làm thêm, thường nghĩ đến viễn cảnh sẽ có thu nhập cao, tài chính ổn định, được tự do, thoát khỏi nỗi lo bị quản lý, gánh nặng học tập… Tuy nhiên, đó chỉ là là cái được vô cùng nhỏ bé nhưng rất nguy hại, vì ẩn đằng là nguy cơ các em mất cả tương lai và thậm chí làm liên lụy đến những người khác.

Trước hết, khi quyết định bỏ học, trốn ra ngoài, du học sinh đã tự mình chọn con đường sống bất hợp pháp. Theo luật pháp Nhật Bản, nếu một du học sinh bị trường báo cáo lên cơ quan nhập cư là nghỉ học và bị cơ quan nhập cư Nhật Bản xác nhận đã nghỉ học 3 tháng, tư cách lưu trú sẽ tự động mất hiệu lực, dù thời hạn thị thực trên giấy tờ vẫn còn và như vậy nếu bị bắt, du học sinh này sẽ bị trục xuất khỏi Nhật Bản. 

Một số em trốn ra ngoài để đi làm, gặp được chủ doanh nghiệp tốt, thấu hiểu hoàn cảnh, được đối xử công bằng, song điều đó cũng khiến những người chủ này phải đứng trước nguy cơ trở thành đối tượng vi phạm luật pháp vì đã bao che cho người cư trú bất hợp pháp. Đã có một số chủ doanh nghiệp Nhật Bản bị bắt giữ vì đã tuyển dụng lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp. Có những em thiếu may mắn rơi vào hoàn cảnh bị ngược đãi, bị quỵt tiền do chủ biết các em sẽ không dám trình báo với cơ quan chức năng.

Trước thực trạng số vụ tội phạm do người nước ngoài gây ra gia tăng, từ năm 2018, nhà chức trách Nhật Bản đã tăng cường các biện pháp truy quét người nước ngoài sống bất hợp pháp, trong đó có các du học sinh bỏ trốn.

Ảnh chụp bài viết ngày 26/01/2018 trên trang facebook của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam với thông điệp “Du học không phải để đi làm”

Cuối năm 2017, cảnh sát tỉnh Aichi đã vây bắt 13 người Việt Nam, trong số có cả du học sinh và tu nghiệp sinh, đã cư trú bất hợp pháp, trong đó người ngắn nhất là bốn tháng và người sống lâu nhất là hai năm hai tháng.

Ngày 30/8/2018, báo Mainichi của Nhật Bản đã có bài tường thuật vụ một du học sinh nữ người Việt, 25 tuổi, bị tòa án địa phương Nara phán quyết vi phạm luật xuất nhập cảnh vì đã cư trú bất hợp pháp, bị tuyên án tù hai năm và hoãn thi hành án ba năm, bị cưỡng chế về nước. Du học sinh này đến Nhật Bản tháng 01/2015 với ước mơ trở thành điều dưỡng viên, học tại trường tiếng Nhật ở tỉnh Miyazaki theo chương trình hai năm. Trước đó, gia đình đã phải vay số tiền 1.250.000 yên (11.367 USD) để trả cho người môi giới.

Khi đến Nhật Bản, du học sinh này vấp phải một thực trạng vô cùng khó khăn. Mặc dù không có nguyện vọng làm bán thời gian theo sự phân công của trường, song em vẫn bị điều đi làm việc tại một cơ sở điều dưỡng là chi nhánh của trường tiếng Nhật. Sau khi bị trừ các khoản tiền, trong đó có tiền ký túc xá, em chỉ được nhận 20.000 yên/tháng (182 USD), một số tiền quá ít ỏi. Sống trong lo lắng nguy cơ gia đình ở Việt Nam có thể mất nhà vì không có tiền trả nợ, em đã quyết định bỏ trốn khỏi trường để đi làm, nhưng đã bị bắt trong một lần truy quét người cư trú bất hợp pháp và bị trục xuất. Kết cục buồn này là do quyết định sai lầm của em trong lúc quá lo lắng, bởi nếu suy nghĩ một cách thấu đáo, em hoàn toàn có thể nhờ tư vấn từ các tổ chức, các luật sư hỗ trợ du học sinh để tìm giải pháp.

Ngày 26/01/2018, trang facebook của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã có bài viết nhấn mạnh “du học không phải để đi làm” đồng thời cảnh bảo những người có nguyện vọng đi du học Nhật Bản hãy cảnh giác với những lời mà các công ty tư vấn du học vẫn thường nhấn mạnh là “có thể vừa đi làm vừa đi học” bởi thực tế khác nhiều so với những quảng cáo hấp dẫn trên.

Hải Yến – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Đảng Đại hội 13 – Trung Quốc vội yểm bùa?

>>> Ngoại trưởng Philippines đề nghị hủy hợp đồng với các công ty Trung Quốc bị Mỹ cấm vận

>>> Việt Nam – Ấn Độ “ Liên thủ” chống Tàu

https://www.youtube.com/watch?v=2WgSf4nHrXY
“Tranh ghế” Đại hội 13 – Hồ sơ bệnh án lãnh đạo cấp cao là ‘tối mật’

Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT