Vụ bắt Tiến Sĩ Phạm Đình Quý: Dân „chia tay“ Đảng

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=r3LC5WxAchA

Một số luật sư, nhà báo đã bày tỏ quan ngại trước khả năng Công an Đắk Lắk đã hành xử ‘tùy tiện’ khi bắt giữ Tiến sĩ Phạm Đình Quý, giảng viên của trường Đại học Tôn Đức Thắng về tội vu khống.

Trả lời BBC News Tiếng Việt, luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Thế Giới Luật Pháp, Đoàn Luật sư TP HCM nói theo Điều 119 BLTTHS, việc tạm giam chỉ áp dụng đối với bị cáo về tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Tội vu khống là tội ít nghiêm trọng, Tiến sĩ Quý có nơi cư trú làm việc rõ ràng, cơ quan điều tra cũng đã khám xét chỗ ở và thu giữ đồ vật, máy tính… thì không có lý do gì để tạm giam Tiến sĩ Quý nếu thực sự hành vi của Tiến sĩ Quý đủ căn cứ để khởi tố“, LS Sơn nhận định.

Còn luật sư Hoàng Cao Sang viện dẫn trên Facebook cá nhân một số quy định về việc bảo vệ người tố cáo và cho rằng “ông Quý cần được bảo vệ đúng theo quy định của pháp luật và Chỉ thị của Bộ Chính trị“.

Sau khi nhận thông báo từ công an Đắk Lắk về việc con trai bị bắt khẩn cấp, ông Phạm Đình Trang nói với VOA vào chiều 30/9 rằng phía nhà chức trách “lạm quyền” và “làm sai luật”:

Con tôi khiếu nại ông Bùi Văn Cường đạo văn luận án tiến sĩ trước Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Nếu sai, theo luật Việt Nam, ông Bùi Văn Cường làm đơn kiện lại con tôi ra tòa, hoặc chờ Ủy ban Kiểm tra Trung ương mời hai bên về giải quyết. Bên nào sai, bên ấy chịu trách nhiệm trước nhà nước. Con tôi khiếu kiện là vấn đề dân sự. Cho công an đi bắt con tôi thì tôi xác định việc này là sai nguyên tắc, dùng áp chế, cường quyền là không đúng với luật pháp”.

Hiện nay, anh trai của tiến sĩ Quý là ông Phạm Đình Phú cùng một số luật sư đã đến Đắk Lắk để gặp công an tỉnh, nhưng ở thời điểm cuối buổi chiều 30/9, gia đình chưa nhận được thêm thông tin, ông Phạm Đình Trang, bố tiến sĩ Quý cho biết.

Ảnh 1: TS Võ sư Phạm Đình Quý (bên phải) và ông bí thư tỉnh ủy Đắc lắc Bùi Văn Cường người được cho là có đơn yêu cầu Công an tỉnh Đắc lắc xử Võ sư Quý và cũng là người chỉ đạo việc bắt bớ lạm quyền sai luật đối với võ sư Phạm Đình Quý

Theo ông Trang, công an Đắk Lắk đã lần lữa, câu giờ trong nhiều ngày, khi các luật sư đề nghị được gặp để làm việc về vụ bắt giữ ông Quý.

Nói về thực trạng gia đình phải đương đầu với nhà chức trách Đắk Lắk, ông Trang chia sẻ tâm tư:

Gia đình chúng tôi rất lo lắng. Một Ủy viên Trung ương Đảng có quyền hạn rất lớn. Ông Bùi Văn Cường chỉ đạo cho công an bắt con tôi chứ không phải ‘mời’. Tôi cũng biết là đụng với ông Cường, Bí thư Đảng ủy tỉnh, Ủy viên của Trung ương, thì tôi biết chuyện này sẽ khó khăn cho con cái tôi rồi”.

Mặc dù vậy, bố của tiến sĩ Quý vẫn bày tỏ rằng ông tin vào pháp luật công minh, cũng như hy vọng là các luật sư, công luận và báo chí sẽ giúp con ông không bị đối xử bất công.

Điều kiện cấu thành tội danh vu khống?

Xoay quanh việc ông Phạm Đình Quý bị ‘bắt khẩn cấp’ vì hành vi vu khống theo điều 156 Bộ luật hình sự, nhiều câu hỏi đặt ra về hành vi của ông Quý khi làm đơn tố cáo Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk có đủ để cấu thành tội danh hay không.

Giải đáp điều này, luật sư Phùng Thanh Sơn trích dẫn rằng điều kiện để cấu thành tội vu khống phải có yếu tố sau:

– Về mặt khách quan thì phải có sự bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật; bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền;

– Mục đích tội phạm: nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự.

Vì không có trong tay đơn tố cáo của Tiến sĩ Quý và cũng không có luận án tiến sĩ của ông Cường nên luật sư Sơn không thể đưa ra nhận định việc công an tỉnh Đắk Lắk khởi tố vụ án này đúng hay sai.

Tuy nhiên, ông Sơn bình luận: “Trong sự vụ này, nếu có việc ông Cường làm luận án tiến sĩ và có vấn đề trong việc trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo thì không thể nói là bịa đặt.

Ảnh 2: bài báo đăng trên Tạp chí Môi trường và Xã hội với tựa đề: “Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk bị tố ‘đạo’ luận án, gian dối học thuật?”. Trong đó có ghi: luận án Tiến sĩ của ông Bùi Văn Cường có 3 chương nghiên cứu lý thuyết đã sao chép khoảng 70% các công trình xuất bản trước đó. Ngoài ra, Luận án còn có tình trạng trích dẫn tài liệu ngụy tạo như: Ghi trích dẫn tài liệu số 48, 49, 57 (tài liệu nước ngoài), nhưng thực tế hình vẽ và cách diễn giải thì lại lấy từ tài liệu tiếng Việt của Nguyễn Hữu Quyền với nội dung giống từng câu, từng chữ, từng hình vẽ với Nguyễn Hữu Quyền… Và nhiều nội dung khác mô tả rất chi tiết

Có chăng thì đó là sự khác biệt về nhận thức trong việc nhận định sự việc“.

Luật sư Sơn cũng phân tích thêm: “Quan trọng là các sự kiện, tình tiết mà Tiến sĩ Quý nêu ra trong đơn có đúng không, chứ không phải là quan niệm, cách nhìn và góc nhìn của Tiến sĩ Quý về các sự kiện, tình tiết. Áp dụng pháp luật mà không cho phép người dân đưa ra góc nhìn khác, suy nghĩ, cảm nhận khác về sự vật, hiện tượng, sự kiện nào đó là đi ngược lại sự vận động và phát triển của xã hội. Mà nói ngắn gọn đó là sự phản động!”.

Công an tỉnh Đắk Lắk lên tiếng

Trong khi đó, ngày 2/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk ra thông cáo dài, nói về vụ bắt và khởi tố hai ông Hoàng Minh Tuấn và Phạm Đình Quý.

Theo phía công an, “Hoàng Minh Tuấn và Phạm Đình Quý đều đã khai nhận hành vi bàn bạc, thống nhất, có tổ chức thực hiện tội phạm, cố ý loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác“.

Thông cáo nói: “Lời khai nhận của Phạm Đình Quý và Hoàng Minh Tuấn phù hợp với các tài liệu chứng cứ Cơ quan điều tra đã thu thập được.”

Đây là hoạt động có dấu hiệu hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, thông qua bôi nhọ, vu khống lãnh đạo cấp cao của Đảng trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp. Quá trình giải quyết vụ án đã được các cơ quan tố tụng tiến hành công tâm, khách quan, trên quan điểm “thượng tôn pháp luật“.”

Công an tỉnh nói tiếp họ “đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để mở rộng điều tra và xử lý nghiêm những người có liên quan theo đúng quy định của pháp luật“.

Thông cáo của Công an tỉnh Đắk Lắk khẳng định: “Quá trình xử lý vụ việc các cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Lắk bảo đảm phương châm “thượng tôn pháp luật”, thực hiện đầy đủ quy trình tố tụng, đồng thời xin ý kiến chỉ đạo và được sự đồng ý của cơ quan ngành dọc ở Trung ương.”

Bộ Công an trả lời

Chiều tối 2/10, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thiếu tướng Tô Ân Xô – Chánh Văn phòng Bộ Công an, đã trả lời về vụ việc.

Ảnh 3: Kết quả kiểm tra chống sao chép bằng phần mềm TURNITIN của Đại học hàng hải Việt nam ghi tỷ lệ sao chép là 12% nhưng lộ ra mâu thuẫn rằng sao chép từ nguồn Internet là 6% và nguồn luận văn khác là 9%, lẽ ra 6% cộng với 9% phải bằng 15%

Ông cho hay Bộ Công an đã nhận được báo cáo của Công an tỉnh Đắk Lắk.

Quá trình xác minh cho thấy có dấu hiệu tội phạm nên ngày 19-9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Đắk Lắk ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra Lệnh bắt bị can để tạm giam (thời hạn 2 tháng) đối với ông Hoàng Minh Tuấn, sinh năm 1980, về tội vu khống, theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)” – ông Xô nói.

Quá trình điều tra ban đầu, Hoàng Minh Tuấn, Phạm Đình Quý bước đầu khai nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình. Hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để mở rộng điều tra và xử lý hai bị can này theo đúng quy định của pháp luật“, Thiếu tướng Tô Ân Xô thông tin.

Về đơn tố cáo của ông Quý, nhà báo Hoài Nam, cựu phóng viên báo Thanh Niên viết trên Facebook: “Việc tố cáo Bí thư Cường đạo luận văn chưa thấy có cơ quan nào khẳng định tố cáo không có cơ sở, hoặc tố cáo sai sự thật, bởi lẽ đây là công trình khoa học, cần phải có cơ quan chuyên môn vào cuộc và kết luận“.

Đặc biệt, theo tài liệu tố cáo Bí thư Cường sử dụng 07 tài liệu khoa học khác copy vào luận án của mình, những tài liệu này là của những nghiên cứu sinh đã bảo vệ những năm trước đó. Muốn biết có đạo hay không, phải có Hội đồng Khoa học nghiên cứu và kết luận mới đủ cơ sở khẳng định việc tố cáo sai sự thật“, nhà náo Hoài Nam nhận định.

Đồng thời, ông Nam cũng chỉ ra cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắc chỉ là một cơ quan chuyên về tố tụng, không phải là cơ quan chuyên môn về khoa học có thẩm quyền khẳng định luận án của Bí thư Cường có đạo hay không.

Trên Facebook cá nhân, ông Nguyễn Đức Hiển – Phó Tổng biên tập báo Pháp luật TP HCM đặt câu hỏi ai là người đã yêu cầu khởi tố vụ án dẫn đến việc ông Quý bị bắt. Theo đó, nhà báo Đức Hiển bình luận:

Theo Điều 155 Bộ luật Tố Tụng Hình sự 2015, Việc khởi tố vụ án hình sự về tội vu khống chỉ được thực hiện khi có yêu cầu của người bị hại. Với trả lời của CA Đắc Lắk, có thể hiểu người bị hại ở đây là cá nhân“.

Vì thông báo trên của CA không nói rõ ai là người bị hại, cũng không nói rõ số và ngày ban hành quyết định khởi tố vụ án nên tôi không biết người bị hại là ai.

Ảnh 4: Thiếu tướng Tô Ân Xô, người từng phát ngôn rằng ông Lê Đình Kình là “Cường hào địa chủ” đã bị dân mạng soi thấy sợi dây nịt mà ông đeo là của nhãn hiệu HERMES với giá 5000 USD một chiếc, tức hơn 100 triệu đồng

Chỉ chắc chắn một điều: Nếu nội dung thông báo của CA Đắk Lắc là chính xác thì vụ án đã được khởi tố theo yêu cầu của một người nào đó, dẫn đến việc bắt Tiến sĩ Quý“.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Hiển cũng dẫn luật rằng yêu cầu của người bị hại về việc khởi tố là điều kiện chứ không phải là căn cứ khởi tố vụ án hình sự.

Khi nào bắt người khẩn cấp?

Theo Điều 110 BLTTHS, một trong ba trường hợp cơ quan cảnh sát điều tra được phép giữ người trong trường hợp khẩn cấp là: “nếu xét thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở, nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ“.

Tuy nhiên, luật sư Phùng Thanh Sơn cũng chỉ ra rằng: “Khi nào cần thiết khi nào không cần thiết thì luật không quy định rõ nên rất dễ dẫn đến việc giữ người tuỳ tiện“.

LS Sơn nói thêm: “Khi thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp phải tuân thủ theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 113 BLTTHS. Tức phải đọc lệnh, giải thích lệnh, lập biên bản. Nếu giữ người phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt, giữ và người khác chứng kiến.

Nếu khi bắt Tiến sĩ Quý mà không đọc lệnh, không giải thích lệnh, không lập biên bản, không có sự chứng kiến của chính quyền phường nơi Tiến sĩ Quý bị giữ, không có sự chứng kiến của người khác là trái luật“, LS giải thích.

Nói với BBC hôm 29/9, ông Phạm Đình Phú, anh trai của TS Phạm Đình Quý kể lại: “Khoảng 18g ngày 23/9, em trai tôi cùng em dâu ăn tối tại đường D1 thì bị một nhóm 8 người mặc thường phục vây bắt. Em dâu tôi còn bị buộc ký vào cam kết không được tiết lộ về cuộc vây bắt này“.

Theo ông Phú, đây là vụ bắt cóc chứ không phải được mời để phối hợp điều tra vì “cuộc vây bắt này không được thông báo hay mời làm việc theo quyết định tạm giam như luật pháp Việt Nam quy định“.

Ảnh 5: ông Bùi Văn Cường (bìa trái) tháp tùng ông Trần Quốc Vượng (giữa) – hai người cùng mặc áo Tây Nguyên. Blogger Bùi Thanh Hiếu cho biết thêm rằng ông Bùi Văn Cường là người cất nhắc Trần Quốc Bình (con ông Trần Quốc Vượng) lên như diều trong thời kỳ ông Cường làm tổng liên đoàn LĐVN. Cường như tay chân thân tín tâm phúc của Trần Quốc Vượng. Còn Trần Quốc Vượng là tay chân thủ túc của Nguyễn Phú Trọng thì chẳng còn ai hoài nghi.

Theo quy định của Điều 116 BLTTHS, trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận người bị giữ, cơ quan điều tra phải phải thông báo cho gia đình người bị giữ, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc biết.

Tuy nhiên, nếu việc thông báo đó gây cản trở truy bắt đối tượng khác hoặc cản trở điều tra thì sau khi việc cản trở không còn nữa thì phải thông báo ngay. Còn khi nào được xem là cản trở thì luật cũng không quy định tiêu chí xác định rõ ràng nên cơ quan điều tra hoàn toàn có quyền vịn vào lý do này để biện minh cho việc vi phạm tố tụng của mình“, LS Sơn phân tích.

Trên Facebook cá nhân, ông Chau Doan cũng bình luận về việc TS Phạm Đình Quý cùng học trò Hoàng Minh Tuấn bị bắt khẩn cấp bởi tố cáo Bùi Văn Cường, bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk, đạo luận án tiến sĩ. Ông nói:

Tôi không hề biết tới họ trước đây nhưng sự việc ngang trái này khiến tôi cảm thấy bất an bởi mức độ lạm quyền trầm trọng của công an Đắk Lắk. Một xã hội muốn tiến tới công bằng, văn minh, thượng tôn pháp luật thì quyền lực không thể được dùng một cách tuỳ tiện như vậy được. Điều đáng buồn hơn nữa là báo chí cũng vào hùa để biện minh cho việc bắt bớ này là hợp lý, họ nói rằng đây là việc bắt giữ khẩn cấp với người bị tạm giữ chứ không phải bắt khẩn cấp. Với tôi thì có uốn éo câu chữ thế nào, bản chất cũng vậy thôi“.

Trên Facebook, một số người như luật sư Nguyễn Duy Bình lo ngại rằng sự việc này sẽ dẫn đến ‘tiền lệ nguy hiểm’.

Luật sư Hoàng Cao Sang cũng lên tiếng trên Facebook cá nhân của mình về quyền của người tố giác. LS Sang trích dẫn, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 27-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Theo đó, ông Sang cho rằng ông Quý cần được bảo vệ đúng theo quy định của pháp luật và Chỉ thị của Bộ Chính trị.

Trước đó, Công an Đắk Lắk ngày 30/9 thông báo cho báo chí ở Việt Nam rằng giảng viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng Phạm Đình Quý (39 tuổi, tạm trú TP.HCM) bị bắt khẩn cấp về hành vi vu khống theo điều 156 Bộ luật hình sự.

Ngày 19/9, Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố vụ án vu khống theo Điều 156 BLHS nhưng nhiều ngày sau đó họ mới công bố thông tin khởi tố này.

Ảnh 6: trường Đại học Tôn Đức Thắng, nơi TS Võ sư Phạm Đình Quý đang làm việc và giảng dạy

Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> Việt Nam: Nuốt Không trôi – Đảng viên anh hùng “nhập trại”

>>> 1 Tỷ đồng một chữ – Đảng “ăn hại” Nhân dân

>>> Diễn biến mới vụ Trường ĐH Tôn Đức Thắng

Bắt Tiến Sĩ Phạm Đình Quý – Bí thư Đảng lộng quyền, tiểu nhân

Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023